Cho học sinh bóp cổ cô giáo ‘con đường sống’, được không?

Phản ứng giận dữ, phẫn nộ và mong muốn phải đuổi học ngay học sinh bóp cổ cô giáo ở Bến Tre, nhưng ngay sau đó, hình thức kỷ luật ấy đã làm không ít bạn đọc trăn trở về hậu quả của nó đối với tương lai của một đứa trẻ.

Cho học sinh bóp cổ cô giáo con đường sống, được không? - Ảnh 1.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc Mai Thi.

“Chính cái nắm tay đúng lúc của cha mẹ, thầy cô sẽ kéo trẻ khỏi lún sâu xuống bờ vực của sai trái, lỗi lầm. Giáo dục, cảm hóa bằng tình yêu thương chắc chắn không hề dễ, nhưng nếu chúng ta có lòng kiên trì, nhẫn nại cũng như sự nhiệt tâm thì “xương rồng” cũng có thể “nở hoa”.

Mai Thi

“Câu chuyện một nam sinh lớp 8 ở Bến Tre bênh bạn gái mà chửi tục và bóp cổ cô giáo tiếng Anh làm tôi nghẹn ngào trước hành động dữ dằn, lời lẽ phản cảm của lứa tuổi măng non. Giận dữ, phẫn nộ và ước muốn xử lý nghiêm khắc kẻ ra tay đánh người ấy dâng lên trong tôi cuồn cuộn.

Rồi quyết định tạm đình chỉ việc học đối với em được đưa ra làm tôi hả lòng hả dạ khi cái xấu bị trừng trị, học sinh cá biệt bị cách ly. Nhưng ngay sau đó, hình thức kỷ luật ấy cũng làm tôi trăn trở về tác động tiêu cực của nó đối với tương lai của một đứa trẻ.

Phải chăng tôi đã nghiêm trọng hóa vấn đề khi nghĩ đến việc nhà trường buông tay một học sinh hư, xã hội sẽ có thêm một thành phần bất hảo? Bởi hệ lụy của hình thức đuổi học ấy không hề nhỏ.

Trong khi nhà trường là nơi bình yên nhất thì xã hội lại có quá nhiều cạm bẫy, ai đảm bảo các em sẽ không tiếp tục vấp ngã? Trong khi nhà trường là nơi truyền dạy đạo đức thì xã hội lại trắng đen lẫn lộn, ai sẽ giúp các em phân biệt tốt – xấu?

Trong khi nhà trường rèn học sinh trong khuôn khổ, nề nếp với những quy định chặt chẽ của nội quy thì xã hội lại là môi trường lơi lỏng nhất để các em tự do thể hiện cá tính theo hướng tiêu cực bằng bạo lực, đánh đấm, nói tục, chửi thề…

Đẩy các em ra khỏi môi trường học đường, xa rời vòng tay dạy dỗ của thầy cô cũng như sợi dây kết nối của tình bạn có phải là giải pháp tối ưu? Tôi xin khẳng định là: Không!

Vốn là một trong số 18 học sinh cá biệt của trường, cậu học sinh kia chắc chắn biếng học và ý thức kém. Khi chẳng hứng thú với việc học, nay lại “được” nhà trường cho nghỉ học, cơ hội la cà, lêu lỏng của em sẽ nhiều hơn. Sự trượt dài về ý thức sẽ không có điểm dừng!

Đuổi học chính là sự bất lực trong giáo dục của nhà trường. Khi nhà trường giao lại nhiệm vụ giáo dục cho gia đình, liệu bố mẹ có quản được con không? Hay là sự buông lỏng quản lý của gia đình lại tiếp tục đẩy các em trượt dài từ sai lầm này đến sai lầm khác?

Đừng nghĩ đơn giản là sau khi bị đình chỉ việc học một thời gian, em sẽ hối lỗi và ngoan ngoãn quay lại trường để thầy cô mở rộng vòng tay chào đón. Con đường trở lại trường lớp của em sẽ chông chênh hơn rất nhiều. Ấn tượng xấu xí về quá khứ đến nỗi bị đuổi học sẽ là vết nhơ khó gột rửa.

Hoặc là em sẽ mặc cảm, tự ti trước bạn bè rồi việc muộn học một thời gian so với các bạn cùng trang lứa sẽ làm các em nản chí, bỏ ngang việc học. Hoặc là các em sẽ “xù lông” lên chống trả cái nhìn thiếu thiện cảm của bạn bè, lúc ấy chẳng khác gì trường học lại tiếp đón một học sinh cá biệt hơn, dữ dằn hơn trước.

Nhiều năm giáo dục học sinh đã cho tôi một kinh nghiệm xương máu, đó là hễ học sinh bị đình chỉ học thì ngay lập tức sẽ bỏ học. Lúc đó, các em biến thành những “người thừa” của xã hội. Học nghề thì chưa đến tuổi, học chữ thì bị từ chối, các em nhanh chóng hư hỏng hơn.

Thế đó, một hình thức kỷ luật ở mức cao nhất mang tính răn đe nhất đối với học sinh là đình chỉ việc học cũng bộc lộ khá nhiều mặt trái. Nhưng cứ mãi khiển trách, cảnh cáo e cũng chẳng phải là giải pháp tối ưu!

Vì vậy, việc kỷ luật học sinh là tất yếu, nhưng quan trọng hơn là chọn một hình thức kỷ luật tích cực, có tính giáo dục. Chúng ta không thể “chữa bệnh” bằng cách trừng phạt học sinh là xong mà vấn đề cốt yếu là giúp các em nhận ra hành động của mình là sai trái, có ý thức sửa sai và có tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến để thay đổi.

Đừng nghĩ tôi đang dung túng cho cái sai của các em. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là không có một học sinh nào hư đến mức không thể giáo dục được. Khi một học sinh hành động khác với số đông, đừng vội quy kết, đừng vội buông tay trẻ.

Chính cái nắm tay đúng lúc của cha mẹ, thầy cô sẽ kéo trẻ khỏi lún sâu xuống bờ vực của sai trái, lỗi lầm. Giáo dục, cảm hóa bằng tình yêu thương chắc chắn không hề dễ, nhưng nếu chúng ta có lòng kiên trì, nhẫn nại cũng như sự nhiệt tâm thì “xương rồng” cũng có thể “nở hoa”.

Bởi vậy, nhà trường đừng buông tay học sinh bóp cổ cô giáo và cho em ‘con đường sống”, được không?

Nguồn tuoitre.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *