Chủ tịch quận 12 bị HĐND TP HCM ‘truy’ trách nhiệm vụ bạo hành trẻ
Trong khi các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục, Chủ tịch HĐND TP HCM chỉ ra “trách nhiệm của quận 12” trong vụ trẻ mầm non bị bạo hành.
Sáng 6/12, ngày làm việc thứ 3 kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX, các đại biểu HĐND TP HCM chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn.
Phát biểu đầu phiên làm việc, ông Lê Hồng Sơn cho biết rất đau lòng vì có những chuyện bạo hành xảy ra ở những lớp mầm non. “Có những người không có đạo đức nghề nghiệp, trở thành những con sâu làm rầu nồi canh, gây hoang mang, làm mờ đi hình ảnh các thầy cô giáo; nhất là làm cho những em bé vô tội chịu những điều không đáng có”, ông Sơn nói.
“Khó khăn về tài chính, nhân lực đều có thể khắc phục nhưng bản thân con người phải đảm bảo về mặt đạo đức để không thể xảy ra những điều đáng tiếc như vậy”, ông Sơn chia sẻ và nói rằng luôn mong muốn được đón nhận những câu hỏi chất vấn của đại biểu để hoàn thiện, phục vụ tốt nhất cho các em.
Vụ bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12) mới đây khiến dư luận bức xúc. Mỗi sáng nhận các cháu vào lớp, bà Linh (chủ cơ sở mầm non) và các bảo mẫu đều tươi cười niềm nở. Tuy nhiên ngay sau khi cha mẹ các bé đi khỏi, hoặc trong các bữa ăn, họ đánh trẻ tàn bạo.
Ba đại biểu đầu tiên nêu 7 câu hỏi về: bạo hành trẻ mầm non; chính sách hòa nhập cho người khuyết tật; giải pháp nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng; công tác đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông; khi nào không còn thiếu giáo viên mầm non và một số môn năng khiếu phổ thông…
Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu trả lời về công tác quản lý các nhóm trẻ gia đình. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Chủ tịch quận 12 Lê Trương Hải Hiếu bị ‘truy’ trách nhiệm
Điều hành buổi chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã trả lời rõ và đầy đủ các câu hỏi của đại biểu về vấn đề bạo hành trẻ. Bà Tâm đề nghị Chủ tịch UBND quận 12 (nơi có cơ sở mầm non Mầm Xanh) báo cáo thêm về công tác chỉ đạo, kiểm tra các nhóm trẻ gia đình.
Trả lời trước nghị trường, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu không đi thẳng vào vấn đề, chỉ đề cập đến các con số thống kê, động thái của quận khi vụ bạo hành trẻ đã bị phát hiện…
Cắt lời ông Hiếu, giọng bà Tâm khá gay gắt: “Chỉ nói quy trình mà không nói trách nhiệm là không được. Đề nghị Chủ tịch quận 12 nói về trách nhiệm của mình khi để xảy ra vụ bạo hành và giải pháp sắp tới”.
Tuy nhiên, ông Hiếu vẫn giữ quan điểm cũ: “Tới đây chúng tôi đề nghị phòng giáo dục và 11 phường tổng hợp kết quả thanh tra về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn giáo viên, công khai cho phụ huynh tham khảo chọn lựa, lắp camera các trường cho phụ huynh giám sát, chỉ đạo Hội phụ nữ quận và phường thường xuyên giám sát…”.
Không hài lòng với phần trả lời này, bà Tâm nói rằng, hệ thống chính trị với rất nhiều cơ quan, đoàn thể rải đều từ khu phố đến phường xã, quận huyện rồi MTTQ, hội phụ nữ… nhưng cuối cùng việc phát hiện các vụ bạo hành chủ yếu qua kênh báo chí.
“Trách nhiệm của mình như thế nào, lâu lâu lại có một vụ bạo hành trẻ xảy ra rất dã man và đau lòng. Phải có cách nào chứ không thể để như thế này, HĐND phường xã cũng tái lập rồi. Nhưng khi xảy ra không nói được trách nhiệm của mình như thế nào là không ổn?”, bà Tâm nói và đề nghị trong phiên chất vấn chiều nay Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cần trả lời rõ hơn về trách nhiệm cũng như giải pháp sắp tới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn: “Tôi rất đau lòng về bạo hành xảy ra ở những lớp mầm non”. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Trách nhiệm của Sở Giáo dục trong những vụ bạo hành trẻ mầm non
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nói rằng, vụ bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh không phải xảy ra lần đầu, trước đó có nhiều vụ đã bị khởi tố. “Trách nhiệm của Sở trong các vụ này thế nào? Việc giám sát các cơ sở mầm non có chặt chẽ chưa hay chỉ là hình thức?”, bà Trâm chất vấn.
“Không ít nơi, giáo viên mầm non chỉ cần học vài tháng là có chứng chỉ đứng lớp, không được trang bị về phẩm chất nghề nghiệp, kiểm soát cảm xúc. Trong khi nuôi dạy trẻ là một ngành đặc thù, ngoài chuyên môn giáo viên cần có lòng yêu trẻ?”, đại biểu Trâm tiếp tục nêu vấn đề.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí đặt câu hỏi về giải pháp căn cơ, triệt để của Sở – để không xảy ra bạo hành trẻ mầm non. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đừng để xảy ra rồi mới xử lý vì vấn đề giáo dưỡng những năm tháng đầu đời rất quan trọng cho các cháu”, ông Trí nói.
Ông cũng đề nghị Sở cho biết, trong tổng số trẻ em của thành phố có bao nhiêu được chăm sóc ở trường công lập, bao nhiêu ở các cơ sở tư thục? Nếu ở tư thục lớn, nên chăng đẩy mạnh đào tạo ở khu vực này?
Theo ông Sơn, quy định phân cấp quản lý cấp phép trường mầm non là thuộc thẩm quyền của UBND quận huyện, phường xã quản lý trực tiếp nhóm lớp mầm non. Sở phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh, uốn nắn các nhóm lớp mầm non tư thục. Sau kiểm tra cũng có văn bản gửi chủ tịch UBND quận huyện.
Hiện, thành phố có 1.845 nhóm lớp tư thục, 8-10 trẻ mỗi nhóm, do phường xã trực tiếp quản lý. “Bạo hành thường xảy ra ở số này”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, còn có 544 hộ giữ trẻ gia đình, giữ dưới 7 trẻ có đăng ký và nhiều hộ giữ trẻ khác không đăng ký. Sở cùng UBND quận huyện vẫn phối hợp thường xuyên trong việc quản lý những cơ sở mầm non tư thục. Những trường hợp mất đạo đức, nhân tính đã bị xử lý, tù giam…
Đồng thời, Sở phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ tập huấn, nhất là cho những hộ giữ trẻ gia đình, biết kiến thức cơ bản nhất, bồi dưỡng nghiệp vụ, cũng như yêu cầu họ “cam kết không bạo hành trẻ” với địa phương và phụ huynh.
“Sở đã làm nhiều cách để họ thấu hiểu, song vẫn có những trường hợp cá biệt xảy ra do nhân tính, đạo đức của giáo viên”, ông Sơn nói.
Bà Tố Trâm chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Năm 2019 TP HCM có bộ sách giáo khoa riêng
Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc đề nghị lãnh đạo Sở Giáo và Đạo tạo cho biết về kế hoạch xây dựng bộ sách giáo khoa riêng cho TP HCM sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép. “Quốc hội có Nghị quyết lùi thời gian thực hiện lộ trình sách giáo khoa phổ thông, thành phố có được phép tiếp tục biên soạn sách giáo khoa riêng không?”, bà Ngọc chất vấn.
Ông Lê Hồng Sơn cho biết, năm 2016 Bộ Giáo dục có công văn cho phép Sở phối hợp NXB Giáo dục thực hiện bộ sách giáo khoa riêng. “Sở đang chuẩn bị về nhân lực, có đủ chuyên gia, nhà trí thức cao cấp đứng đầu cả nước, định hướng đổi mới. Mọi dữ liệu được chuẩn bị sẵn chờ Bộ phê duyệt chính thức”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, thực hiện Nghị quyết 88 Quốc hội, Bộ tiếp tục đồng ý cho TP HCM thực hiện bộ sách giáo khoa riêng. Về tiến độ, ông Sơn cho hay năm 2019 sẽ triển khai thí điểm. Sau đó sẽ đánh giá lại, mới ban hành chính thức.
Về các Trung tâm học tập cộng đồng, ông Sơn cho biết mô hình này thực hiện theo đề án của trung ương nhằm xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. “Sở là thường trực tổ chức thực hiện, thấy rằng có tình trạng một số nơi mô hình này hoạt động không tốt. Sắp tới sẽ có biện pháp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ khó khăn để hiệu quả hơn”, ông Sơn nói.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Sở Giáo dục và lãnh đạo các quận huyện rà soát sĩ số lớp học, thống kê bao nhiêu lớp trên 35 học sinh để thành phố có giải pháp tháo gỡ.
Bà đề nghị UBND TP chỉ đạo trình dự án đầu tư công trong xây dựng trường, tăng xã hội hoá và cải cách thủ tục hành chính, minh bạch quy hoạch giáo dục. Về công tác quản lý, bà yêu cầu giám sát chặt nhóm trẻ gia đình, xem lại việc cấp phép, tăng kiểm tra sau cấp phép, tăng giáo dục kỹ năng cho người giữ trẻ…
Bà cũng đề nghị quan tâm xây dựng chất lượng sách giáo khoa mới sao cho tốt nhất. Đồng thời ngành giáo dục quan tâm hơn nữa đến chính sách giáo dục đối với giáo viên giảng dạy và trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật.
Chiều nay, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong sẽ trả lời chất vấn chung của các đại biểu.
Khai mạc hôm 4/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX kéo dài trong 4 ngày. Trong hai ngày đầu tiên, UBND thành phố đã báo cáo về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội năm qua cũng như giải pháp để hoàn thành các mục tiêu trong năm tới.
Các đại biểu cũng đánh giá, bàn bạc về báo cáo của UBND thành phố, đồng thời thảo luận thêm các giải pháp phát triển kinh tế xã hội. Chiều qua, HĐND TP HCM đã bầu bổ sung thêm 2 ủy viên UBND thành phố là ông Huỳnh Thanh Nhân (Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao) và ông Dương Anh Đức (Sở Thông tin – Truyền thông). Ngày làm việc cuối cùng, HĐND TP sẽ thảo luận thông qua 30 tờ trình của UBND TP về các nội dung: trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (đối với cán bộ không chuyên trách phường – xã, thị trấn); thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất (190 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 517 ha) và các dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa… Tờ trình điều chỉnh lệ phí cấp giấy phép xây dựng (tăng 1,5 lần); tăng lệ phí tham quan bảo tàng; điều chỉnh tăng mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chế độ hỗ trợ đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi… Đặc biệt là tờ trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách phát triển thành phố. |
Nguồn vnexpress.net