Cô giáo 15 năm tận tụy dạy trẻ khuyết tật kể về lỗi lầm khó quên với cậu học trò đầu tiên

Vì chưa đủ kinh nghiệm và hiểu lầm với cậu học trò khuyết tật chân, cô Ái Vân nói “Yêu cầu em nghiêm túc, đi thẳng người lên. Cô mời em vào lớp”. Thái độ của cô giáo khiến cả lớp cười ồ lên và khiến cậu học trò ấy chực khóc…

15 năm kiên nhẫn với những đứa trẻ đặc biệt

Tháng 10/2002, cô giáo Nguyễn Thị Ái Vân (khi đó 26 tuổi) được điều động về công tác tại Trung tâm nuôi dưỡng giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái. Suốt từ đó tới nay, cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cô giáo Ái Vân - người cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Cô giáo Ái Vân – người cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

“Khi tôi quyết định về Trung tâm, rất nhiều anh em, bạn bè lo lắng, về đó trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và nhiều trẻ khuyết tật nữa, ghê lắm, sợ lắm, liệu có nên không, có chịu được không? Lúc đó, tôi chỉ nghĩ khó khăn ư, 5 năm ở xã rồi còn có gì khó hơn, trẻ khuyết tật thì sao, mình cũng từng tiếp xúc, dạy dỗ… Mọi lo lắng qua nhanh khi tôi bước chân vào cổng Trung tâm, một em học sinh khiếm thị nghe thấy tiếng tôi còn chào cô một cách vui vẻ và rõ ràng. Rồi những tháng ngày như vậy cứ trôi qua, tôi sống, làm việc với lũ trẻ mà trong con mắt của nhiều người thật tội nghiệp, đáng thương một cách say mê, nhiệt tình”, cô giáo Ái Vân chia sẻ.

Năm 2009, Trung tâm này đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái với quy định chức năng nhiệm vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu về giáo dục trẻ em khuyết tật trong toàn tỉnh, trong đó nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận, nuôi dưỡng, giáo dục, hỗ trợ, can thiệp sớm trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Sau khi chuyển đổi chức năng nhiệm vụ mới, các giáo viên trong đó có cô Vân đã nỗ lực học tập và rèn luyện.

Tháng 6/2012, cô Vân cùng 6 giáo viên trong Trung tâm được cử đi học lớp Nghiệp vụ Giáo dục hòa nhập tại trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Khóa học đã giúp cô cùng đồng nghiệp có những hiểu biết cụ thể, rõ ràng và sâu hơn về cách thức, phương pháp và những kĩ năng dạy trẻ khuyết tật. Hiểu được ý nghĩa của kiến thức và kỹ năng, hàng năm, cô Vân chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các chương trình Hội thảo của Bộ Giáo dục đào tạo, các dự án về chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật.

Dạy trẻ khuyết tật là một việc làm không đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn, nắm bắt tâm lí và hơn hết là tấm lòng yêu thương của người thầy. Từ những việc làm tưởng như rất nhỏ như thường xuyên quan tâm đến khả năng nhận thức của mỗi trẻ để có những phương pháp giáo dục và đánh giá phù hợp (như động viên, khen ngợi khi các em làm được một điều gì đó, tổ chức cho các em các hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao) đến việc quan sát các biểu hiện, các hành vi của trẻ. Trên cơ sở đó hạn chế, ngăn chặn các hành vi không phù hợp. Và hơn thế nữa là giúp các em có kĩ năng sống, tự tin vào bản thân, vượt qua mặc cảm, rào cản xã hội để có thể tự khẳng định mình. Để làm được điều này, những người giáo viên đang trực tiếp làm công tác giáo dục trẻ khuyết tật nhận thức rõ trách nhiệm, sự kiên trì, tình thương yêu, sự cảm thông với trẻ khuyết tật chính là chìa khóa của sự thành công.

Cô Vân bộc bạch: “Là con người ai chẳng có lúc không kiềm chế được sự nóng nảy. Nhưng tôi đã thấy hiểu được rằng những phản ứng không mong muốn đến từ các em là do dạng tật gây nên, mình phải tìm hiểu các phương pháp để hướng dẫn, dạy dỗ các em, giúp đỡ các em hòa nhập vào cuộc sống bình thường chứ không trách các em”.

Cô Vân bên học trò của mình
Cô Vân bên học trò của mình
Lớp học của cô Vân
Lớp học của cô Vân

Cái duyên với trẻ khuyết tật bắt nguồn từ một lỗi lầm…

Cô Ái Vân chia sẻ: “Tôi tiếp xúc với trẻ khuyết tật không phải là khi về trung tâm này tôi mới gặp mà ngay khi công tác ở ngôi trường đầu tiên, khi mới 22 tuổi vừa ra trường tôi đã gặp một học trò mà tôi chưa từng quên. Cho nên tôi cho rằng đây là mối duyên của mình và nếu được làm lại tôi vẫn chọn trở thành giáo viên của các em”.

Năm 1998, cô Ái Vân tốt nghiệp ngành Văn – Sử, trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Cô được phân công công tác tại trường Trung học cơ sở xã Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Cô Vân nhớ lại: “Giờ dạy đầu tiên không phải là môn tôi đã được đào tạo mà lại là môn Sinh học lớp 7 (do thời gian đầu trường thiếu giáo viên nên tôi được phân công dạy kê môn Sinh học và Kĩ thuật nông nghiệp lớp 7).

Cô Vân chưa từng quên lỗi lầm của cô với cậu học trò đặc biệt đầu tiên
Cô Vân chưa từng quên lỗi lầm của cô với cậu học trò đặc biệt đầu tiên

Khi tôi mới nhận lớp, trong buổi học bắt gặp một em học sinh đi muộn, vào lớp với dáng vẻ giật giẹo không nghiêm chỉnh. Bấy giờ tôi nghĩ rằng em học sinh này có ý “bắt nạt” cô giáo mới, nên tôi nói: “Yêu cầu em nghiêm túc, đi thẳng người lên. Cô mời em vào lớp”. Cả lớp cười ồ, cậu học sinh mắt chớp dồn như muốn khóc. Ngay lúc đó thì bạn lớp trưởng vội vàng đứng lên nói rằng: “Thưa cô, bạn Bản bị như thế chứ không phải là cố tình đâu cô ạ”.

Khi ấy Bản đỏ mặt lên và bước về chỗ ngồi. Bản thân tôi thì rất bối rối vì khi ấy còn quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý. Một cảm giác mà đến giờ tôi cũng không thể nói rõ đó là gì, cổ họng nghèn nghẹn, có cái gì đó như một sự xấu hổ của bản thân, có cái gì đó như là một sự ân hận…

Một phút lặng đi, có lẽ nhìn vẻ mặt của tôi lúc đó, các em cũng im bặt, tôi vội xin lỗi và nhanh chóng bước vào giờ dạy. Càng ngẫm nghĩ, tôi càng ân hận. Về đến phòng mình tôi mất nhiều đêm trăn trở và tôi bắt đầu hỏi han về em. Tôi dành nhiều thời gian để quan tâm, giúp đỡ Bản nhiều hơn. Hiện tại, em đã trưởng thành, sinh sống ở xa”.

Cô Vân còn nhớ Bản là là một học sinh người dân tộc Tày, gia đình khó khăn, em bị khuyết tật vận động (bẩm sinh), chân bên trái bị teo, mỗi bước đi đầu gối bên trái sát xuống tận mặt đất khiến em bước cao bước thấp. Cô giáo vùng cao đã động viên và giúp đỡ em hòa đồng với bạn bè, khắc phục những khó khăn trong quá trình học tập. Lúc tốt nghiệp THCS, Bản đã khóc và nói lời cảm ơn cô Vân dù cô không phải là giáo viên chủ nhiệm. Cậu học trò ấy là người đầu tiên cho cô Vân những khái niệm đơn giản về người có nhu cầu đặc biệt.

Đến nay, sau 15 năm sống với nghề, cô giáo Ái Vân đúc kết: “Tôi chỉ muốn nói với các em rằng dẫu trên đường đời còn lắm nỗi khó khăn, gập ghềnh, nhưng được sinh ra trên đời đã là điều hạnh phúc. Vậy nên, hãy cố gắng sống sao cho thật ý nghĩa. Tôi cũng muốn nói với các thầy cô rằng mọi cố gắng của chúng ta hôm nay sẽ được đến đáp bằng chính sự tiến bộ của các con, hãy luôn nhớ “cho đi là hạnh phúc””.

Cô giáo quan niệm “cho đi là hạnh phúc”.
Cô giáo quan niệm “cho đi là hạnh phúc”.

Cô giáo Nguyễn Thị Ái Vân là một trong số 63 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018. Đây là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tổ chức nhằm tôn vinh các thầy giáo, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội. Họ là những người đóng góp cho xã hội một cách thầm lặng, có nghị lực phi thường và tấm lòng yêu thương cao cả.

Nguồn dantri.com.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *