Đây là lí do khiến nhiều phụ huynh, học sinh Hà Nội bức xúc
Một số trường học trên địa bàn Hà Nội quy định học sinh mặc đồng phục cả tuần, tự ý đặt ra các khoản thu trái quy định, thu xã hội hoá không đúng quy trình gây bức xúc.
Theo kết quả khảo sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội về việc kiểm tra, khảo sát công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 tại các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn, hiện vẫn còn nhiều trường có sĩ số từ 50-55 học sinh.
Ngoài ra, một số trường học trên địa bàn Hà Nội quy định học sinh mặc đồng phục cả tuần, tự ý đặt ra các khoản thu trái quy định, thu xã hội hoá không đúng quy trình như: thu tiền túi kiểm tra, tiền vệ sinh, tiền mua bàn ghế, tiền trái tuyến, mua điều hoà… gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Cụ thể, có 19/722 trường mầm non công lập có sĩ số trên 50 cháu/lớp. Trong đó, cá biệt có 4 trường mầm non có sĩ số lên tới 60 cháu/ lớp tập trung ở quận Cầu Giấy. Bậc tiểu học có 87/ 697 trường có sĩ số trên 50 em/ lớp (chiếm 14%). Cá biệt có 37 trường có sĩ số từ 55 học sinh/ lớp…. Điều này được lý giải là do tốc độ tăng dân số cơ học cao cùng với việc phát triển đô thị, xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng.
Đoàn khảo sát đã làm việc với UBND, Phòng GD&ĐT và một số trường tại các quận gồm: Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên và giám sát qua báo cáo của quận Tây Hồ. Kết quả, thông qua đường dây nóng của các quận, huyện đã tiếp nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh về công tác thu chi không đúng quy định trong năm học mới.
Năm học 2018-2019, Hà Nội có 2.689 trường và gần 2 triệu học sinh từ mầm non tới phổ thông. Con số này, so với năm trước tăng 48 trường và 109.930 học sinh. Theo đánh giá, các quận, huyện, thị xã đã đầu tư xây mới, sửa chữa 74 trường mầm non, tiểu học, THCS, trong đó xây mới 29 trường tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa giảm được sĩ số học sinh/ lớp.
Điều đáng nói, quá trình kiểm tra, khảo sát đoàn công tác phát hiện một số trường tự ý đặt ra những khoản thu không đúng quy định. Thực hiện thu các khoản xã hội hoá không đúng quy trình như: thu tiền túi kiểm tra, phô tô tài liệu, tiền vệ sinh, thu tiền mua bàn ghế, tiền trái tuyến, tiền điều hoà, thiết bị giảng dạy….gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Cụ thể như, Trường THPT Hoài Đức B, Huyện Hoài Đức nhà trường cho thu tiền túi kiểm tra, phô tô tài liệu, tiền vệ sinh; Trường mầm non An Khánh A, trường thu tiền trái tuyến của trẻ lên tới 500 nghìn/ cháu. Trong đó đã thu 33/73 trẻ; Trường tiểu học An Khánh A thu 1 triệu đồng/ học sinh lớp 1 mới chuyển đến định cư trên địa bàn.
Quận Long Biên, Trường tiểu học Đô Thị Việt Hưng, một số lớp thu tiền cơ sở vật chất, sách giáo khoa, kỹ năng sống; Hay ở huyện Đông Anh, Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng có lớp dự kiến thu 1,5 triệu đồng/ học sinh để mua bàn ghế; Hay như Trường THCS Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) thu quỹ học sinh cào bằng lên tới 1,5 triệu đồng/ em/kỳ trong khi không lập dự toán thu chi.
Vấn đề buộc phụ huynh phải mua nhiều bộ đồng phục cùng lúc cũng được đoàn kiểm tra nhắc đến. Cụ thể, các trường học ký kết với các nhà may đồng phục cho học sinh. Mỗi bộ đồng phục có giá từ 150.000 đồng – 270.000 đồng và mỗi học sinh phải có tới 3 bộ đồng phục. Không ít trường còn quy định học sinh mặc đồng phục cả tuần nên thực tế phụ huynh phải mua lên tới 5-6 bộ đồng phục, gây tốn kém không nhỏ cho phụ huynh.
Từ kết quả đó, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội cũng đã đề nghị UBND TP có ý kiến với Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ xây dựng cho phép nâng mật độ xây dựng, nâng tầng để xây dựng các trường học tại các quận nội thành, nơi có ít quỹ đất để đảm bảo sĩ số học sinh/ lớp theo đúng quy định. Ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, các khu di dân tái định cư nhằm giảm sĩ số học sinh, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh các cấp.
Nguồn tienphong.vn