Diễn đàn trẻ em TP Hà Nội: Các bạn nhỏ chất vấn 4 nhóm vấn đề nóng
Ngày 16 – 17/ 8, tại Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tổ chức Diễn đàn trẻ em với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành cùng đại diện Sở, ban, ngành TP Hà Nội và 120 trẻ em tham dự Diễn đàn.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, hiện nay Hà Nội có 1,8 triệu trẻ em. Trong những năm qua, công tác trẻ em được triển khai hiệu quả, đồng bộ. Nhờ đó, trẻ em được sống trong điều kiện tốt hơn, quyền trẻ em được thực hiện đảm bảo và đầy đủ hơn. Trẻ em có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện hơn, phát huy tốt hơn quyền tham gia của mình trong gia đình, nhà trường, xã hội. Diễn đàn trẻ em là một trong những hoạt động thúc đầy quyền tham gia của trẻ em. Với thành phố Hà Nội, diễn đàn trẻ em là hoạt động thường niên, được thành phố tổ chức liên tục trong 7 năm nay.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Khuất Văn Thành nhấn mạnh: “Diễn đàn là nơi trẻ em được bày tỏ ý kiến, được trình bày mong muốn, nguyện vọng, kiến nghị của mình với lãnh đạo các cấp, ngành về những vấn đề các em quan tâm và có liên quan đến các em. Tổ chức Diễn đàn trẻ em thể hiện sự quan tâm, vào cuộc và cam kết trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội đối với công tác trẻ em, góp phần thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho các em được phát triển một cách toàn diện”.
Tại Diễn đàn, 120 trẻ em nêu ý kiến và đặt câu hỏi về 4 nhóm vấn đề: Giảm áp lực trong học tập, thi cử; Bảo vệ trẻ em trong môi trường số; Phòng chống xâm hại trẻ em; Thiếu địa điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.
Trẻ em trao thông điệp của Diễn đàn trẻ em 2018 cho lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội.
Bạn Nguyễn Quỳnh Hương (Hoài Đức) cho rằng, quản lý trẻ em là cần thiết nhưng có nhiều bố mẹ can thiệp quá sâu, ảnh hưởng đến quyền riêng tư của trẻ em. Về vấn đề này, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội cho rằng, việc tôn trọng quyền riêng tư là quyền của tất cả chúng ta trong đó có trẻ em.Cha mẹ tham gia ý kiến đóng góp để con mình trở thành người có suy nghĩ chín chắn, tránh những lệch lạc không đúng là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc can thiệp quá sâu của bố mẹ làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của trẻ em là điều không nên. Vì thế, bố mẹ cần tế nhị và tôn trọng quyền riêng tư của con để con tiếp thu và tin tưởng những chia sẻ của bố mẹ.
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Anh Khôi về việc các bạn lang thang, vô gia cư nếu không có điện thoại thì khi có vấn đề về bạo lực, xâm hại sẽ báo với ai, đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng: Với các trẻ em lang thang, vô gia cư nếu bị bạo lực, xâm hại chỉ cần thông báo cho một người có điện thoại nhờ gọi lên Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoàn toàn miễn phí sẽ có người tiếp nhận và kết nối xử lý thông tin. Theo quy định của UBND TP Hà Nội, chỉ cần biết bạn nhỏ tên là gì, ở đâu, đang bị bạo hành hay cần hỗ trợ gì sẽ có người hỗ trợ. Sau 3 ngày, cơ quan chức năng phải báo cáo em bé đó đã được kết nối hỗ trợ như thế nào.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Anh (Đan Phượng) nêu vấn đề về áp lực học tập, thi cử. Theo Ngọc Anh, năm học 2018 – 2019 dự kiến sẽ thi văn, toán và môn tổ hợp khiến học sinh áp lực, nhiều bạn đi học thêm rất nhiều. Ngọc Anh cho rằng, nếu thi môn tổ hợp cần được báo ngay từ đầu năm học là sẽ thi những môn nào? Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đến tháng 3/2019 mới công bố môn thi để khuyến khích học sinh học đồng đều các môn học. Dự kiến, sẽ thi văn, toán, ngoại ngữ và một môn nữa sẽ lực chọn bằng cách gắp thăm. Môn ngoại ngữ và môn gắp thăm sẽ thi trắc nghiệm, nội dung thi ở mức trung bình và khá.
Vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường số cũng là nội dung thu hút nhiều em tham gia ý kiến và đặt câu hỏi. Cung cấp thông tin cho các em về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Nga cho biết, Luật Trẻ em quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nghị định 56 của Chính phủ dành 1 Chương quy định các cơ quan, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có trách nhiệm kịp thời gỡ bỏ những nội dung ảnh hưởng đến trẻ em và kịp thời có thông tin cải chính. Trẻ em có 25 nhóm quyền trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Việc tham gia kinh doanh trên môi trường mạng trẻ em có thể mua các thiết bị cần thiết. Nhưng nếu tham gia kinh doanh, tham gia môi trường mạng trên 3h/ngày sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Hiện Luật không cấm trẻ em tham gia kinh doanh trên môi trường mạng nhưng nếu quá đam mê sẽ ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe.
Tiết mục văn nghệ của các bạn tại diễn đàn.
Liên quan đến nội dung thiếu điểm vui chơi giải trí cho trẻ em mà nhiều em nhỏ nêu vấn đề, đại diện Sở VH-TT Hà Nội cho biết: Thành phố hiện có 1.500 nhà văn hóa nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi của các em. Thậm chí một nơi các thiết chế này bị sử dụng sai mục đích. Các tổ dân phố, thôn có nhà văn hóa, đây có thể trở thành điểm vui chơi cho trẻ. Các gia đình nên dành thời gian quan tâm đến con, chơi cùng con thay vì bỏ mặc con cho các thiết bị điện tử.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao những nội dung mà các em đã đặt câu hỏi và nêu vấn đề. Các em đã có hình thức chuyển tải thông điệp đa dạng: Vẽ tranh, bài viết, thuyết trình với nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Thứ trưởng đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện quyền trẻ em và đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút các em tham gia.
Thứ trưởng dặn dò các bạn, bên cạnh quyền các bạn cũng cần thực hiện tốt các bộn phận của mình. Đó là thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, giúp đỡ người già yếu, thực hiện tốt các cuộc vận động “trường học thân thiện học sinh tích cực”, nói không với gian lận trong thi cử…
Trẻ em tự tin trình bày những vấn đề, đặt ra các câu hỏi gửi lãnh đạo TP Hà Nội.
Nguồn thieunhivietnam.vn