Gia đình: Bàn đạp phát triển hoặc rào cản lớn của phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 5/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Hôn nhân và gia đình ở Việt Nam: Những kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2019 và những vấn đề chính sách đặt ra”.

Hội thảo chia sẻ các thông tin từ Báo cáo tiến trình phụ nữ toàn thế giới trong 2 năm 2019-2020 của UN Women ở hơn 100 quốc gia trên thế giới tập trung vào gia đình và 10 nghiên cứu trong năm 2019 về các khía cạnh khác nhau trong đời sống hôn nhân gia đình Việt Nam của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Nhận diện đặc điểm và xu hướng biến đổi của hôn nhân gia đình Việt Nam - Ảnh 1.
Bà Trần Thị Minh Thi- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu đề dẫn Hội thảo

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới Trần Thị Minh Thi trong phát biểu đề dẫn Hội thảo nhấn mạnh, sự ổn định và phát triển của gia đình là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong những thập niên qua, gia đình đang có những biến đổi về quy mô, cấu trúc và chức năng cũng như các mối quan hệ trong gia đình và giữa gia đình với cộng đồng xã hội nên nghiên cứu về hôn nhân và gia đình có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chính sách về gia đình của Đảng và nhà nước.

Báo cáo của UN Women đã nêu lên một thực tế đau lòng về an ninh của phụ nữ trong gia đình không đảm bảo. Trong không ít gia đình, quyền con người của phụ nữ dễ bị chà đạp, tiếng nói của phụ nữ chưa được lắng nghe và cũng chứa đựng nhiều vấn đề bất bình đẳng giới. Từ những con số thực tiễn đó, UN Women đã đưa ra thông điệp “Gia đình vừa có thể là bàn đạp phát triển hoặc là rào cản lớn của phụ nữ và trẻ em gái”.

Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tập trung vào các đặc điểm khuôn mẫu hôn nhân, hệ thống giá trị gia đình, nạn bạo lực gia đình, những phúc lợi xã hội dành cho người cao tuổi cũng như vai trò của người cao tuổi trong xã hội đang già hoá, vấn đề bình đẳng giới trong đời sống gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề ly hôn ở các cộng đồng khu vực Tây Nam bộ, quan hệ anh chị em ruột trong gia đình, vấn đề gia đình của công nhân khu công nghiệp, tác động của chính sách liên quan đến đời sống gia đình, sức khoẻ tâm thần…

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thực tiễn, Hội thảo hướng tới mục tiêu nhận diện đặc điểm hôn nhân gia đình Việt Nam hiện nay và xu hướng biến đổi trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Hội thảo thảo luận và đề xuất khuyến nghị chính sách về hôn nhân và gia đình giai đoạn 2021-2030.

Các đại biểu cho rằng, cần phải có những giải pháp chính sách linh hoạt về gia đình, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi các thông điệp hiện có về vai trò giới đối với công việc nhà, tăng cường giáo dục trước hôn nhân. Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động nâng cao trình độ học vấn và khả năng tiếp cận cho phụ nữ, phát triển hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống gia đình, có biện pháp đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực gia đình, quan tâm hỗ trợ sắp xếp và tổ chức cuộc sống gia đình của người lao động di cư…

Nguồn: phunuvietnam.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *