Giúp con “né” game như thế nào?

Theo các chuyên gia, để giúp trẻ tránh xa game online, ngoài việc giúp con nhận thức rõ đó là trò giải trí có thể hủy hoại chính tương lai cuộc đời của con thì cha mẹ cần hướng con đến những sở thích và niềm đam mê lành mạnh khác như học tập, chơi thể thao, hoạt động nghệ thuật. Khi trẻ có mục tiêu học tập và sống có ước mơ hoài bão thì chúng sẽ tránh xa được game online.


Khi trẻ có nhận thức đúng đắn về những nguy hại của game online, thì chúng sẽ tránh xa được loại hình giải trí này. Ảnh: T.L

Khi trẻ có nhận thức đúng đắn về những nguy hại của game online, thì chúng sẽ tránh xa được loại hình giải trí này. Ảnh: T.L

Những cái chết đau lòng vì game

Mặc dù game online bản chất là một kiểu trò chơi trực tuyến nhưng nó lại có khả năng gây nghiện cao, có thể ví game online là ma túy số. Theo các chuyên gia, nghiện game online được xếp loại là một trong các rối loạn kiểm soát xung động. Khác với nghiện chất (nghiện rượu, ma túy), đây là một chứng nghiện hành vi tương tự với nghiện cờ bạc, nghiện sex… Nghiện game online có thể gây ra vấn đề phát triển xã hội, sức khỏe tâm thần, các mối quan hệ và khả năng tự chăm sóc. Với người nghiện game online, cuộc sống ảo ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với đời thực. Bằng chứng về chơi game online quá mức dẫn tới những hậu quả tiêu cực đang ngày càng gia tăng. Nghiêm trọng nhất là người nghiện những thể loại game online bạo lực. Dường như game thủ mắc chứng nghiện game không thể phân biệt giữa game và thế giới thực, vì vậy chơi game bạo lực dễ dẫn đến hành vi bạo lực. Đã có nhiều trường hợp tử vong liên quan đến nghiện game online trên toàn thế giới. Một người đàn ông Hàn Quốc chết gục sau khi chơi game online kéo dài suốt 50 giờ không nghỉ và bị đột tử do ngừng tim đột ngột. Cũng tại Hàn Quốc, một cặp vợ chồng đã quá hăng say trong nỗi ám ảnh chơi game online đến nỗi họ đã bỏ quên con gái 3 tuổi của mình trong một buổi chơi game kéo dài 12 giờ và khi quay lại tìm con thì thấy con gái của họ đã chết. Một thiếu niên người Mỹ, Daniel Petric, giết cha mẹ mình khi họ đã không cho phép anh ta chơi trò chơi trực tuyến yêu thích. Hay một thiếu niên Trung Quốc, Xioyi, đã tự sát sau khi bị ảnh hưởng bởi các trò chơi yêu thích và đã viết trong bức thư tuyệt mệnh với nội dung liên quan đến những trò chơi game online của mình.

Ở Việt Nam những câu chuyện tương tự như ở trên cũng ngày một xuất hiện nhiều hơn. Ngoài những trẻ là “con nghiện” dường như gia đình đã bất lực như chúng tôi đã phản ánh trong những bài viết trước thì trên thực tế cũng đã từng xảy ra nhiều vụ việc giết người, cướp của liên quan đến game online. Hẳn mọi người vẫn còn nhớ vụ án người con giết cả cha và mẹ già ngay trong đêm ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cách đây khoảng 5 năm. Như thông tin mà báo chí đã đăng tải thì tên sát thủ này là con nghiện game online.

Được biết hiện nay ở một số nước được coi là cường quốc game online như Trung Quốc, Hàn Quốc, chính phủ các nước này cũng lập ra các bệnh viện cai nghiện game như “Trường giải cứu Internet Jump Up” (Hàn Quốc) hay Bệnh viện cai nghiện Internet ở Bắc Kinh để giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên, ở Việt Nam cho đến nay vẫn chỉ có một trung tâm ở TPHCM được thành lập nhưng còn hết sơ sài. Những gia đình có người có người thân nghiện game online thực sự đang rơi vào tuyệt vọng vì không có cách gì để cứu con em họ ra khỏi “ma túy số” đó. Trong khi đó, game online lại không hề bị cấm như ma túy nên nó càng trở thành mối đe dọa thường trực đối với các bậc cha mẹ hiện nay.

Phương án để cách ly trẻ với game online

Mặc dù những ông bố, bà mẹ có con nghiện game online mà chúng tôi đã gặp dường như đều ở trong tình trạng tuyệt vọng vì hoàn toàn bế tắc trong việc kéo con ra khỏi game online. Tuy nhiên, đâu đó trong câu chuyện của họ cũng le lói niềm hy vọng. Như câu chuyện của chị Thương mà chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước. Con chị đã từng 3 lần bỏ game gần cả năm trời. Những lần bỏ game đó là nhờ cháu có mục tiêu để phấn đấu như mục tiêu ôn thi đại học để đỗ vào trường top đầu chẳng hạn. Chỉ hiềm một nỗi, sau khi đạt được mục tiêu rồi nhưng vì không lựa chọn đúng ngành nghề mà cháu ưa thích nên cháu lại rơi vào khủng hoảng, lại mất mục tiêu sống. Do vậy cháu đã tái nghiện game trở lại. Đây là một chi tiết vô cùng quan trọng cho thấy rằng, để kéo trẻ ra khỏi game online không còn cách nào khác là tìm kiếm một niềm đam mê khác đủ lớn hơn đam mê game online.

Chị Thương cho biết con chị đã 3 lần bỏ được game nhưng sau đó bị tái trở lại. Ngoài lần bỏ game nhờ có mục tiêu thi vào đại học, lần còn lại là do có tình yêu mới và lần gần đây nhất là đến chăm mẹ ở bệnh viện. “Có giai đoạn tôi đổ bệnh nặng phải nằm viện gần nửa năm trời. Con tôi đã trực ở bệnh viện để chăm mẹ. Cháu không nề hà bất cứ việc gì từ đổ bô cho đến thay quần áo cho tôi. Suốt nửa năm đó, con tôi dường như tách khỏi thế giới game online. Chính vì điều đó mà tôi ngỡ rằng, trong cái rủi lại có cái may, rằng tôi bị bệnh con tôi lại thay tâm đổi ý. Thế nhưng sau khi tôi khỏi bệnh trở về nhà, con tôi lại tái nghiện game trở lại”, chị Thương nói.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088 (Hà Nội), trong bối cảnh xã hội hiện nay, cách đề phòng tốt nhất là các bậc cha mẹ nên “cách ly” con mình với game online. Biện pháp cách ly tốt nhất là hướng con vào những niềm đam mê, hứng thú trong học tập và thể thao hay hoạt động nghệ thuật, giúp con sống có mục tiêu, lý tưởng. Khi đứa trẻ có mục tiêu trong học tập, có ước mơ hoài bão trong cuộc sống và có những sở thích và niềm đam mê lành mạnh thì như một quy luật tự nhiên, chúng sẽ không còn bị sa vào tệ nạn game online nữa. Bên cạnh việc cài đặt ước mơ cho con, cha mẹ cũng cần cho con biết những tác hại của game online, sự hủy hoại nhân cách và trí não con người của game online. Khi trẻ có nhận thức đúng đắn về những nguy hại của game online, lại có mục đích lý tưởng và niềm đam mê lành mạnh trong cuộc sống thì tự khắc chúng sẽ tránh xa được loại hình giải trí nguy hiểm này.

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *