Giúp trẻ không còn cảnh…cứ đến trường là khóc
Nhiều học sinh lứa tuổi Mầm non, lớp 1 đã bắt đầu nhập học và làm quen với trường, lớp, chuẩn bị cho năm học chính thức sắp diễn ra trong khoảng hơn 2 tuần nữa. Tuy nhiên, không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con mình cứ đến trường là… khóc.
Cứ đến trường là… khóc
Suốt cả tuần nay, vợ chồng anh Lê Văn Quang (ở đường Giáp Nhất, Hà Nội) lo lắng vì bé “Su” (tên thật là Lê Quỳnh Trang, SN 2015) không chịu đến trường. Cứ hễ đến cổng trường là khóc mếu đòi về khiến ai cũng phải lắc đầu. Anh Quang chia sẻ: “Đây là lần đầu cháu đi học nên chưa quen trường, lớp. Mỗi sáng đưa con đến trường tôi xót hết cả ruột, con thì khóc mếu không chịu vào lớp. Bà nội đi theo, núp sau cánh cửa nhìn vào trong lớp thấy cháu khóc, bà ở ngoài cũng lấy áo lau nước mắt. Cho con đi học được 2 buổi, vợ chồng lại cho nghỉ vì sợ con khóc nhiều quá làm ảnh hưởng tới cô và các bạn.
Cũng theo anh Quang, lý do mà bé Su không muốn đi học là suốt 3 năm qua con ở nhà có bà nội chăm chút từng li, từng tí. Vợ chồng anh Quang cũng đã từng tính cho con đến lớp, nhưng bà nội chiều cháu, nên cứ giữ ở nhà chăm. “Tôi nghe các phụ huynh có kinh nghiệm truyền đạt lại là do tôi để con đi học quá muộn. 3 tuổi mới cho con đi nên con chưa quen với việc học và khó hòa nhập hơn. Tôi đang tính, sẽ cho cháu đi học đều hơn, để con quen dần với việc không có bố mẹ và bà ở bên. Coi việc đi học như bắt buộc và con phải chấp nhận điều đó. Các cô giáo cũng trao đổi, khoảng 2 tuần cho tới 1 tháng là con sẽ quen và thích được đi học”.
Thời gian đầu, trẻ Mầm non, lớp 1 cần thời gian làm quen với môi trường học mới. Ảnh minh họa: Q.Anh
Không chỉ riêng lứa tuổi Mầm non, khoảng thời gian này nhiều phụ huynh có con học lớp 1 cũng loay hoay, bối rối. Có con năm nay vào lớp 1, chị Thanh Hương (nhà ở đường Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Con mới nhập học từ tuần trước, đã có sách vở, ba lô, quần áo đồng phục và tập trung làm quen với học tập. Dù đã đi được 2 buổi, nhưng con không hào hứng lắm và chỉ muốn quay lại trường Mầm non. Hôm đầu đưa con đi, con cứ thắc mắc mãi là cầu trượt, xích đu đâu? Sao lớp học toàn bàn ghế, không có chút đồ chơi nào thế mẹ? Bị ngồi gò bó một chỗ cả buổi, con cứ mè nheo không muốn vào lớp 1”.
Tương tự, với anh Việt Hưng (ở Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) lại băn khoăn với việc con có đủ hành trang để vào lớp 1 không? Anh Hưng cho biết: “Con mới chỉ làm quen với chữ cái, que tính từ cách đây nửa tháng. Hầu như con chưa hào hứng lắm với việc viết chữ, tập đọc nên ngồi vào bàn học là lý do để ra ngoài. Đi luyện chữ cũng viết sai hết, ngồi không tập trung quay ngang, quay dọc… Không biết có theo kịp chương trình hay không, khi mà tôi thấy những bé khác có bé biết đọc, biết viết thuần thục rồi”.
Phụ huynh yên tâm khi giao con cho giáo viên
Theo nhiều phụ huynh có kinh nghiệm, chuyện cha mẹ lo lắng cho con khi mới đi học Mầm non, vào lớp 1 cũng là điều dễ hiểu vì phần lớn các bé chưa quen với môi trường mới. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá lo lắng về việc này vì dần dần trẻ sẽ thích nghi với môi trường mới như quen cô, thêm các bạn, tham gia trò chơi… Nếu không kiên trì trong thời gian đầu sẽ làm tình hình khó cải thiện, để lâu dài ảnh hưởng đến cả tâm lý của trẻ lẫn các bậc phụ huynh.
Chia sẻ mối lo với các phụ huynh, chị Thúy Chinh – Cơ sở Mầm non tư thục Khu đô thị Rice City (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Thời gian đầu, khi đi học dưới sự quản lý của giáo viên mà không có mặt phụ huynh là các bé có cảm giác lo lắng, quấy khóc đòi bố mẹ. Hôm sau, bé sẽ không muốn đến trường. Vì thế, trước khi cho con đi học, phụ huynh cần trò chuyện, giới thiệu cho trẻ biết qua về nhà trường. Không nên dọa dẫm, ép buộc mà gây áp lực cho con. Phụ huynh nên tin tưởng giáo viên khi giao con cho các cô, các cô có nhiều kinh nghiệm trong việc này, hoàn toàn không có chuyện cô để mặc cho khóc, hay đánh bé như nhiều người hoài nghi. Bé mới đi học được các cô hết sức quan tâm, yêu mến”.
Đối với học sinh vào lớp 1, làm sao để con làm quen với môi trường mới, thích đi học cũng là mối quan tâm của phần lớn các bậc phụ huynh. Theo PGS.TS Nguyễn Công Khanh (ĐH Sư phạm Hà Nội), thời gian khi học sinh mới bước vào lớp 1, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới con, để con cảm thấy việc đi học là không thể thay đổi được. Ngoài ra, hãy dạy trẻ biết cách tự chăm sóc bản thân của mình như: Tự xúc ăn, rửa tay bằng xà phòng, tự đi vệ sinh…
“Dù thời gian đầu con chưa quen nên có phần tâm lý, phụ huynh nên động viên con, theo sát con để con đỡ tủi thân. Thay vì tạo áp lực không cần thiết, gò ép con đi học thêm trước, phụ huynh hãy dạy con có sự chuẩn bị khi bước vào lớp 1 như: Phải nghe lời cô giáo, tuân thủ các quy định của lớp học, nhà trường, nghiêm túc trong giờ học… Hãy dạy con biết đoàn kết, thương yêu và chia sẻ với các bạn khác trong lớp học”, PGS.TS Nguyễn Công Khanh đưa ra lời khuyên.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc học Mầm non, Tiểu học năm học 2018 – 2019, Bộ GD&ĐT cho biết, đối với giáo dục Mầm non tập trung phát triển trường, lớp Mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất; giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1. Bộ GD&ĐT cũng cho biết, bước vào năm học mới Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm dạy chữ trước khi vào lớp 1.
Nguồn giadinh.net.vn