Góp ý cho Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Chiều ngày 05/4/2022, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban xã hội tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Tham dự phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính… cùng các ban, ngành, tổ chức và chuyên gia liên quan.

Kể từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được có hiệu lực từ năm 2007 đến nay đã có 15 năm Luật đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, trước những thay đổi trong đời sống và mối quan hệ thành viên trong gia đình, Luật cần phải bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với tình hình hiện nay.

Trẻ em là đối tượng còn chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế. Trong số trẻ em bị xâm hại tình dục, phần lớn là trẻ em gái (bị xâm hại bởi người thân trong gia đình cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ). Bên cạnh đó nhận thức chung của xã hội về giáo dục con cái vẫn bị ảnh hưởng bởi quan niệm “yêu cho roi cho vọt”, nhiều cha mẹ coi việc trừng phạt con như một biện pháp dạy con và cộng đồng còn giữ tư tưởng “đèn nhà ai, nhà ấy rạng” nên tình trạng bạo lực gia đình với trẻ em còn ít được phát hiện và xử lý. Vì vậy, dự thảo cần quan tâm tới đối tượng tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em bao gồm cả trẻ em đang sống tại các mái ấm, làng trẻ SOS có cách thức tổ chức như một gia đình.

Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Với vai trò, trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về “Tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em” được quy định tại Khoản 4, Điều 92 Luật Trẻ em, phát biểu tại phiên họp Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đã có những góp ý cụ thể trong dự thảo như bổ sung quy định về giữ kín thông tin của trẻ là nạn nhân bị bạo lực gia đình; bổ sung các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu,… được quy định trong Bộ luật Hình sự) do thành viên trong gia đình thực hiện; đảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em và quyền con người, quyền trẻ em trong phòng, chống bạo lực gia đình; đề nghị nghiêm cấm hành vi cha mẹ sử dụng các hình thức trừng phạt về thể chất và tinh thần đối với trẻ; tăng cường thêm thông tin truyền thông giáo dục về quyền trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ khi bị bạo lực gia đình cho trẻ em; các địa chỉ/đầu số báo tin về hành vi bạo lực gia đình và các biện pháp giáo dục con phi bạo lực trong gia đình…

            Những kiến nghị, góp ý cụ thể cho một số Điều, khoản trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) về các nội dung liên quan tới trẻ em cũng đã được Hội gửi tới Ban soạn thảo để góp phần tăng cường hiệu quả và sự phù hợp đối với thực tiễn khi Luật đi vào cuộc sống.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *