Hai bé trai nhập viện vì chó cắn nát tay, lóc hết da mạng sườn
Thêm hai bé trai 4 tuổi và 10 tuổi phải nhập viện cấp cứu vì bị chó nhà cắn lóc hết da mạng sườn, nát tay.
Bé trai 4 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn vì bị chó nhà cắn. BS Hồ Ngọc Minh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Y học Thể thao, BV Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, khi được bố mẹ đưa vào bệnh viện, toàn bộ vùng da mạng sườn và đùi phải của bé đã bị cắn lóc hết từng mảng.
Sau khi cấp cứu cho bệnh nhi, chính BS Minh cầm bệnh án sang Viện Dịch tễ Trung ương nhờ cán bộ tiêm chủng đến Bệnh viện đa khoa Xanh pôn tiêm phòng cho bệnh nhi này.
“Những vết chó cắn nhỏ ở tay chân tôi đã gặp nhiều, nặng hơn thì mỗi tháng có 1 ca nhưng trường hợp toàn bộ vùng da mạng sườn và đùi phải đã bị chó cắn lóc hết từng mảng như bệnh nhi 4 tuổi rất hiếm gặp”- BS Hồ Ngọc Minh cho biết.
Trước đó, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận 1 bé trai 10 tuổi (Hưng Yên) đến cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương hở sâu do chó cắn vào gáy và tay khi cho chó ăn. Cánh tay gần như bị nát với các vết cắn nham nhở, sâu đến tận xương.
Các chuyên gia cảnh báo, những loài chó Tây có đặc tính hung dữ, dễ gây nguy hiểm nếu không được huấn luyện bài bản, đúng cách, người nuôi phải am hiểu về đặc tính của chúng, nếu mua theo kiểu trào lưu dễ rước họa vào thân.
Để phòng tránh bị chó cắn, Bộ Y tế khuyến cáo không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Nếu không may bị chó cắn, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám và tiêm phòng dại kịp thời.
Nguồn tienphong.vn