Hai cô cậu học trò ráng viết tiếp ước mơ của ba
“Sau này con sẽ trở thành cô giáo để được đến lớp mỗi ngày”, “Sau này con sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ba” là chia sẻ của hai em nhỏ ở huyện Hoà Vang (Đà Nẵng).
Đó là những ước mơ giản dị của hai học trò nghèo ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Trồng giá kiếm tiền đi học
Ngôi nhà của 3 mẹ con em Châu My My (lớp 4/3, trường Tiểu học An Phước, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khuất sau vườn chuối um tùm. Gọi là nhà nhưng thực ra là một gian nhỏ được cắt ra từ khu nhà thờ của bà cố My cho 3 mẹ con em ở tạm.
Mở toang cánh cửa chỉ vừa lọt một người vào, chị Nguyễn Thị Hoa (41 tuổi, mẹ của My) ngậm ngùi: “Có chỗ che mưa che nắng, kê bàn học cho mấy đứa nhỏ là tốt lắm rồi”.
Vừa bận rộn thu hoạch giá, chị Hoa vừa nghẹn ngào khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình. Ba My qua đời cách đây 2 năm vì căn bệnh ung thư quái ác, để lại 3 mẹ con chị chật vật, lăn lộn giữa đời. Chị Hoa không có nghề nghiệp ổn định, đau ốm thường xuyên nên hoàn cảnh gia đình đã thiếu thốn lại càng chật vật hơn.
Ý thức được hoàn cảnh gia đình, My rất ngoan. Hằng ngày, em phụ mẹ trồng giá. Đôi bàn tay nhỏ khéo léo vớt đậu, gieo đậu vào bi, rồi lại thoăn thoắt nhổ giá, rửa giá. Đôi tay nhỏ của My cứ thế lẫn vào đất rồi lại ngoi lên mạnh mẽ như nghị lực của em.
Khom lưng bê rổ giá đổ vào thùng nước cho mẹ, My cười tươi: “Ngày nào em cũng làm giúp mẹ nên không thấy mệt gì hết”.
Chị Hoa cho biết, nhờ những bi giá mà mỗi ngày chị kiếm được khoảng 60.000 đồng. Những hôm nắng gắt khiến đậu bị khô, không lên giá được, chị chỉ kiếm được khoảng 30.000 – 40.000 đồng.
Kinh tế gia đình bấp bênh nên con đường đến trường My cũng không được như bạn bè. Mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới, em lại cùng mẹ sang nhà các anh chị trong xóm để xin sách và quần áo cũ để dùng cho năm học mới.
Suốt 4 năm học qua, My chưa bao giờ dám mơ đến quyển sách Tiếng Việt thơm mùi giấy mới hay chiếc áo trắng thơm mùi vải mới. Trên chiếc bàn học nhỏ của My, những quyển sách cũ được My giữ gìn một cách cẩn thận, sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng.
Hoàn cảnh khó khăn nhưng My luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, là cán bộ lớp gương mẫu. My còn được thầy cô chọn tham gia vào các cuộc thi Vở sạch chữ đẹp.
“Khi còn sống, ba dặn phải học thật giỏi, vì vậy con sẽ cố gắng học để trở thành cô giáo và được đến lớp mỗi ngày”, My trả lời khi được hỏi về ước mơ của mình. Cô học trò nhỏ chỉ biết cười, nụ cười hồn nhiên xen lẫn nỗi buồn của đứa trẻ mới 10 tuổi thiếu vắng bóng cha với ước nhỏ nhoi là được đến lớp.
Học giỏi để chữa bệnh cho cha
“Con sẽ học thật giỏi để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho ba để ba không phải ở cách ly với anh em con nữa”, Trần Cao Tây (lớp 2/5, trường Tiểu học Lâm Quang Thự, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhanh nhảu trả lời khi được hỏi về ước mơ tương lai.
Ngồi cạnh con, chị Đặng Thị Thúy Ân (32 tuổi, mẹ Tây) cho biết 8 tháng trước, chồng chị phát hiện bị bệnh lao phổi. Để đảm bảo sức khỏe cho các con, chị đành phải để chồng ở cách ly.
Gian nhà nhỏ được ngăn thành hai gian bởi tấm ván cũ. Phần nhà trên là chỗ học bài, giường ngủ của 4 mẹ con chị và bà nội Tây. Gian nhà cũ phía sau là khu cách ly của ba Tây.
Mỗi khi đến bữa cơm, Tây cùng mẹ mang cơm vào đặt trước phòng ba. Tây nức nở kể với chúng tôi rằng ba em phải mang khẩu trang cả ngày. Đã mấy tháng qua em chưa được nói chuyện, ăn cơm, chơi đùa cùng ba.
Mỗi ngày, khi đi học về, em chỉ biết quanh quẩn cùng đàn gà và gốc tre. Mỗi khi chiều xuống, Tây lại lủi thủi ra gốc tre ngồi chơi một mình. Bởi khi ngồi ở đó, hai ba con có thể nhìn thấy nhau.
Chia sẻ về việc học tập của Tây, chị Ân nói: “Có khó khăn đến mấy cũng phải lo cho mấy đứa đi học, chứ không có cái chữ thì khổ lắm”.
6 miệng ăn trong gia đình chỉ trông chờ vào mấy luống rau trước nhà và vài con gà mái. Thế nhưng, mỗi tháng chị Ân phải chi hàng triệu đồng để mua thuốc chữa bệnh cho chồng, mua thuốc điều trị ung thư máu cho con trai, mua thuốc thiếu máu cho bản thân, lo cho các con ăn học.
Hình ảnh ba, mẹ, em trai ngày ngày phải uống cả nắm thuốc chính là động lực cho Tây cố gắng học tập, dù con đường đến với ước mơ của em vẫn còn rất xa và vô cùng khó khăn.
100 suất học bổng Đèn đom đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân – phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn tuoitre.vn