Hành động quay lưng nói chuyện với phụ huynh của Hiệu trưởng Trần Xuân Ngọc không thể chấp nhận được
Theo ông Nguyễn Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hành động ngồi gõ máy tính, quay lưng tiếp chuyện công dân khi đến thắc mắc trường hợp con em bị tai nạn xét về văn hóa giao tiếp là không thể chấp nhận được.
Nhiều ngày nay, trên mạng xã hội Facebook lan truyền chóng mặt ý kiến của tài khoản Facebook Phạm Văn Đạt “tố” ông Trần Xuân Ngọc – Hiệu trưởng trường tiểu học Tam Quan I vô trách nhiệm, khi con gái ông là cháu Phạm Thị Kim H. bị cánh cổng nhà trường đổ vào làm gãy xương đòn bả vai trái, nhưng lãnh đạo nhà trường lại khẳng định không có nghĩa vụ thăm hỏi các cháu.
Nhiều người xem đoạn video mà ông Đạt chia sẻ trên mạng xã hội bức xúc khi ông Ngọc tiếp chuyện phụ huynh học sinh nhưng vẫn ngồi cặm cụi trước máy tính, quay lưng lại phía người phụ huynh học sinh.
Họ bức xúc là bởi vị Hiệu trưởng của một trường tiểu học nơi dạy dỗ rèn đạo đức cho con người nhưng văn hóa ứng xử chưa lịch sự.
Phụ huynh học sinh đến phản ánh trường hợp con bị tai nạn nhưng Hiệu trưởng vẫn cặm cụi ngồi gõ máy tính, quay lưng đi nói chuyện (ảnh cắt từ clip).
Bình luận trên diễn đàn mạng Facebook N.T viết: “Không hiểu lãnh đạo nhà trường nghĩ gì khi công dân đến phản ánh sự việc mà ngồi quay lưng lại để nói chuyện. Đến cốc nước cũng không có, văn hóa ứng xử quá kém…”.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tam Đảo cho rằng, hành động tiếp công dân của ông Ngọc dù vô tình hay cố ý thì cũng không thể chấp nhận được.
Theo ông Tiến, không phải đối với thầy giáo mà đối với 1 công dân bình thường, phép lịch sự tối thiểu khi có khách nhân dân đến làm việc, phản ánh công việc thì phải tận tình tiếp đón thể hiện trách nhiệm của mình.
“Nếu quả thật như dư luận phản ánh thì hành xử của Hiệu trưởng chưa đúng, chưa hết trách nhiệm của mình. Hàng ngày khi mà công dân đến giao tiếp thì mình phải tận tình, hành vi quay lưng không biết vô tình hay cố ý thì cũng không chấp nhận được. Nhà trường đều có quy tắc ứng xử trong trường học, anh ứng xử như vậy không đúng, nếu quả thật như vậy tôi sẽ kiểm điểm đến cùng”, ông Tiến quả quyết.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản Facebook Phạm Văn Đạt cho biết, vào khoảng 16h chiều ngày 12/10, khi đang đứng ở cổng trường thì cháu H. – con gái ông – bỗng dưng bị cánh cổng nhà trường đổ sập vào người. Ngay sau đó, H. được cô giáo chủ nhiệm đưa sang trạm y tế xã để khám chữa.
Tiếp đó, H. được chuyển lên bệnh viện đã khoa của huyện Tam Đảo để chữa trị. Sau khi chụp chiếu, phát hiện H. bị gãy xương bả vai trái, xây xước đầu gối, sưng đầu, lo lắng cho sức khỏe của con, gia đình ông Đạt đã chuyển H. lên điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước việc H. bị thương tích nặng, nhưng không thấy lãnh đạo nhà trường thăm hỏi, động viên, chiều ngày 13/10, ông Đạt đã gặp ông Trần Xuân Ngọc – hiệu trưởng nhà trường để phản ánh vấn đề này.
Tại clip đối thoại giữa Hiệu trưởng trường tiểu học Tam Quan I và ông Đạt, khi ông Đạt nói: “Bé bị ngã từ hôm qua đến nay mà nhà trường chưa có động thái chăm nom gì cả”, thì ông Ngọc trả lời rằng: “Các thầy giáo ốm phụ huynh có quan tâm đến không, có đến hỏi thăm, hỏi đóm gì chưa?
Chúng tôi có hơn 800 học sinh, các thầy cô giáo chỉ quan tâm được đến các cháu là dạy dỗ các cháu học tập, còn nếu các cháu có ốm đau thì thầy cô giải quyết cho là nghỉ ốm.
Còn nhà trường không có 1 cái quỹ nào, hay làm 1 cái gì đó để mà đến thăm hỏi cháu được, bởi thầy cô giáo là những người phục vụ học sinh mà đến cha mẹ học sinh còn chưa chăm nom được các cháu thì nhà trường không có trách nhiệm để thăm hỏi các cháu ốm đau nha.
Có chăng thì ở lớp nó có 1 cái quỹ lớp, thì lớp có 1 cân đường 1 hộp sữa để thăm cháu. Việc đấy chỉ là của lớp đó thôi còn nhà trường không có trách nhiệm để đến mà thăm hỏi hay là cái gì đó, chúng tôi không đi được hết cả xã chú phải thông cảm là thế…
Việc của cháu, cô giáo quan tâm đến thôi chứ còn nhà trường không có động thái quan tâm đến gì cả, tôi nói rõ như thế…”.
Trao đổi với PV, ông Ngọc trần tình: “Thực ra lúc đó mình suy nghĩ chưa chín chắn hoặc là nóng nảy, vì trước đó gia đình phát ngôn rằng cháu bị như thế nhà trường phải lo tất cả.
Tôi thấy cô giáo chủ nhiệm bảo lại là gia đình đóng viện phí hết khoảng 5 triệu, họ bắt nhà trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, nên tôi nói nhà trường không chịu trách nhiệm được hết số tiền đó, chứ tôi không có ý là nhà trường không có trách nhiệm gì hết…
Đáng nhẽ trao đổi với chúng tôi là thôi thì thầy ơi cháu không may bị tai nạn, mong nhà trường giúp đỡ thì rất là đơn giản, nhưng khi nghe cô giáo chủ nhiệm bảo gia đình muốn nhà trường phải chịu toàn bộ cái đó nên tôi mới nói”.
Nguồn giadinh.net.vn
Tư cách và trách nhiệm của một lãnh đạo nhà trường như vậy quá là sai rồi. Nếu chỉ là ốm đau, bệnh ( kể cả nằm viện) bình thường thì có thể nói nhà trường ” không có trách nhiệm” trong việc này…?. Tuy nhiên, trong sự việc cụ thể này, em học sinh bị tai nạn tại trường ( mà là do Một trong những hạng mục của nhà trường gây nên ), thì dù sao việc thăm hỏi, chia sẻ là lẽ đương nhiên ( ở đây tôi muốn nói đến tình người, nhất là Nơi mà dạy cho các em học sinh về Tình người…?)- Vậy có nên chăng, thầy hiệu trưởng có xứng đáng đứng ở cương vị đó nữa hay không ?