“Hình hài” những môn học phổ thông mới chính thức được công bố

Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chiều 19/1, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo công bố thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…. Về lộ trình, dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019 – 2020 đối với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020 – 2021 với lớp 6 của bậc THCS và từ năm học 2021 – 2022 với lớp 10 của bậc THPT”.


GS.TS Nguyễn Minh Thuyết công bố những điểm quan trọng của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết công bố những điểm quan trọng của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình các môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Từ lớp 1 trên cơ sở thể lực, học sinh được sắp xếp các học phần khác nhau. Những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: tiếng Việt/ngữ văn; toán, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Một số môn học tích hợp mới như lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật.

Đáng chú ý, lần đầu tiên môn Ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố khái quát những điểm chính. Cụ thể, tiếng Anh sẽ là môn Ngoại ngữ 1. Học sinh sẽ được làm quen với môn tiếng Anh từ lớp 1 và 2. Từ lớp 3 đến lớp 12, đây là môn học bắt buộc. Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh sẽ có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.

Để giáo viên có thể truyền tải được kiến thức tốt nhất trong chương trình phổ thông mới Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn về chương trình cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và người biên soạn sách giáo khoa, người thẩm định sách giáo khoa. Đồng thời, lần này nhiều tổ chức cá nhân sẽ tham gia biên soạn sách nên khác các lần trước. Các nhà khoa học có kiến thức sâu, có ý định cống hiến nhưng chưa quen, chưa hiểu sát với chương trình cũng sẽ được tập huấn.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin, Bộ sẽ chỉ đạo ban soạn thảo chương trình: Tiếp thu ý kiến nhân dân để hoàn thiện chương trình, điều chỉnh các chương trình ngay trong quá trình góp ý chứ không phải đợi hết 2 tháng. Hết 2 tháng sẽ tổng kết lại xem cần thay đổi gì thì báo cáo Bộ ý kiến của người dân, những nội dung cần tiếp thu hoặc không tiếp thu thì sẽ có giải trình với lãnh đạo Bộ. Sau đó sẽ đưa chương trình môn học ra thẩm định. Hội động thẩm định sẽ thẩm định lại lần nữa và sau đó sẽ có một chương trình tổng thể chính thức để ban hành.

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *