Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em của “Mô hình luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân”.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác bảo vệ trẻ em của mạng lưới mô hình luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân ở khu vực phía Nam để hoàn thiện và nâng cao chất lượng trong bảo vệ trẻ em của mạng lưới tại khu vực phía Bắc là nội dung chính được thảo luận trong hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 13/5/2022 tại Hà Nội.

Hơn 30 đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường và 50 đại biểu tham dự trực tuyến từ các điểm cầu thuộc các tỉnh, thành phố có cơ sở Hội như Tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa,… đã được chia sẻ nhiều thông tin về “Mô hình luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân bảo vệ quyền trẻ em” với sự tham gia của các diễn giả là những người trực tiếp tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động của mô hình từ khi thành lập năm 2011 đến nay.

Với mục tiêu ban đầu là tập hợp những luật sư, người am hiểu pháp luật cùng với Hội tự nguyện giúp trẻ và gia đình trẻ có đơn thư gửi tới Hội nhờ hỗ trợ tư vấn, can thiệp về các vụ việc liên quan tới vi phạm quyền trẻ em, năm 2011 “Quy chế hoạt động của mô hình và Quy trình tiếp nhận và xử lý vụ việc” cũng đã được thảo luận và ban hành với sự điều phối của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Luật sư Lê Thị Hoàng Yến trình bày tham luận về “Kinh nghiệm xây dựng hoạt động của mô hình luật sư,
luật gia và hội thẩm nhân dân”

Từ đó tới nay, Mô hình đã được triển khai ở cả khu vực phía Bắc (tập trung ở Hà Nội) và khu vực phía Nam (tập trung ở TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, Mô hình khu vực phía Nam phát triển mạnh và đạt nhiều hiệu quả tích cực điển hình hoạt động theo hình thức “Chi hội luật sư bảo vệ trẻ em thành phố Hồ Chí Minh” trực thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh hoạt động chủ yếu trên địa bàn thành phố và “Câu lạc bộ luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân” trực thuộc Cơ quan Thường trực phía Nam – Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hoạt động trên các tỉnh/TP thuộc phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Tại hội thảo, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ trẻ em thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ những thành công của Chi hội trong hoạt động truyền thông về pháp luật, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại trường học và tại khu dân cư thông qua hình thức “Phiên tòa giả định” do chính các luật sư là Hội viên Chi hội triển khai trên địa bàn thành phố. “Phiên tòa giả định” có những nội dung khác nhau như trong trường có bạo lực học đường, cộng đồng dân cư có nội dung về bạo lực gia đình… phù hợp với thực tế của từng địa bàn dân cư từ đó có thể đánh giá sự thay đổi ngay về nhận thức của người lớn và trẻ em đã được truyền thông.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ trẻ em thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo

Cách thức thực hiện dưới hình thức Phiên tòa giả định, theo trình tự thủ tục, kịch bản dựa vào những tình huống có thật gồm 15 luật sư đóng vai. Mỗi phiên diễn ra 50 phút, phần đặt câu hỏi có những món quà nhỏ tặng cho trẻ em đặt câu hỏi để giúp trẻ em hiểu hơn về nội dung được truyền thông qua “Phiên tòa giả định”. Ngoài ra Chi hội cũng phối hợp với trường tổ chức truyền thông cho phụ huynh và giáo viên những vấn đề liên quan tới phòng chống bạo lực học đường.

Bên cạnh sự phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường, Chi hội cũng phối hợp với Hội Luật gia, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức truyền thông trong trường, tại khu dân cư và luật sư đều là luật sư của Chi hội. Nhiều báo, đài đã đưa tin về hoạt động này đã góp phần tăng thêm sự thành công của truyền thông qua hình thức “Phiên tòa giả định”.

Không chỉ tham gia hoạt động truyền thông, các luật sư tại khu vực phía Nam còn rất mạnh về chuyên môn và tâm huyết trong bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng các vụ việc liên quan tới trẻ em.

Bài chia sẻ của luật sư Trần Thị Thu Hà về “Vai trò của luật sư trong bảo vệ trẻ em” và luật gia Phan Thanh Minh về “Vai trò của Hội thẩm nhân dân trong bảo vệ trẻ em tại tòa án các cấp” đã giúp cho các đại biểu hiểu hơn về những khó khăn, thách thức mà các luật sư, hội thẩm nhân dân gặp phải trong quá trình hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại tòa. Trẻ em không chỉ là trẻ là nạn nhân mà trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là nhân chứng khi ra tòa cũng cần phải có luật sư bảo vệ. Do đó, những luật sư tự nguyện bảo vệ trẻ em không chỉ cần có kiến thức trong bảo vệ trẻ em, kỹ năng trong làm việc với trẻ em mà còn rất cần có tấm lòng, tâm huyết và tự nguyện bỏ thời gian và công sức khi theo đuổi suốt quá trình xử lý vụ việc vi phạm quyền trẻ em mà không có kinh phí hỗ trợ. Bởi vậy, việc tập hợp được nhiều luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân của nhiều tỉnh/thành phố phía Nam tham gia “Câu lạc bộ luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân” do Cơ quan Thường trực phía Nam – Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam quản lý là rất cần thiết và thiết thực với công tác bảo vệ trẻ em tại các tỉnh phía Nam.

Luật sư Trần Thị Thu Hà – CLB Luật sư, Luật gia và Hội thẩm nhân dân thuộc Cơ quan Thường trực phía Nam – Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Những kinh nghiệm trong làm việc với trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại cũng đã được các luật sư, hội thẩm nhân dân chia sẻ tại hội thảo. Bảo vệ cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực rất cần tìm hiểu cụ thể nguyên nhân, có kỹ năng làm việc với trẻ em và nên tham gia từ giai đoạn khởi tố điều tra, trẻ nhận cáo trạng và đưa ra xét xử sẽ có thể có nhiều tình tiết phát sinh tại tòa, luật sư bảo vệ trẻ em cần nắm rõ được căn cứ, điều kiện để kiến nghị với tòa án có những kết án phù hợp.

Cùng với luật sư, hội thẩm nhân dân cũng cần tiếp cận các hồ sơ đặc biệt là cáo trạng và tham gia các hồ sơ khác theo trình tự ngược lại theo thời gian và độ chính xác, đọc kỹ bản kết luận điều tra để nắm được diễn biến trong quá trình điều tra, và kỹ năng để trong quá trình tham gia tố tụng có thể đưa ra những bằng chứng chính xác để bảo vệ cho trẻ em. Đối với những vụ có bị cáo, thủ phạm trẻ em cần chú ý đặc điểm nhân thân, các mối quan hệ xung quanh như bạn bè, trường học, các độ tuổi tâm sinh lý, các kết quả lấy lời khai của cán bộ điều tra của các bị cáo. Nhiều trường hợp cán bộ viết lời khai theo lý lẽ của người ghi chứ không phải bị cáo, người bị hại để xem xét, đối chất nhằm bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.

Luật gia Phan Thanh Minh chia sẻ kinh nghiệm về vai trò Hội thẩm nhân dân trong quá trình tố tụng

Tổng kết hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ mong muốn “Mô hình luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân” sẽ được củng cố và hoàn thiện tại miền Bắc thông qua hình thức “Chi hội luật sư bảo vệ trẻ em Việt Nam” đã có. Hội sẽ xây dựng kế hoạch để củng cố và tăng cường hoạt động của Chi hội đặc biệt là mong muốn tập hợp được những luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân khu vực phía Bắc có tâm huyết, có chuyên môn và cả những người trẻ tuổi am hiểu pháp luật tự nguyện cùng với Hội tham gia bảo vệ trẻ em để nhiều trẻ em được bảo vệ tốt hơn trong quá trình tố tụng.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *