Học hành mùa Corona

Vì sự nguy hiểm của virus Corona, nhiều trường học đã và có thể sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Bên cạnh mối lo làm thế nào để phòng tránh dịch bệnh cho con, thì nhiều cha mẹ cũng đang đau đầu nghĩ cách làm thế nào để trông con khi trẻ được nghỉ bất thường và dạy trẻ học hành như thế nào khi chúng ở nhà.

Cha mẹ hướng dẫn con học bài tại nhà. Ảnh minh họaBài toán trông con Quyết định của một số địa phương cho trẻ nghỉ học thêm 2 tuần sau Tết để tránh lây lan dịch viêm phổi do virus Corona được đông đảo các bậc phụ huynh đồng tình. Tuy nhiên, bên cạnh sự bớt lo lắng vì trẻ không phải tới chỗ đông người, giảm được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thì không ít bậc phụ huynh cũng đau đầu với vấn đề ai sẽ trông con, ai sẽ dạy con học ở nhà? Học sinh, sinh viên được nghỉ học nhưng người lớn không được nghỉ làm, chúng ta vẫn phải đến công sở. Một số phụ huynh lựa chọn gửi trẻ về quê, hoặc đón ông bà lên trông cháu, số khác không nhờ được ông bà nội, ngoại hoặc trẻ đã lớn thì trẻ sẽ ở nhà tự trông nhau. Một số nhà con còn quá nhỏ không nhờ được ai trông chừng, hai vợ chồng đành phải chia nhau ra thường xuyên đảo qua nhà xem tình hình con cái thế nào. Việc trông trẻ nghe có vẻ nan giải nhưng giống như những mùa hè trước, cuối cùng rồi cũng được thu xếp ổn thỏa cả. Nhà nhà lên Facebook kêu đau hết cả đầu vì con được nghỉ học, nhưng nếu so với việc nghỉ học để tránh lây nhiễm bệnh với đi học có thể mắc bệnh phải nhập viện, người ta tự biết giải pháp nào là an toàn và tốt nhất cho trẻ. Trẻ học gì khi ở nhà? Khác với nghỉ hè, trẻ nghỉ toàn thời gian, không phải lo chuyện học hành, nếu có bài tập hè thì số lượng bài tập cũng không đáng kể, trẻ có thể túc tắc làm bài, mục đích của bài tập hè chủ yếu để giúp trẻ không quên kiến thức đã học. Nhưng nghỉ học thời điểm này, tháng 2 đang là đầu học kỳ II, với những trẻ cuối cấp, học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 là giai đoạn vô cùng gấp rút và quan trọng vì chỉ vài tháng nữa thôi trẻ sẽ thi chuyển cấp, không thể để trẻ ở nhà chỉ để ăn, ngủ và nô đùa được. 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán đã làm gián đoạn việc học khiến cho một số trẻ chệch choạc, nay lại thêm 1-2 tuần nghỉ học vì dịch bệnh nữa sẽ càng khiến nhiều trẻ bị ảnh hưởng hơn. Không chỉ nghỉ học tại các trường học chính quy, các lớp Tiếng Anh, năng khiếu, các câu lạc bộ thể thao, lớp ôn thi đại học… cũng đều tạm dừng. Trẻ bắt buộc phải tự học hành với sự hướng dẫn qua mạng của thầy cô và sự giám sát của cha mẹ tại nhà.Bé Minh Thư – một học sinh lớp 1 được cô giáo giao cho viết gần chục trang Tiếng Việt trong sách giáo khoa và chục trang làm Toán trong sách Toán, kèm với đó là các bài luyện đọc. Bé Phương An thì được cô giáo chủ nhiệm giao cho viết 5 bài Văn, làm các bài tập Toán, Khoa học, Sử, Địa lý trong sách giáo khoa… Hầu hết các thầy cô giáo đều giao bài tập về nhà cho học sinh trong đợt nghỉ học vì dịch viêm phổi do virus Corona. Nếu như bình thường, nhiều bậc phụ huynh sẽ phản đối vì Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cấm các trường học 2 buổi giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, nhưng lần này, hầu hết phụ huynh đều nhận thấy việc giáo viên giao bài tập về nhà cho trẻ là điều cần thiết và chính đáng. Một giáo viên chủ nhiệm lớp 1 từng tâm sự với tôi rằng, chỉ nghỉ học có hai ngày thứ 7 và chủ nhật thôi mà nhiều em đến trường đã quên hết những bài học của tuần trước, thậm chí nề nếp học tập cũng bị xô lệch. Sáng thứ 2 đầu tuần nào cũng có em ngáp ngủ, cô giáo không làm thế nào để học sinh tỉnh táo được đành phải cho các em ngủ tạm 10-15 phút rồi mới tiếp tục học. Vậy nên, nghỉ 2 tuần Tết lại thêm 1-2 tuần vì dịch bệnh thì khi trẻ trở lại trường, nhất là với học sinh lớp bé, các thầy cô sẽ vô cùng vất vả để đưa trẻ về nề nếp học tập cũ. Bài tập trong mùa dịch không quá nhiều, chỉ vừa đủ để trẻ không quên kiến thức. Với trẻ lớn, chúng có thể tự giác học bài mà không cần cha mẹ thúc giục hay nhắc nhở, nhưng với trẻ nhỏ, còn ham chơi, ham ngủ, nhiều bậc phụ huynh sẽ vất vả hơn một chút trong việc dạy con học ở nhà.

Cha mẹ có thể thiết kế một số trò chơi cho trẻ chơi tại nhà khi phải nghỉ học vì dịch bệnh. Ảnh minh họaDịch bệnh không phải toàn điều tiêu cực Nhiều người nhìn vào dịch bệnh Corona lần này thì hoảng loạn và chỉ thấy toàn những điều tiêu cực. Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu, nếu bạn chỉ nghĩ đến những điều tiêu cực thì sẽ chỉ nhìn thấy những điều tiêu cực, còn nếu bạn thích suy nghĩ tích cực thì sẽ nhìn thấy rất nhiều điều tích cực từ chính dịch bệnh này. Với 1 tuần nghỉ Tết và thêm 2 tuần nghỉ vì dịch bệnh, bé Thanh Hương, một học sinh lớp 5 đã có thể nấu cơm khá thành thạo và biết trông em bé 4 tuổi giúp bố mẹ. Buổi sáng, mẹ Hương đi chợ và sắp sẵn thức ăn để 10h30’ sáng Hương ở nhà nấu cơm. Cô bé 11 tuổi biết cắm cơm, nhặt rau, rửa rau, luộc rau, rán trứng, rán thịt, rán cá, kho thịt, xào một số loại rau củ, hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng, rửa bát, quét nhà… Vì chỉ có hai chị em ở nhà, Hương hướng dẫn em đi vệ sinh, thậm chí khi em tè dầm, Hương đã biết rửa ráy và thay quần áo cho em. Ngoài lúc nấu cơm và rửa bát, Hương tự giác ngồi vào bàn học. Chỉ còn mấy tháng nữa là diễn ra kỳ thi chuyển cấp, Hương dự định thi lớp chọn Văn nên ngày nào em cũng luyện làm Văn và học ngữ pháp Tiếng Việt. Khác với cô bạn tên Hương, Đức Anh – một học sinh lớp 2 đã làm cho kỳ nghỉ học vì dịch bệnh của mình trở nên không hề nhàm chán với việc xếp mô hình lego và đọc sách khoa học. Cậu bé đã lắp ráp được gần chục mô hình phức tạp mà người lớn nhìn còn phải ngán ngẩm và đọc được hơn chục cuốn sách về khám phá khoa học, thiên nhiên, vũ trụ. Vì dịch bệnh mà lớp học tiếng Anh của cậu bé phải tạm dừng, nhưng Đức Anh vẫn lên mạng để làm bài online và nói chuyện trực tuyến với cô giáo của mình. Việc học hành hầu như vẫn được đảm bảo. Tiền học được bảo lưu không mất mà Đức Anh vẫn được luyện nghe nói và làm bài tập tiếng Anh miễn phí.  Dịch bệnh virus Corona khiến cho nhiều trẻ em phải nghỉ học tạm thời, tuy nhiên, không đến trường không có nghĩa là không học, có rất nhiều cách thức khác nhau để trẻ tiếp tục việc học tập của mình tại nhà với nhiều niềm vui và sự sáng tạo.

Bình Yên/TC GĐ&TE

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *