Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt nam góp ý dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giai đoạn 2020-2025

Ngày 14 tháng 11 năm 2019, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam có công văn số 193 /CV-HBVQTE về việc góp ý dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giai đoạn 2020-2025.

Trẻ em Việt chia sẻ nội dung góp với bạn đọc!

 

Kính gửi: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

 

Theo đề nghị của Bộ Lao động, thương binh và xã hội tại công văn số 4661/LĐTBXH-TE ngày 31/10/2019 về góp ý cho dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch) và Tờ trình về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giai đoạn 2020-2025 (Tờ trình); Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được quy định tại Điều 92, Luật Trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận thấy Dự thảo Kế hoạch và Tờ trình đã được soạn thảo hết sức công phu và xin có một số ý kiến như sau:

  1. Về quan điểm, có thể nhấn mạnh Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giai đoạn 2010-2015 là một nội dung quan trọng của hoạt động bảo vệ quyền trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của từng người, từng gia đình và toàn xã hội trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, có thể bổ sung Giải pháp cơ bản để phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em là vận động, giáo dục, truyền thông chuyển đổi hành vi gắn với cung cấp dịch vụ theo hướng dự phòng tích cực và chủ động phòng ngừa.
  2. Về dự án 1, kết quả mong đợi có thể nâng các tỷ lệ cha mẹ và tỷ lệ gia đình lên cao hơn, từ 50% lên 70%, có thể bổ sung nhóm hoạt động Tập huấn cho giáo viên về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm: Tổ chức tập huấn giáo viên về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường phương pháp giảng dạy cho học sinh về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; Cung cấp thông tin và tổ chức hội thảo, tọa đàm trong nhà trường về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Trong các cơ quan thực hiện dự án này đề nghị bổ sung thêm Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
  3. Về dự án 3, có thể mở rộng thêm sự phối hợp liên tổ chức, cụ thể Cải thiện các dịch vụ bảo vệ trẻ em và tăng cường phối hợp liên ngành, liên tổ chức trong hỗ trợ các trường hợp trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục. Do có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc các tổ chức ngoài nhà nước, nên rất cần Tăng cường phối hợp liên ngành, liên tổ chức giữa các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ thuộc các ngành Lao động, thương binh và xã hội, Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp và các tổ chức Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… trong công tác bảo vệ trẻ em và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Các cơ quan thực hiện dự án này đề nghị bổ sung các tổ chức Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
  4. Về các dự án 4, 5 và 6, đề nghị bổ sung các tổ chức Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vào các cơ quan thực hiện.
  5. Về giải pháp thực hiện, có thể bổ sung các giải pháp như:

– Nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan, tổ chức liên quan đến phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

– Tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi hành vi, truyền thông vận động và huy động cộng đồng trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

– Tăng cường kinh phí cho công tác phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em; thực hiện xã hội hóa nguồn lực cho việc triển khai tổ chức thực hiện công tác này.

  1. Về tổ chức thực hiện, trong phân công trách nhiệm, có thể bổ sung thêm: Các tổ chức TW Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trên cơ sở trách nhiệm được quy định trong Luật trẻ em, phối hợp thực hiện Kế hoạch hành động.

Nhằm phát huy vai trò, vị trí của Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã được ghi trong Điều 92 Luật Trẻ em, để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam xin có những góp ý trên đây gửi Bộ Lao động, thương binh và xã hội.

Trân trọng cảm ơn./.

 

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *