Hội chứng cô đơn giữa gia đình (8): Bi kịch của những đứa trẻ con nhà giàu
Hiện nay có một hiện tượng đáng lưu tâm là nhiều trường hợp trẻ sống trong những gia đình có điều kiện, được bố mẹ lo cho đầy đủ về vật chất nhưng các em lại cảm thấy cô đơn, bị bỏ đói về mặt tình cảm tinh thần. Nhiều em trong số đó bị rơi vào trạng thái trầm cảm, học hành sa sút, yêu sớm, nghiện game, thậm chí có em có ý định tự tử.
Là một doanh nhân thành đạt nhưng ông An đã từng có thời gian phải tìm đến một trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục vì tình trạng của con gái mình. Thu Tâm là cô con gái cưng của vợ chồng ông An. Cháu thông minh, học giỏi, xinh đẹp từ bé, là niềm tự hào, là tình yêu “to bự” của cả hai vợ chồng ông An. Tuy nhiên do đặc thù công việc, cả hai vợ chồng ông An thường xuyên phải công tác nước ngoài liên miên nên thời gian được ở gần con rất hiếm hoi. Tình yêu mà vợ chồng ông An dành cho con là những chuyến đi du lịch, là những bữa cơm hiếm hoi ở nhà, là những món quà đắt tiền mà bạn bè của Tâm không ai có được.
Hồi còn tuổi mầm non, Tâm là cô bé nhí nhảnh yêu đời. Đến tuổi đi học, Tâm học rất giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp và là học sinh tiêu biểu của trường. Thế nhưng lên cấp 3, bỗng dưng bé Tâm thay đổi. Tâm thường xuyên đau đầu, học sa sút. Ông An đưa con đi khám, chụp cắt lớp nhưng bác sĩ kết luận là cháu bình thường không có vấn đề gì. Cuối cùng sau một chặng đường dài đưa con đi khám thì họ đã không thể tin rằng, con gái cưng của mình mắc bệnh trầm cảm. Mà căn nguyên sâu xa là do cháu bị rơi vào tình trạng cô đơn lâu ngày do bố mẹ dành quá ít thời gian cho mình.
Trong một nghiên cứu cách đây không lâu tại Tp. HCM cho thấy, trẻ em là đối tượng dễ bị cô đơn nhất trong gia đình. Xã hội hiện đại với nhiều áp lực nên người lớn đã lấy đi phần nhiều thời gian của họ cho công việc, kiếm tiền và các mối quan hệ xã hội. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, có đến hơn 50% bậc cha mẹ dành chưa đến 30 phút mỗi ngày để trò chuyện hoặc giải trí cùng con.
Cách đây không lâu, bà Bích Thủy, nguyên là điều phối viên trong dự án đường dây tư vấn trẻ em (UBDSGĐTE cũ, nay là Bộ LĐTBXH) cho rằng, một hiện tượng đáng lưu tâm là nhiều trường hợp trẻ sống trong những gia đình có điều kiện, được bố mẹ lo cho đầy đủ về vật chất nhưng các em lại cảm thấy cô đơn, bị bỏ đói về mặt tình cảm tinh thần. Nhiều em trong số đó bị rơi vào trạng thái trầm cảm, học hành sa sút, yêu sớm, nghiện game, thậm chí có em có ý định tự tử.
Qua nghiên cứu tìm hiểu, các chuyên gia nhận ra rằng, những đứa trẻ mà bố mẹ không dành thời gian để giao tiếp với chúng là những đối tượng dễ bị cô đơn nhất trong gia đình. Cô đơn ở trẻ được hiểu là chúng bị bỏ đói về mặt tình cảm, thiếu sự quan tâm thấu hiểu, thiếu thời gian giao tiếp với bố mẹ.
Biểu hiện của sự “cô đơn” của trẻ ở mỗi lứa tuổi, mỗi đứa trẻ cũng khác nhau. Một đứa trẻ ở tuổi mầm non nếu bị “cô đơn”, chúng thường có biểu hiện như lủi thủi chơi một mình, nói chuyện một mình, ngang bướng hay chống đối, hay đánh người khác. Một đứa trẻ ở tuổi dậy thì mà bị cô đơn thì sự biểu hiện khó nhận ra hơn và biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau: có đứa trẻ không nói chuyện và né tránh giao tiếp với bố mẹ; có đứa hay cáu giận nổi nóng; có đứa nghiện game hoặc “cuồng” bạn bè một cách thái quá…
PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, sự phát triển về tâm hồn, thể chất và các kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ em chịu ảnh hưởng rất lớn vào lượng thời gian cha mẹ dành cho cũng như mức độ gắn kết của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy ngẫm là cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu thì tính bền vững của gia đình và sự gắn bó của các thành viên càng có chiều hướng lỏng lẻo hơn. Ngày nay, ở nhiều gia đình hiện đại, bữa cơm sum họp quý giá dường như đang ngày càng vắng bóng. Khi thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng khó khăn hơn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn.
Đây chính là lý do đẩy những đứa trẻ sống trong xã hội hiện đại đến gần hơn với ngưỡng cô đơn và bị trầm cảm trong gia đình.
Nguồn giadinh.net.vn