Hội nghị lần thứ hai, Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khóa IV

Ngày 27/3/2024 tại Hà Nội, hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khóa IV đã được tổ chức thành công và thông qua Nghị quyết BCH khóa IV với sự tham dự của 46/86 ủy viên BCH từ 27 tỉnh/TP.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh vai trò của các Ủy viên BCH khóa IV phát huy tinh thần, trách nhiệm trong xây dựng và đề xuất giải pháp để triển khai tốt kế hoạch thực hiện Nghị quyết lần thứ IV nhiệm kỳ 2023-2028 đặc biệt trong kết nối mạng lưới, thu hút sự tham gia của lực lượng xã hội trong công tác trẻ em và thực hiện các nội dung của Nghị quyết trong kế hoạch hàng năm ở địa phương.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu tại Hội nghị

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, đại biểu đã được nghe ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội trình bày tóm tắt Kế hoạch triển khai Nghị quyết lần thứ IV giai đoạn 2023-2028 trong đó tập trung vào 8 mục tiêu cơ bản bao gồm: (1) Phát triển và nâng cao năng lực tổ chức Hội; (2)Tăng cường tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan tới trẻ em; (3)Tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; (4)Phát biểu chính kiến và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước; (5)Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em; (6)Phát triển các hoạt động, dịch vụ tư vấn, hướng dẫn thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em; (7)Duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế; (8)Nâng cao năng lực huy động nguồn lực phù hợp.

Các mục tiêu trên cũng đã được cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể trong kế hoạch năm 2024 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và cũng được gửi cho các Hội thành viên ở địa phương xây dựng kế hoạch triển khai trong năm phù hợp với điều kiện ở địa phương

Ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội trình bày Kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội khóa IV

Ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội trình bày Kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội khóa IV

Bên cạnh đó hội nghị cũng đã được nghe ông Lương Thế Khanh – Phó Chủ tịch Hội trình bày những điểm bổ sung, chỉnh sửa trong Điều lệ Hội và các đại biểu cũng tham gia thảo luận để biểu quyết thông qua Điều lệ bổ sung, sửa đổi. Đặc biệt, đã có sự phân công phụ trách của các Ủy viên BCH khóa IV theo lĩnh vực công tác trong đó các UV BCH ở địa phương tập trung vào nhiệm vụ phát triển Hội viên ở địa phương và vận động nguồn lực để hỗ trợ cho trẻ em.

Đặc biệt Giải thưởng Cống hiến vì trẻ em do Hội Bảo vệ quyền trẻ em trao định kỳ hàng năm cũng đã được chia sẻ Phó Chủ tịch Cao Thị Thanh Thủy thông tin tới các đại biểu nhằm tôn vinh các điển hình trong công tác trẻ em từ Trung ương và địa phương và dự kiến triển khai thí điểm trong năm 2024.

Ông Đào Ngọc Chuyền – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Ủy viên BCH cũng có sự đánh giá cao về kế hoạch 5 năm đưa ra. Ông Chuyền cũng cho rằng 8 mục tiêu cần phải giao nhiệm vụ cụ thể dựa vào thế mạnh của các Ủy viên và có đánh giá cụ thể trong công tác thi đua. Về cá nhân luật sư tham gia với tư cách Ủy viên BCH sẽ cống hiến và sẵn sàng phối hợp với Hội để hoạt động cống hiến vì trẻ em vì đó cũng là trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ xã hội của luật sư. Về hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội ông Chuyền nhất trí, và cũng đồng tình với lồng ghép nhiệm vụ mà Hội giao với hoạt động của đơn vị, tổ chức mà các Ủy viên BCH đang tham gia. Kế hoạch năm 2024 cũng cần phải phân chia người chủ trì, người tham gia, nhiệm vụ cụ thể.

Ông Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế, Ủy viên BCH cho rằng cần phải có sự phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm người thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết khóa IV và nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch. Ông Khoa cũng cho rằng cần có sự phối hợp với ngành y tế trong nghiên cứu lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em ở địa phương để phát huy vai trò của Hội.

Ông Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khóa IV phát biểu tại Hội nghị

Ông Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khóa IV phát biểu tại Hội nghị

Bà Trịnh Thị Loan – Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lạng Sơn cho rằng Hội địa phương có những đặc điểm khác nhau và có những chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động khác nhau. Các Hội địa phương sẽ dựa vào Kế hoạch chung để xây dựng kế hoạch riêng cho Hội địa phương và trình Ủy ban nhân dân giao nhiệm vụ và kinh phí để triển khai. Do đó, Hội địa phương nên căn cứ theo thực tế để trình kế hoạch hàng năm đối với Ủy ban tỉnh để góp phần thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội IV đưa ra.

Bà Lê Thị Tám – Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng cũng đánh giá cao việc chuẩn bị tài liệu lấy ý kiến của Ủy viên BCH, trong đó trong 8 mục tiêu của Kế hoạch đưa ra Hội TP Đà Nẵng đã thực hiện, có mạng lưới và có hỗ trợ về kinh phí của thành phố Đà Nẵng trong triển khai hoạt động. Tuy nhiên, Hội BVQTEVN và một số Hội tỉnh khác gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ vì không có hỗ trợ kinh phí để triển khai nhiệm vụ. Hội cần tiếp tục kiến nghị để Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và giao kinh phí để triển khai. Đồng thời cũng cần bổ sung nhiệm vụ với Ủy viên BCH cấp địa phương trong Quy chế BCH và nghĩa vụ của Hội viên trong tự nguyện đóng góp Hội phí hàng năm để có nguồn duy trì hoạt động.

Bà Lê Thị Tám – Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị

Bà Lê Thị Tám – Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Văn Quá – Chủ tịch Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Tây Ninh cũng chia sẻ khó khăn trong tìm nhân sự lãnh đạo phụ trách chuyên về lĩnh vực trẻ em trong hoạt động Hội, các mục tiêu cụ thể liên quan tới địa phương nên có văn bản để tác động tới Ủy ban nhân dân tỉnh để từ đó Ủy ban chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với Hội địa phương thực hiện. Công tác kiểm tra giám sát tình hình trẻ em ở địa phương cũng rất cần thiết do đó thực hiện nhiệm vụ giám sát thực hiện quyền trẻ em cũng rất cần có sự phối hợp Hội địa phương với ngành lao động

Bà Hồ Thị Thanh Lâm – Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật, quyền trẻ em và Bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam cho rằng mục tiêu tăng số lượng Hội viên và tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực cho Hội viên về nhiệm vụ được quy định tại Điều 92 Luật Trẻ em cũng khó thực hiện do thiếu nguồn lực và kết nạp Hội viên cũng gặp khó khăn.

Ông Phạm Hải Anh – Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, Ủy viên BCH cho rằng Hướng dẫn thực hiện Điều lệ nên tập trung vào điều nào cần rõ, việc giao cụ thể nhiệm vụ của Ủy viên BCH cần rõ ai chủ trì, ai thực hiện, ai phối hợp đồng thời khẳng định Bộ ngoại giao cũng sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động ngoại giao của Hội TW và Hội địa phương để thực hiện mục tiêu Nghị quyết đưa ra trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Mạnh Huy – Tổng biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam chia sẻ về 3 sự kiện chính là cuộc thi vẽ tranh “Ngôi nhà mơ ước” ,”Nét đẹp tuổi thơ” và Gương trẻ em tiêu biểu mà Tạp chí Trẻ em đã triển khai trong năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức và thực thi quyền trẻ em tại cộng đồng. Việc thành lập Câu lạc bộ quyền trẻ em cũng rất cần thiết để trẻ em có thể chia sẻ ý kiến, quan điểm của các em. Giải cống hiến vì trẻ em cũng sẽ được Tạp chí triển khai thực hiện ngay trong Quý 3 và Quý 4 năm 2024.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ Người khuyết tật, Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Yên Bái cho rằng cần xem xét lại việc kết nạp Hội viên giảm lược các thủ tục hành chính.

Luật sư Lê Thị Tuyết Mai cũng nhận định về nghĩa vụ và cống hiến của luật sư trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và có thể có sự phối hợp giữa Đoàn Luật sư Hà Nội với Hội trong các hoạt động tuyên truyền pháp luật tại cộng đồng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định những ý kiến của đại biểu sẽ được tiếp thu trong đó ưu tiên về phát triển tổ chức Hội, Hội viên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội được Đảng, Nhà nước giao. Chủ tịch cũng chia sẻ mong muốn Ủy viên BCH ở Hội địa phương tích cực trong vận động, phát triển Hội viên cá nhân ở địa phương bởi đây cũng là cách để truyền thông về quyền trẻ em và thực hiện quyền trẻ em. Trách nhiệm thực hiện và vận động nguồn lực để thực hiện mục tiêu Nghị quyết lần IV đưa ra sẽ là nhiệm vụ của Hội TW và Hội thành viên ở địa phương theo đúng tinh thần “Đoàn kết, Sáng tạo, Hội nhập, Cống hiến vì sự phát triển toàn diện và bảo vệ quyền trẻ em” như Đại hội lần IV Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề ra.

Hội nghị đã thông qua Nghị quyết lần 2 khóa IV BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với 100% đại biểu biểu quyết đồng ý.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *