Hội thảo tập huấn Vận động chính sách thực hiện quyền trẻ em

TEV: Ngày 15 tháng 11 năm 2107, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI) tổ chức hội thảo, tập huấn “Vận động chính sách thực hiện quyền trẻ em”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa Chủ tịch Hội phát biểu tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa Chủ tịch Hội phát biểu tại hội thảo

Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội; Bà Nguyễn Thị Lan, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội; bà Nguyễn Phạm Duy Trang, UVTV, Trưởng Ban Thiếu nhi Trung ương Đoàn; ông Đặng Dũng Chí, Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, ủy viên Ban chấp hành Hội; ông Nguyễn Thế Tiến, Trưởng Ban Truyền thông, Trương ban Biên tập Web Treemviet.vn của Hội; bà Trần Thị Thu Thủy, cán bộ dự án, Tổ chức SCI, các tổ chức xã hội làm về trẻ em cùng hơn 30 đại biểu đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng và đại diện các Chi hội,Trung tâm trực thuộc Hội tại Hà Nội.

Mục đích của hoạt động nhằm trao đổi và thảo luận những kiến thức, kinh nghiệm của các tổ chức hội trong lĩnh vực vận động chính sách thực hiện quyền trẻ em. Trong đó làm rõ một số nội dung như khái niệm vận động chính sách, những nội dung chính; Vận động chính sách nhằm mục đích gì? Các hình thức vận động chính sách; những kỹ năng cần thiết cho vận động chính sách.

Vận động chính sách thực hiện quyền trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức xã hội làm về trẻ em qua đó phát huy vai trò góp ý xây dựng, thúc đẩy thực hiện và giám sát các chính sách được thực hiện tromg thực tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về những kinh nghiệm, trở ngại, phương pháp tác động nhằm vận động chính sách thông qua các ví dụ cụ thể, những thành công bước đầu trong hoạt động vận động chính sách.

Các đại biểu cho rằng tổ chức xã hội cần tham gia vận động chính sách để bảo vệ trẻ em, góp ý, bổ sung trong quá trình soạn thảo, xây dựng, thúc đẩy thực hiện, theo dõi giám sát việc thực hiện chính sách. Các tổ chức xã hội có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động từ thực tiễn nên kịp thời nhận ra những bất cập trong việc thực hiện chính sách tại cộng đồng.

Các tổ chức xã hội tham gia vận động chính sách hiện nay đang gặp một số khó khăn như: Nhận thức của các tổ chức xã hội tham gia vận động chính sách còn hạn chế; thiếu sự liên kết, phối hợp trong việc đề xuất, góp ý; thiếu chiến lược, kế hoạch vận động chính sách; hình thức, cách thức chưa phù hợp với quy trình xây dựng luật; khó có cơ hội tiếp xúc đề xuất với ban soạn thảo; thiếu kinh phí tổ chức thu thập thông tin…

Những vấn đề đại biểu đề xuất cần vận động chính sách trong thời gian tới để bảo vệ quyền trẻ em gồm có: hiện nay chưa có chính sách cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam (Đioxin); Nghị định số 93/2009/NĐ-CP Ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài đang gây khó khăn cho các tổ chức xã hội trong việc tiếp nhận các nguồn viên trợ; Đề nghị tăng hình phạt với đối tượng tội phạm buôn bán trẻ em bán ra nước ngoài…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội cho rằng trong những năm qua các tổ chức xã hội đã tích cực tham gia vào các hoạt động vận động chính sách trong đó nổi bật là sự ghi nhận vai trò của các tổ chức xã hội được quy định trong Luật trẻ em năm 2016; Hội được mời tham gia đoàn giám sát liên ngành về công tác trẻ em; Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…các tổ chức xã hội cần nâng cao vai trò giám sát việc thực hiện chính sách qua đó nắm được hiệu quả của chính sách với cuộc sống của trẻ em đồng thời phát hiện những vấn đề bất cập để góp ý điều chỉnh bổ sung. Nói đến vận động chính sách là nói đến sự thay đổi đó mới là đích đến của quá trình vận động chính sách các tổ chức xã hội cần hướng đến.

                                                                                               Mạnh Dũng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *