Kế hoạch triển khai “Sáng kiến trẻ em” năm 2025 với chủ đề “Trẻ em với môi trường sống an toàn, lành mạnh”
- MỤC ĐÍCH
- Nâng cao nhận thức của trẻ em và cộng đồng về quyền trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.
- Tăng cường năng lực cho trẻ em về thực hiện quyền trẻ em đặc biệt là quyền tham gia của trẻ. Đồng thời biểu dương, khuyến khích trẻ em tham gia vào các hoạt động cộng đồng cũng như cùng giải quyết những vấn đề các em quan tâm hoặc đang gặp phải trong cuộc sống và trong học tập.
- Thu thập ý kiến của trẻ và hỗ trợ trẻ em thực hiện sáng kiến để giải quyết các vấn đề mà trẻ em quan tâm và tạo cơ hội để các em chia sẻ bài học kinh nghiệm trong triển khai sáng kiến tại cộng đồng
II.ĐỐI TƯỢNG VÀ CÁCH THỨC THAM GIA
1.Đối tượng:
Trẻ em (từ 10 – dưới 16 tuổi) và người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) đang học tập/sinh hoạt tại các cơ sở giáo dục, cơ sở hoạt động của thanh, thiếu nhi, các câu lạc bộ, trung tâm năng khiếu, trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, làng trẻ, mái ấm, nhà mở, các nhóm trẻ em/Câu lạc bộ trẻ em… trên toàn quốc sẽ đưa ra các đề xuất sáng kiến nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em theo chủ đề tại mục 3.
- Cách thức tham gia:
– Trực tiếp hoặc trực tuyến
– Mỗi trẻ em chỉ được tham gia gửi/thuyết trình về 01 sáng kiến (cá nhân hoặc theo nhóm).
– Danh sách trẻ em/nhóm trẻ tham gia cần có đủ thông tin (theo mẫu) và gửi kèm đề xuất sáng kiến.
- Nội dung tham gia
Chủ đề năm 2025: “Trẻ em với môi trường sống an toàn, lành mạnh”.
Dựa trên chủ đề này, các em sẽ đưa ra các đề xuất sáng kiến hướng tới việc thúc đẩy sự tham gia của chính các em để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, bảo vệ các em khỏi thiên tai, dịch bệnh, bạo lực , xâm hại…
III.HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
1.Yêu cầu chung:
– Các sáng kiến phải do trẻ em đề xuất, góp phần nâng cao nhận thức của trẻ em và thúc đẩy việc thực hiện 4 nhóm quyền của trẻ em
– Sáng kiến trẻ em được tổ chức theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Trẻ em chuẩn bị đề xuất sáng kiến; Giai đoạn 2: Trẻ em tham gia hùng biện, thuyết trình về sáng kiến; Giai đoạn 3: Trẻ em thực hiện các sáng kiến được lựa chọn, trao giải.
2.Các giai đoạn cụ thể
2.1.Giai đoạn 1: Trẻ em chuẩn bị đề xuất sáng kiến
– Các thí sinh/nhóm thí sinh gửi đề xuất sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của trẻ em (có mẫu đính kèm), theo chủ đề “Trẻ em với môi trường sống an toàn, lành mạnh”. Khuyến khích thí sinh gửi kèm link video, hình ảnh hoặc các tài liệu khác (lưu ý: không gửi các mô hình cồng kềnh, tốn kém) để làm rõ hơn nội dung sáng kiến.
– Đề xuất sáng kiến nếu cần ngân sách thực hiện thì phải gửi kèm ngân sách dự kiến và khung thời gian thực hiện cụ thể không kéo dài quá 03 tháng kể từ ngày dự kiến thực hiện. Ngân sách dự kiến không vượt quá 5 triệu đồng.
– Các sáng kiến tham gia cuộc thi phải được gửi đồng thời về Ban Tổ chức thông qua online và bản in gửi về Ban Tổ chức theo các bước sau:
Bước 1:
– Tải mẫu Nội dung Sáng kiến trẻ em năm 2025 do Ban Tổ chức cung cấp tại đường link trên trang thông tin chính thức của Hội và điền đầy đủ thông tin.
– Kiểm tra lại thông tin trước khi gửi và đảm bảo các thông tin đã đầy đủ, chính xác.
Bước 2:
Gửi Nội dung Sáng kiến trẻ em năm 2025 và các tài liệu khác: hình ảnh, video, thiết kế đồ họa… (nếu có) về email: sangkientreem@vacr.vn
Bước 3:
Gửi bản in Nội dung Sáng kiến trẻ em năm 2025 và các tài liệu khác (nếu có) về cho BTC.
Địa chỉ: Văn phòng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, tầng 5 Cung trí thức thành phố, số 1 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại 024.37823935-36, email: sangkientreem@vacr.vn.
Lưu ý: Ngoài phong bì ghi rõ: “Tham dự cuộc thi Sáng kiến trẻ em năm 2025”.
- Giai đoạn 2: Trẻ em tham gia Hùng biện, thuyết trình về các sáng kiến lọt vào vòng Chung kết.
– Sau khi thu thập các Sáng kiến trẻ em, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn từ 5-10 sáng kiến chất lượng, điểm cao nhất vào vòng Hùng biện.
– Thí sinh/nhóm thí sinh được lọt vào vòng Hùng biện sẽ được tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan tới quyền trẻ em và chủ đề mà các em tham gia để điều chỉnh sáng kiến cho phù hợp trước khi buổi Hùng biện được tổ chức.
– Mỗi sáng kiến sẽ được đại diện thí sinh/nhóm thí sinh trình bày trong vòng 10-15 phút. Khuyến khích các đề xuất sáng kiến có phần trình bày tóm tắt bằng tiếng Anh.
– Hình thức trình bày có thể bằng bài trình chiếu, thuyết trình, chiếu video, hình ảnh…
– Thí sinh/nhóm thí sinh sẽ có phần thi hỏi – đáp với thành viên Hội đồng xét chọn.
– Số lượng giải thưởng: 01 giải nhất, 01 giải nhì và 01 giải ba, xếp theo thứ tự điểm từ cao tới thấp.
– Thời gian công bố kết quả: Dự kiến Tháng hành động vì trẻ em năm 2025. Các thí sinh có sáng kiến đoạt giải sẽ được Ban Tổ chức liên hệ bằng điện thoại tới phụ huynh, đại diện nhà trường hoặc người giám hộ.
- Giai đoạn 3: Tổ chức thực hiện các sáng kiến được lựa chọn, trao giải.
– Căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng xét chọn về các sáng kiến, Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ trẻ em triển khai sáng kiến đạt giải (bằng tiền mặt hoặc tư vấn chuyên môn, kỹ thuật để thực hiện sáng kiến). Số lượng sáng kiến được hỗ trợ sẽ tùy thuộc nguồn vận động của BTC.
– Các em được tập huấn nâng cao năng lực để triển khai sáng kiến: kỹ năng xây dựng kế hoạch hoạt động và ngân sách, kỹ năng đánh giá kết quả thực hiện sáng kiến, kỹ năng trình bày sáng kiến tại các hội thảo/diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm…
– Sáng kiến của trẻ được lựa chọn và đạt giải sẽ được Hội bảo trợ về truyền thông như được chọn lọc giới thiệu trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam và Fanpage Tạp chí Trẻ em Việt Nam; Website của Hội. Thí sinh/nhóm thí sinh của sáng kiến đạt giải sẽ được bình chọn tham gia giải Trẻ em tiêu biểu của năm 2025 do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức;
– Thí sinh/nhóm thí sinh có sáng kiến đạt giải có cơ hội tham gia giới thiệu về sáng kiến tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trẻ em cấp địa phương, quốc gia và quốc tế do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các Hội thành viên hướng dẫn, giới thiệu.
– Các sáng kiến đạt giải sẽ được ưu tiên hỗ trợ triển khai tại cộng đồng, địa phương bằng nguồn lực từ các chương trình, dự án, hoạt động của các đơn vị, tổ chức, cá nhân mà Hội vận động được hoặc từ nguồn của các Hội thành viên tại địa phương.
- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Chịu trách nhiệm chung: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Chịu trách nhiệm phối hợp triển khai: Các Hội thành viên lựa chọn, giới thiệu ít nhất 01 sáng kiến trẻ em tại địa phương.
Dự kiến thời gian thực hiện:
STT | NỘI DUNG | THỜI GIAN | THỰC HIỆN | GHI CHÚ |
1 | Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai đến địa phương | Tháng 10-11/2024 | Văn phòng Hội BVQTEVN | |
2 | Thu thập và tổng hợp các sáng kiến gửi về | Tháng 12/2024-tháng 02/2025 | Văn phòng Hội BVQTEVN | |
3 | Thành lập Hội đồng xét chọn và thống nhất các nội dung, tiêu chí, giải thưởng | Tháng 01/2025 | Lãnh đạo Hội BVQTEVN | Mời các thành viên theo danh sách Thường trực duyệt |
4 | Triển khai việc chấm sáng kiến | Tháng 3-4/2025 | Hội đồng xét chọn | Theo tiêu chí cụ thể |
5 | Thông báo và trao giải | Tháng 5-6/2025 | Ban tổ chức | |
6 | Các hoạt động truyền thông cho sáng kiến, hỗ trợ trẻ em thực hiện sáng kiến | Từ tháng 6-12/2025 | Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Văn phòng Hội BVQTE VN, Hội thành viên | Nếu có nguồn kinh phí từ dự án, đối tác sẽ hỗ trợ trẻ em triển khai sáng kiến ở địa phương. |
TM.BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH
(đã ký)
Cao Thị Thanh Thủy