Kết nối và phát huy sức mạnh của các luật sư trong bảo vệ trẻ em

Trong 2 ngày 15-16/7/2022 tại Hà Nội, hội thảo – tập huấn về bảo vệ trẻ em trong các vụ xâm hại trẻ em đã được Hội Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức với sự hỗ trợ của tổ chức ChildFund Việt Nam. Đã có hơn 40 đại biểu là các luật sư, người am hiểu pháp luật thuộc Chi hội Luật sư bảo vệ trẻ em Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư của Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định… đã tham gia và thảo luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được bà Hoàng Thị Song Mai – Trưởng phòng hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên, Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học, Tòa án Nhân dân tối cao cập nhật một số quy định cơ bản về bảo vệ quyền trẻ em trong quy định pháp luật Việt Nam hiện nay.

Bà Hoàng Thị Song Mai – Trưởng phòng hình sự, hành chính, gia đình và người chưa thành niên,
Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học, Tòa án Nhân dân tối cao trình bày tham luận

Các đại biểu cũng tham gia thảo luận tập trung vào những tình huống cụ thể mà diễn giả đưa ra như trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật trong tham gia giao thông gây hậu quả chết người, tảo hôn… qua đó có thể nhận thấy những bất cập, khó khăn trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

Bên cạnh đó thực trạng nhận thức pháp luật về bảo vệ trẻ em trong xét xử, trong tham gia bảo vệ trẻ em trong các vụ xâm hại trẻ em tại địa phương cũng được các đại biểu chia sẻ từ thực tiễn mà các luật sư đã trải qua.

Toàn cảnh hội thảo – tập huấn

Trong phần thảo luận, luật sư Nguyễn Văn Viên, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh chia sẻ rằng trẻ em Bắc Ninh bị xâm hại địa bàn chủ yếu là các Khu công nghiệp, khu nhà trọ cho thuê. Trẻ em làm việc không theo Công ty mà là lao động tự do, hoặc các em ở trọng gia đình có thành phần gia đình phức tạp cọn nọ con kia, con riêng con chung vì tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ tăng cao. Bên cạnh đó, xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở những nơi vắng người qua lại, hẻo lánh, biệt lập, mà còn xảy ra tại gia đình và các khu vực công cộng, như: tại cơ sở giáo dục, nơi vui chơi của trẻ em, cầu thang máy chung cư… Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý; công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế; trẻ em tham gia lao dộng sớm chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Luật sư Nguyễn Văn Viên, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh chia sẻ từ thực tiễn bảo vệ trẻ em tại địa phương

Trong hai ngày, các đại biểu cũng được PGS.TS. Đỗ Thị Phượng – Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ thêm những kỹ năng tham gia bảo vệ trẻ em trong giai đoạn xét xử các vụ án xâm hại trẻ em. Những kỹ năng tiếp xúc với trẻ em bị xâm hại; kỹ năng tư vấn pháp luật cho trẻ em, người thân của trẻ em; kỹ năng tham gia tranh tụng để bảo vệ trẻ em tại các phiên tòa… cũng đã được các đại biểu chia sẻ và thảo luận sôi nổi tại đây.

Đại biểu tham gia thảo luận

Sau hội thảo, đã có thêm nhiều luật sư tình nguyện tham gia là thành viên Chi hội bảo vệ trẻ em của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Sự nhiệt huyết và tích cực của các luật sư có kinh nghiệm và kỹ năng sẽ góp phần công tác bảo vệ quyền trẻ em đặc biệt là trẻ em bị bạo lực, xâm hại sẽ đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *