Khi bố mẹ không còn một nhà (1): Điều cực nguy hại nếu bố mẹ nói xấu nhau trước mặt con
Có câu hát “Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa; mẹ sẽ là nhành hoa cho con cài lên ngực”. Đứa trẻ nào sinh ra cũng cần có bố, có mẹ nhưng khi bố mẹ ly hôn thì cuộc đời chúng sẽ ra sao? Kính mời bạn đọc đón đọc loạt bài dài kỳ “Khi bố mẹ không còn một nhà” của nhóm phóng viên giadinh.net.vn.
Ly hôn là điều không ai mong muốn. Thế nhưng khi người trong cuộc không thể tìm được tiếng nói chung, khi không thể tôn trọng nhau và thương nhau được nữa thì ly hôn lại là giải pháp cần thiết. Ly hôn vì thế sẽ được nhìn nhận ở chiều hướng tích cực vì nhờ nó mà hai con người đang cảm thấy bế tắc được giải thoát khỏi sự phong tỏa của nhau. Nhưng đó là chuyện của hai người, là vợ và chồng.
Không ít đứa trẻ đã phải trả giá vì chính sự chiến thắng của bố mẹ. Ảnh minh họa
Trong hôn nhân thường không chỉ có hai người với nhau mà còn có những đứa trẻ. Có những cuộc ly hôn của bố mẹ, đứa con vẫn cảm thấy an toàn và được yêu thương đủ đầy. Bởi cha mẹ chúng chia tay nhau nhưng không xúc xiểm nhau, chia tay nhau nhưng vẫn giữ danh dự cho nhau, ít nhất là trước mặt con trẻ. Trẻ cũng cảm thấy không thiếu cha hay thiếu mẹ bởi dù không sống cùng, cha mẹ chúng vẫn có trách nhiệm và nhớ thương đến chúng. Dù không sống cùng nhưng những ông bố bà mẹ đó không bao giờ bỏ rơi con, ti tỉ chuyện gì về con họ đều nắm biết. Những cuộc ly hôn đó người ta thường gọi là ly hôn có văn hóa.
Nhưng trên thực tế những cuộc ly hôn có văn hóa lại không nhiều. Đáng buồn là nhiều cặp vợ chồng chia tay, họ không chỉ làm tổn thương cho nhau mà ngay cả khi không còn sống cùng nhau nữa, họ vẫn tiếp tục gây nên những vết thương lòng cho những đứa con của họ.
Có một sự thật là nhiều người khi ly hôn, họ chỉ quan tâm đến việc đòi hỏi phúc lợi cho bản thân và chiến thắng mà quên mất đứa trẻ, khiến cho những đứa trẻ phải trả giá cho chính những chiến thắng của bố mẹ chúng. Khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, sẽ có rất nhiều cay đắng và giận dữ phát sinh giữa hai vợ chồng và điều này có thể ảnh hưởng đến vai trò làm cha làm mẹ của hai người. Hai bên không còn có thể hợp tác và sẽ gặp khó khăn để chấp nhận thực tế rằng họ phải tiếp tục làm cha mẹ ngay cả sau khi ly dị. Trẻ em bị mắc kẹt ở giữa và có thể trở thành “con tốt” trong cuộc chiến của hai vợ chồng – chúng bị buộc phải chọn một trong hai bên và bị “kích động” để đối đầu với bên còn lại, hoặc thậm chí cả hai bên.
Bản thân việc bố mẹ không còn sống trong một nhà đã là một sự thiệt thòi cho đứa bé theo cách thông thường nhất. Thêm nữa, do cách ứng xử thiếu văn hóa, không ít cặp vợ chồng khi ly hôn và sau ly hôn đã vô tình làm đau lòng con cái theo nhiều cách khác nhau. Chưa nói đến việc to tát như chuyện mẹ ghẻ con chồng hay cha dượng con vợ – mối quan hệ dường như đã đóng đinh trong suy nghĩ của nhiều người là ít có sự tốt đẹp, thì chính người bố ruột, mẹ ruột lại là người trực tiếp cứa vào nỗi đau thương của đứa bé.
Cách mà những ông bố đẻ, mẹ đẻ làm tổn thương con cái trong và sau ly hôn phổ biến nhất đó là họ nói xấu về nhau trước mặt con. Trên thực tế chúng ta thấy hiện tượng này xẩy ra nhan nhản ở khắp nơi
Cách đây không lâu ở trên mạng xã hội xuất hiện một clip người mẹ đến nhà chồng để đón con về chơi thì đã bị chồng và bố mẹ chồng ngăn cản, thậm chí mắng chửi và đuổi chị về. Người đăng clip này cho biết, người bố đứa trẻ trong clip đó giành quyền nuôi con khi ly hôn. Mặc dù đã ly hôn nhưng người chồng và cả nhà “bên nội” ra sức ngăn cấm không cho mẹ đứa bé được gặp con.
Trên thực tế thì những trường hợp tương tự như trên không hề hiếm. Vì “hận” mà không ít người bố đã chặt đứt sợi dây tình cảm mẹ con, đẩy đứa trẻ vào cảnh “mồ côi” mẹ bất đắc dĩ. Không những bắt con phải “mồ côi mẹ” mà những ông bố đó còn nhồi nhét vào đầu đứa trẻ những ý nghĩ không tốt đẹp về mẹ của nó. Họ cố tình phác thảo nên hình ảnh một người mẹ tồi tệ, một người mẹ sẵn sàng bỏ rơi con. Họ làm vậy là để thỏa mãn tính hiếu thắng trong cuộc chiến ly hôn xẩy ra trước đó, để đạt được mục đích khiến cho đứa trẻ sẽ mãi mãi lìa xa mẹ nó, sẽ trở nên ghét cay ghét đắng mẹ nó. Họ đâu biết rằng, khi trả thù người mẹ của đứa trẻ thì vô tình họ đã tước đoạt dòng nước mát lành của chính cuộc đời đứa trẻ đó. Bởi dù người bố có yêu thương quan tâm bù đắp đến đâu thì họ cũng không thể bù đắp được khoảng trống trong tâm hồn đứa con của mình.
Ngược lại có những người mẹ sau ly hôn cũng có những hành động tương tự như cách của người bố kể trên.
Có câu hát “Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa; mẹ sẽ là nhành hoa cho con cài lên ngực”. Ý nghĩa của câu hát thật sâu sắc và đầy tính triết lý. Người cha thường cho con lý tưởng, ước mơ và khát vọng sống để “con bay thật xa”. Người mẹ thường cho con đời sống tình cảm ấm nồng, cho trái tim đứa con được nở hoa.
Đứa trẻ vì thế luôn cần cả tình cha, cả tình mẹ. Thiếu tình cha, trẻ dễ bơ vơ mất phương hướng trong cuộc đời; thiếu tình mẹ trẻ dễ thiếu đi sự bao dung ấm áp trong trường đời.
Một đứa trẻ không được sống cùng cha nhưng chưa chắc đã thiếu tình cha. Một đứa trẻ không được sống với mẹ nhưng chưa chắc đã thiếu tình mẹ. Vì thế, dù bố mẹ không ở cùng nhau nữa nhưng nên đối xử với nhau nhân văn và bao dung, để trẻ vừa không mất đi phương hướng trong cuộc sống, vừa cảm thấy bên mình vẫn có cha, có mẹ đủ đầy. Đây là điều hết sức quan trọng.
(còn nữa)
Nguồn giadinh.net.vn