Khi bố mẹ không sống cùng nhà (2): Mẹ đã gieo nỗi oan trái lên đời con

Căm hận người chồng phản bội, người vợ đã “nhồi” vào đầu đứa trẻ những ý nghĩ xấu xa về bố của mình. Cô bé đã lớn lên bằng chính nỗi đau đó của mẹ mình…

Thương là đứa con gái duy nhất của anh Công, chị Thùy. Năm Thương lên 3 tuổi, vợ chồng anh Công chia tay. Thương theo mẹ về nhà ngoại ở. Còn anh Công chuyển công tác khỏi địa phương, đến thành phố sinh sống.

Từ khi bố mẹ chia tay, Thương ít khi được gặp bố. Mỗi năm anh Công về quê 1 – 2 lần. Mỗi lần về quê, anh Công có đến nhà vợ cũ để thăm con, mua quà bánh quần áo đồ chơi cho con. Nhưng cứ mỗi lần đến thăm con về là anh Công lại bị ức chế vì thái độ của vợ cũ và ông bà ngoại của con anh.

Chị Thùy mặc dù đã ly dị chồng nhưng nỗi căm hận bị chồng phản bội vẫn còn nguyên. Chính vì thế mà mỗi khi anh Công đến thăm con là chị lại lườm nguýt, nói xóc xiểm và vứt hết đồ đạc của anh mua cho con.


Hận chồng phản bội, chị Thùy đã làm mọi cách để ngăn cản anh Công gần con. Ảnh minh họa

Hận chồng phản bội, chị Thùy đã làm mọi cách để ngăn cản anh Công gần con. Ảnh minh họa

Vì không chịu nổi thái độ của vợ nên dần dần anh Công cũng không tìm đến gặp Thương nữa. Anh tái hôn và lo cho cuộc sống gia đình mới của mình.

Thương lớn lên bằng nỗi đau bị chồng phản bội của mẹ mình. Trong ký ức của Thương, bố là người đàn ông tồi tệ đã bỏ rơi mẹ con cô để theo người đàn bà khác. Bố cô cũng đã không nuôi nấng cô, bỏ mặc mẹ con cô sống trong nghèo túng, khó khăn. Đại khái, trong suy nghĩ của Thương, anh Công không xứng đáng làm bố của cô.

Anh Công cũng khá bất hạnh trong đời sống riêng. Sau khi ly hôn với mẹ Thương, anh tái hôn nhưng người vợ mới của anh bị vô sinh và không thể sinh cho anh được đứa con nào cả. Chính vì lẽ đó mà anh Công càng nhớ thương đứa con gái của mình. Thế nhưng bất hạnh cho anh là lớn lên, Thương không chấp nhận anh là bố. Lý do như đã biết ở trên, là do mẹ và ông bà ngoại suốt ngày tiêm nhiễm vào đầu cô những ý nghĩ không tốt về bố.

Ý nghĩ đó bám dai dẳng đến nỗi, ngày Thương lên thành phố học đại học, cô vẫn giữ nỗi hiềm hận đó với bố của mình.

Tôi biết rõ chuyện của bố con Thương vì ngày còn là sinh viên ở ký túc xá, tôi ở cùng phòng với Thương. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đó, mỗi lần bố Thương tìm đến KTX để gặp con, cứ nhìn thấy bố là Thương lại hậm hực hỏi “Ông đến đây làm gì”, “Ông tìm tôi có việc gì”…

Ngày đó, nhìn thấy cảnh bố con Thương, tôi thương ông bố vô cùng. Thấy ông cứ lầm lũi thui thủi quay trở về mỗi khi bị con gái hắt hủi, chúng tôi cứ trào nước mắt. Được biết thời điểm đó, ông vẫn sống với người vợ mà ông tái hôn sau khi ly dị với mẹ Thương. Nhưng cảnh hai người không con không cháu cũng hiu hắt lắm. Họ thèm khát có đứa con. Bố Thương và cả dì cô đã tìm đủ mọi cách khuyên nhủ Thương về sống cùng nhà nhưng cô nhất quyết không chịu. Cuối cùng, chỉ còn cách là mỗi tuần ông lại vào thăm Thương một lần ở ký túc xá. Ông đưa tiền chi tiêu cho con rồi lại lủi thủi ra về.

Lũ bạn cùng phòng chúng tôi hồi đó khuyên nhủ Thương rất nhiều nhưng Thương không nghe. Thương không bao giờ gọi bố mà gọi ông xưng tôi. Nói chuyện với chúng tôi, Thương toàn gọi bố mình là “ông ta”.

Thương yêu khá sớm, từ khi học năm thứ 2 đại học. Người yêu Thương cùng quê, yêu Thương say đắm. Ra trường, cả hai cùng về quê làm việc rồi lấy nhau. Từ đó chúng tôi ít khi biết tin về Thương.

Tôi chỉ nghe bạn bè kể rằng, Thương lấy chồng chưa đầy 2 năm sau thì ly dị. Cứ như là số phận, Thương lại giống mẹ cô thủa nào, cũng mang nỗi căm hận người đàn ông yêu cô và cô đã yêu khi anh ta phản bội. Chỉ khác là mẹ Thương còn có Thương. Còn Thương thì chưa kịp có đứa con nào thì hai người đã “đứt gánh giữa đường”.

Người mẹ đã gieo nỗi uất hận của mình lên cuộc đời con gái. Ảnh minh họa
Người mẹ đã gieo nỗi uất hận của mình lên cuộc đời con gái. Ảnh minh họa

Mãi sau này, khi bước vào tuổi trung niên rồi tôi mới gặp lại Thương. Thương kể cho tôi nghe cuộc sống ba đào sóng gió của cô. Sau khi hai vợ chồng Thương ly dị, cô ở vậy đến năm 38 tuổi thì quyết định làm mẹ đơn thân, sinh một đứa con. Và điều hết sức tội nghiệp cho Thương là đứa con của cô lại gặp trọng bệnh. Bởi vậy mà từ khi có con, Thương lại bắt đầu một chuỗi ngày chật vật khác để làm mẹ. Có những lúc Thương bị rơi vào cảm giác tuyệt vọng tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng rồi bản năng làm mẹ cũng đã giúp Thương vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại để giúp đứa con chiến thắng bệnh tật. Và may mắn là trong nỗi đau khổ cùng cực đó, Thương đã gặp được Phật pháp. Hiện Thương đã tìm được sự bình an thanh thản trong tâm hồn.

Thương vốn là một cô gái xinh xắn dễ thương. Thế nhưng cuộc đời của cô lại là một chuỗi ngày bất hạnh. Bất hạnh khi tuổi thơ không có bố theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bất hạnh khi đời sống hôn nhân gặp khúc khỉu gập ghềnh.

Nhìn lại cuộc đời Thương, có cảm giác như là sự cài đặt của số mệnh. Thế nhưng trong sự cài đặt tưởng như là định mệnh đó, có cả bàn tay của bố mẹ Thương và của chính Thương.

Thương nói với tôi rằng, cuộc đời cô là một chuỗi dài ngày tháng đau khổ bởi tâm sân hận. Mẹ Thương đã gieo nỗi hận chồng của bà cho cô và cô đã sống quá nửa đời người bởi tâm ô nhiễm đó. Cũng may là cô đã sớm được thức tỉnh. Chứ nếu không, sự oan trái chồng vợ, cha mẹ con cái đó không biết đến bao giờ kết thúc.

(còn nữa)

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *