Làm gì khi con trẻ nghiện game?

Một phụ huynh (PH) xin giấu tên tâm sự, có thời gian họ vô cùng đau khổ, bất lực vì con mê game, mạng, bỏ bê chuyện học hành.

Do phương pháp hướng con đến những hành động tích cực chưa đúng, giữa họ và con đã xảy ra xung khắc, bất đồng khiến trẻ có những hành vi chống đối tiêu cực. Họ đã tìm tới khoa Tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để được tham vấn, hướng dẫn về phương pháp cũng như kỹ năng ứng xử con trẻ đúng cách. Kết quả rất khả quan, con họ dần thoát khỏi “mê hồn trận” của game, mạng…

Cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần ở trẻ

Cách đây tầm một năm, một gia đình ở TT- Huế “áp tải” cậu con trai đang học cấp 3 vào BV Tâm thần Đà Nẵng (BVTT) nhờ đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên tâm lý can thiệp nhằm tách cháu ra khỏi thế giới ảo của những trò chơi trên mạng. Khi vào đây, cháu tỏ ra chống đối, bất hợp tác. Trong một lần trực đêm, BS Trần Thị Hải Vân- Trưởng khoa Tâm thần trẻ em (TTTE) tình cờ biết được trường hợp này nên đề nghị đưa sang khoa mình phụ trách để thực hiện quy trình trị liệu tâm lý.

Ban đầu, em HS này tiếp tục tỏ thái độ bất hợp tác. Bằng tình cảm, sự kiên trì cùng phương pháp điều trị tâm lý khoa học, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và chuyên viên tâm lý đã tạo cho em cảm giác không bị tổn thương, giúp em “mở lòng” thổ lộ nguyên nhân mê game. Em cho biết, vì luôn bị cha mẹ lấy em trai ra so sánh nên đâm ra mặc cảm, tự ti, tìm đến thế giới của game để giải tỏa tâm lý.

Từ việc chinh phục được các game thủ, được giới chơi game khen ngợi, em cảm thấy mình được xem trọng rồi sa đà vào thế giới ảo này lúc nào không rõ. Khi phát hiện em bỏ học để chơi game, cha mẹ có hành động ứng xử cứng rắn khiến em tức giận, bộc phát có những hành vi hung dữ, chống trả… Sau hơn 1 tháng điều trị tại BV, HS này trở lại trường học…

Các quán internet là nơi trẻ thường tìm đến để chơi game và lướt mạng nhiều nhất (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: LÊ HÙNG

Trường hợp khác, một HS đang theo học tại một trường THCS Đà Nẵng có học lực giỏi do bức bối trước sự kỳ vọng và những mong muốn quá lớn từ cha mẹ, để giải tỏa tâm lý ức chế, em tìm đến game rồi mê lúc nào chẳng rõ.

Khi bị cha mẹ nhắc nhở, cấm đoán không cho chơi game trong lúc đang “say” với các trận đấu, em đã có hành vi chống đối bằng cách đập phá máy tính. Thấy con đột nhiên hung dữ, cha mẹ sợ hãi nên đã thỏa hiệp, không dám “đụng” vào em. Thấy sự hung hăng có lợi cho bản thân, em tiếp tục lấn tới. Không biết làm cách nào để giúp con xa rời thế giới ảo, qua tìm hiểu, cha mẹ đã tìm đến nhờ Khoa TTTE BVTT Đà Nẵng can thiệp.

Theo BS Trần Thị Hải Vân, khi nói đến BVTT nhiều người thường hay e ngại, nghĩ đây chỉ là nơi chữa trị bệnh lý tâm thần, tự kỷ, tâm thần phân liệt… Vì thế, khi phát hiện con trẻ, người thân có những biểu hiện liên quan đến sức khỏe tâm thần thường e dè, không đưa đến đây, hoặc khi đưa đến thì không nói rõ nguyên nhân, còn giấu giếm thông tin liên quan đến sức khỏe tâm thần con trẻ.

Trong khi đó, những thay đổi tâm lý của con người chung quy đều liên quan đến sức khỏe tâm thần. Vì thế, cần hiểu đúng khái niệm về sức khỏe tâm thần rộng hơn đó là các thay đổi tâm lý con người, từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động của con người…

Qua BS Hải Vân, được biết, ngoài 2 trường hợp điển hình trên, thời gian qua, Khoa TTTE tiếp nhận không ít trường hợp trẻ được gia đình trong, ngoại tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, thậm chí Hà Nội đưa vào đây để điều trị nội trú. Đa số các em khi vào đây đều được chẩn đoán rối loạn hành vi khu trú trong môi trường gia đình (ra xã hội, các em vẫn bình thường) hoặc trầm cảm, lo âu do áp lực từ học hành, từ những mong muốn quá lớn của gia đình.

Các em tìm đến với game, mạng rồi lạm dụng nó như là “giải pháp” nhằm giải tỏa sự ức chế tâm lý. Năm 2017, trong số trẻ được Khoa TTTE chẩn đoán rối loạn về hành vi khu trú trong môi trường gia đình, có khoảng 5-6 ca có liên quan đến việc lạm dụng game, mạng. Riêng trường hợp phụ huynh tìm đến để xin được tham vấn về cách ứng xử cũng như phương pháp nhằm giúp con trẻ nâng cao kỹ năng vượt qua các cản trở trong cuộc sống, phát triển các năng lực tiềm ẩn, hướng tới những hành động tích cực… thì tương đối nhiều.

Cần hiểu đúng tâm lý con trẻ

Ngoài yếu tố tâm lý gia đình, tâm lý bản thân, theo BS Hải Vân, ảnh hưởng tác động từ môi trường xã hội hoặc ảnh hưởng từ bạn bè dẫn đến việc mê, lạm dụng game, mạng cũng không ít. Khi phát hiện con trẻ vì mê  game, mạng mà bỏ học hay có hành vi hung dữ do bị cấm đoán, phụ huynh cần bình tĩnh, ứng xử với con đúng phương pháp, không nên áp đặt, khắt khe theo hướng tiêu cực, độc đoán. Cha mẹ cần đặt mình vào con trẻ để hiểu tâm tư, tình cảm của chúng; lắng nghe, chia sẻ đồng thời tạo sự tự tin, ý thức tự giác, định hướng, giúp trẻ vượt qua những cản trở trong cuộc sống.

Theo đó, phải có phương pháp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng “kéo” trẻ ra khỏi những trò chơi ảo, hướng tới các hoạt động tích cực, phù hợp mà con trẻ yêu thích. Đồng thời, phụ huynh cũng cần thay đổi quan niệm chơi game không phải là xấu, quan trọng, cách chơi như thế nào cho đúng. Đối với việc sử dụng máy tính, vào mạng, ngay từ khi cho phép con sử dụng nó, cha mẹ cần có quy định rõ ràng, cụ thể về thời gian kèm theo yêu cầu, điều kiện, trách nhiệm của trẻ đối với gia đình và bản thân. Bên cạnh đó, cũng cần làm sao để trẻ hiểu và thông cảm nỗi lòng cha mẹ. Việc lắng nghe, sẻ chia để hai bên cùng hiểu, thông cảm và tôn trọng nhau là giải pháp cân bằng mối quan hệ.

Trong trường hợp đã thực hiện các  giải pháp nhưng không xoay chuyển tình thế, phụ huynh nên tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia y tế, tâm lý để họ có phương pháp trị liệu cụ thể, bởi mỗi người là một cá thể với những cá tính khác nhau. Trong quá trình thực hiện các liệu pháp điều trị rối loạn tâm lý, sức khỏe tâm thần ở trẻ, cha mẹ phải hợp tác đắc lực cùng với bệnh viện. Bởi quy trình trị liệu ở bệnh viện dù tốt đến bao nhiêu, nhưng nếu khi về nhà, gia đình không áp dụng đúng theo quy trình trị liệu này thì cũng bằng không.

Cử nhân tâm lý Đàm Thị Quế Anh đơn cử, một HS khi vào khoa được các y, bác sĩ, chuyên gia tâm lý giúp đỡ, rèn luyện các kỹ năng sống, giải quyết vấn đề đã tiến bộ, rời xa các trò chơi trên mạng. Tuy nhiên, do cha mẹ chủ quan, không thực hiện đúng theo phương pháp, quy trình trị liệu của khoa, một thời gian sau đó, em đã quay lại với game và có hành vi chống đối cha mẹ. Đây chính là khó khăn cho khoa cũng như bệnh viện khi gia đình thiếu hợp tác.

Thời đại công nghệ số cùng sự phát triển vượt bậc của xã hội, trẻ em ngày nay có nhiều điều kiện tiếp xúc với các trò chơi trên mạng, nếu thiếu sự quan tâm hoặc quan tâm, giáo dục, định hướng không đúng phương pháp sẽ dễ sa vào mê trận của thế giới ảo. Giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là làm tốt công tác phòng ngừa.

Nguồn thieunien.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *