Lễ trao quà tặng của Thủ tướng Chính phủ cho 20 huyện nghèo qua đấu giá quả bóng và áo đấu của đội tuyển U23 Việt Nam

Sáng nay 11/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự buổi Lễ trao kinh phí đấu giá quả bóng và áo đấu của đội tuyển U23 Việt Nam cho đại diện 20 huyện nghèo thuộc 10 tỉnh-sự kiện do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Số tiền đấu giá hiện vật 20 tỷ đồng từ Tập đoàn FLC sẽ được chuyển tới 20 huyện tại ba miền Bắc, Trung, Nam, mỗi huyện 1 tỷ đồng. 500 ngôi nhà sẽ được xây tặng những gia đình có công với cách mạng, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Cùng dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC- đơn vị thắng cuộc đấu giá bóng và áo đấu của đội tuyển U23 Việt Nam tặng Thủ tướng Chính phủ sau khi đội tuyển giành ngôi Á quân Giải vô địch U23 Châu Á tại Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào tháng 1/2018, HLV trưởng đội tuyển U23 Việt Nam Park Hang Seo và các cầu thủ.

Quả bóng và chiếc áo có đầy đủ chữ ký được đấu giá là món quà đặc biệt mà đội tuyển U23 Việt Nam dành tặng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi trở về từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao quả bóng và áo đấu cho ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC

Trước đó, Thủ tướng đã quyết định giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức đấu giá rộng rãi món quà này, từ 15h ngày 6/2 và kết thúc vào 24h ngày 11/2/2018.

Toàn bộ kinh phí thu được từ chương trình đấu giá được dành tặng các gia đình có công với cách mạng và các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Ban tổ chức cho biết tuy thời gian đấu giá ngắn, nhưng đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội, có em nhỏ ở Plei-ku muốn tham gia bằng tiền tiết kiệm ăn sáng, có cán bộ nghỉ hưu ở Đồng Nai muốn đổi bằng một lô đất, có bác nông dân ở Kon Tum muốn đổi bằng một hecta cao su…

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trao kinh phí đấu giá 20 tỷ đồng cho Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.  

Cùng hưởng ứng ý nghĩa nhân văn của chương trình, Tập đoàn FLC đã đưa ra mức trả giá 20 tỷ đồng cho hai hiện vật này. Theo kết quả đấu giá được công bố sáng 12/2, đây cũng là mức giá cao nhất sau 4 ngày diễn ra chương trình, và FLC đã chính thức đấu giá thành công.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự phối hợp của 4 đơn vị: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức chương trình có ý nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ chia sẻ sự trân trọng trước hình ảnh những em bé dành tiền ăn sáng, những người nông dân dành từng thửa đất để có thể tham gia đấu giá một cách công khai, minh bạch.

Thủ tướng Chính phủ trao kinh phí đấu giá cho đại diện lãnh đạo 20 huyện nghèo trên cả nước. 

“Cuối cùng, Tập đoàn FLC với số tiền đấu giá tốt nhất là 20 tỷ đồng đã dành chiến thắng. Đây là một nghĩa cử cao đẹp khi cả nước chung tay vì người nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau. Một tinh thần như thế đã được quán triệt trong toàn xã hội, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, những cơ quan đơn vị có thu nhập” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo 20 huyện nghèo được tặng kinh phí thu được qua đấu giá, sử dụng để xây dựng 500 căn nhà (mỗi căn 40 triệu đồng) tặng người có công, người nghèo còn khó khăn, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, thể hiện rõ được mục đích nhân văn, tốt đẹp của cuộc đấu giá này. Đồng thời đề nghị các huyện thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực để có những ngôi nhà tốt hơn cho người nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động, đưa danh sách 20 huyện nghèo nhất thuộc 12 tỉnh trong cả nước để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có khó khăn về nhà ở từ việc bán đấu giá áo thi đấu và trái bóng của Đội tuyển U23 Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục vận động trong toàn xã hội góp sức để thực hiện tốt chính sách cho các đối tượng xã hội đặc biệt là người có công với cách mạng và người nghèo.

Qua đây, Thủ tướng chúc nền bóng đá Việt Nam sẽ có những bước tiến quyết liệt hơn, vững vàng hơn, chống tiêu cực tham nhũng trong bóng đá, để xứng đáng với niềm tin yêu của người dân cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng FLC đã đấu giá thành công.

Đại diện cho đơn vị đấu giá thành công món quà lưu niệm, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khẳng định giá trị tinh thần của món quà đã được nhân lên nhiều lần với nghĩa cử giàu tính nhân văn này của Thủ tướng.

“Đây là điều mà cá nhân tôi cũng như hàng nghìn cán bộ nhân viên FLC đều cảm phục và trân trọng. FLC là doanh nghiệp thường xuyên thực hiện các hoạt động vì cộng đồng từ trước đến nay. Bởi vậy, hưởng ứng lời phát động của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã quyết định tham gia đấu giá, và may mắn là đơn vị đưa ra mức giá cao nhất”, ông Trịnh Văn Quyết nói.

Qua đây, ông cho biết FLC không chỉ mong muốn được góp một phần nhỏ bé vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, mà còn mong muốn xã hội sẽ ngày càng lan toả nguồn năng lượng tích cực từ những hoạt động đầy ý nghĩa như chương trình đấu giá này.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, số tiền 20 tỷ đồng kể trên sẽ được chuyển tới 20 huyện tại ba miền Bắc, Trung, Nam, mỗi huyện 1 tỷ đồng. 500 ngôi nhà sẽ được xây tặng những gia đình có công với cách mạng, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Đại diện một trong những huyện nhận kinh phí từ hoạt động, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát chia sẻ cuộc đấu giá đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với đời sống của người dân, đặc biệt là những người có công, người có hoàn cảnh khó khăn. Sự hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần này sẽ là sự khích lệ ý nghĩa để các gia đình phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Thay mặt các huyện nhận kinh phí, ông Cao Văn Cường cam kết sẽ sử dụng nguồn tài trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, để nhân rộng ý nghĩa nhân văn của hoạt động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu 

Theo Quyết định số 238/QĐ-LĐTBXH ngày 09/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về việc phân bổ tiền thu được từ việc bán đấu giá áo thi đấu và trái bóng của Đội tuyển U23 Việt Nam tặng Thủ tướng Chính phủ Chính phủ làm quà tặng của Thủ tướng Chính phủ cho các huyện nghèo:

Đối tượng áp dụng:

+ Hộ gia đình người có công với cách mạng theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đang khó khăn về nhà ở và chưa được hỗ trợ về nhà theo quy định;

+ Hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020) hiện đang cư trú tại khu vực nông thôn hoặc đang cư trú tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc thuộc thị trấn trực thuộc huyện nhưng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp, có thời gian tách hộ tối thiểu 05 kể từ ngày 31/12/2017 trở về trước.

Xếp loại thứ tự ưu tiên tiền hỗ trợ:

+ Đối với hộ gia đình người có công với cách mạng thực hiện ưu tiên theo thứ tự: Hộ gia đình mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng; Hộ gia đình có người có công cao tuổi; Hộ gia đình có người có công là dân tộc thiểu số; Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Hộ gia đình sinh sống ở vùng thường xuyên xảy ra thiện tai.

+ Đối với gia đình thuộc hộ nghèo thực hiện ưu tiên theo thứ tự: Hộ gia đình có công với cách mạng; Hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật); Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; Hộ gia đình đang sinh sống ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; Hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Điều kiện hỗ trợ:

+ Chưa có nhà ở hoặc đã có nhà nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở;

+ Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác;

+ Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác thì phải thuộc các đối tượng: Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại.

Nguồn molisa.gov.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *