Lên “cổng trời” nuôi… con chữ

Dù khó khăn trăm bề, thiếu thốn tình cảm của gia đình, người thân, nhưng những giáo viên cắm bản nơi “cổng trời” ở vùng đất đại ngàn Tây Nguyên thì họ vẫn hằng ngày, hằng giờ cần mẫn với công việc gieo con chữ cho trẻ em vùng cao, đúng như sứ mệnh mà họ đã lựa chọn cho bản thân mình. Đối với họ, đẩy được nạn mù chữ cho những đứa trẻ khi cái bụng chúng còn chưa biết tới no nơi đây là điều hạnh phúc, là món quà vô giá nhất.


Giáo viên phải đi thuyền tự đóng qua suối. Ảnh: ĐH

Giáo viên phải đi thuyền tự đóng qua suối. Ảnh: ĐH

Hỏi ước mơ, chẳng ai dám nói

Vào những ngày cuối năm, dưới cái nắng như đổ lửa của vùng đất Tây Nguyên, chúng tôi vượt hàng trăm km trên những con đường đất đỏ từ TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) về Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk).

Nơi đây được người dân ưu ái gọi với cái tên là “cổng trời”, bởi lẽ để đến được đây người dân phải vượt qua những con dốc cao, gấp khúc và vô cùng ngoằn ngoèo. Ngày nắng thì bụi bay mù trời, mưa xuống thì đường trở nên trơn trượt như đổ mỡ. Theo các giáo viên, ngày nắng đã khổ, còn khi mưa xuống thì khó khăn gấp trăm bề. Có những hôm mưa, khi đến được lớp, quần áo nhiều em học sinh phủ đầy một lớp bùn đất do trượt ngã trên đường đi, sách vở nhòe nhoẹt, ướt sũng. Còn có những em do đường quá khó đi, lại nguy hiểm nên đành nghỉ học ở nhà.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Trần Thị Duyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 5C, Trường Tiểu học Cư Pui 2 nghẹn ngào, lớp cô có tổng cộng là 29 học sinh thì có tới 20 em gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Theo cô Duyên, để đến được điểm trường, nhiều em phải cuốc bộ nhiều giờ đồng hồ, vượt qua những con dốc thẳng đứng, những đoạn đường gồ ghề mới có thể tiếp cận được con chữ.


Do thiếu nước sạch nên học sinh phải uống nước giếng. ảnh : Đặng Huy

Do thiếu nước sạch nên học sinh phải uống nước giếng. ảnh : Đặng Huy

Do cuộc sống nghèo đói, cái ăn còn lo chưa đủ, bên cạnh đó quãng đường tới trường xa xôi, trắc trở khiến nhiều học sinh buộc phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Thương các em, nên nhà trường và giáo viên thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên các bậc phụ huynh cho con em đến trường. Tuy nhiên, nhiều em chỉ đến trường được ít hôm lại nghỉ.

Gương mặt ánh lên niềm hạnh phúc, em Thào Thị Mai Hiếu (HS lớp 2C) chia sẻ, gia đình em có 3 anh em, hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn. Hàng ngày do bố mẹ bận đi làm nên 3 anh em tự đưa nhau đến trường đi học. “Mặc dù đường đi khó khăn, vất vả nhưng em vẫn thích đến trường hơn vì được gặp thầy cô và bạn bè. Đặc biệt là biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích, thú vị”, em Hiếu thủ thỉ.

Hỏi về ước mơ sau này của mình, Hiếu không nói gì mà chỉ biết im lặng rồi cúi gằm mặt xuống bàn. Có lẽ em không dám ước mơ bởi em biết rằng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, việc biết được con chữ đối với em đã là điều gì đó vô cùng hạnh phúc rồi.

Không chỉ đường đi lại khó khăn mà vấn đề về nước sạch cũng là nỗi băn khoăn hiện nay của nhà trường và giáo viên nơi đây. Nhìn hình ảnh các em học sinh mỗi lần khát nước, bất chấp nguồn nước giếng đục ngầu vẫn uống, tu ừng ực mà chúng tôi không khỏi xót xa. Để bảo đảm sức khỏe cho các em, nhiều lúc các giáo viên nơi đây vẫn thường xuyên vào những nhà dân gần đó xin nước hoặc chở nước bình về. Tuy nhiên, nước vẫn không đủ phục vụ nhu cầu của các em học sinh.

Suýt mất con vì… trơn trượt


Nhiều học sinh đầu trần, chân đất đến trường

Nhiều học sinh đầu trần, chân đất đến trường

Trong số 7 điểm Trường của xã Cư Pui thì điểm Trường thôn Ea Rớt là xa xôi và khó khăn nhất. Được biết, năm học 2017-2018, điểm Trường Tiểu học Ea Rớt có 6 lớp, với 158 học sinh, đặc biệt 100% đều là người dân tộc thiểu số. Hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của trẻ em nơi đây, 6 giáo viên tại điểm trường này hàng ngày vẫn tận tụy đến trường gieo con chữ. Tuy nhiên, con đường gieo chữ của những người thầy, người cô nơi đây gặp vô vàn khó khăn và trở ngại.

Tâm sự cùng chúng tôi, cô Trần Thị Duyên cho hay, do nhà cô ở huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) cách điểm trường Ea Rớt hơn 120km nên cứ đầu tuần cô lại cặp sách và tư trang xuống trường. Đến cuối tuần, các lớp không học cô mới tranh thủ về thăm gia đình. Mặc dù nhớ nhà, thương con, nhưng khi nhìn thấy cảnh các em học sinh phải đội mưa, đội nắng đến trường, cô Duyên lại tự động viên, an ủi bản thân cố gắng để giúp các em có được con chữ.

Cũng theo cô Duyên, không chỉ khó khăn về đường đi mà lương thực và nước sạch cũng là vấn đề nan giải đối với giáo viên nơi đây. Do điểm trường ở xa trung tâm huyện nên mỗi khi từ nhà lên, các giáo viên phải đem theo lương thực và chở thêm nước bình. Đến khi dùng hết, các giáo viên mua tạm đồ khô sử dụng và đi xin nước ở các nhà dân lân cận để sinh hoạt.

Mặc dù nhà xa, nhưng do có con nhỏ nên cô Nguyễn Thị Trang (giáo viên lớp 2C, ngụ huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) hàng ngày phải dậy từ 4h sáng vượt qua 50km đường đất để đến điểm trường. Để đến được đấy, cô cùng cô Nguyễn Thị Liễu, giáo viên lớp 4C (ngụ xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) phải đi qua một con suối lớn. Tuy nhiên, do hai bờ cách nhau khá xa nên hàng ngày hai cô phải thuê một người dân nơi đây dùng bè tự đóng đưa qua. Vào mùa mưa, nước lớn và chảy xiết khiến việc qua sông của hai cô vô cùng nguy hiểm.

Không chỉ dừng lại ở đó, cô Trang cho hay, vào mùa mưa, do đường trơn trượt nên nhiều giáo viên không thể đi xe máy tới điểm trường mà phải gửi xe ở nhà dân rồi lội bùn hơn 5km. Nhớ lại mùa mưa năm ngoái, cô Trang nghẹn ngào, trong một lần đến trường, trời mưa, đường trơn trượt nên cô đã bị té ngã lăn từ trên dốc xuống. Lúc đó cô lại đang mang thai, nhưng may mắn cả hai mẹ con đều bình an vô sự.

Cô Nguyễn Thị Minh Mạnh, giáo viên khối lớp 1 điểm trường Ea Rớt tâm sự, việc khó khăn nhất của giáo viên nơi đây là giúp các em làm quen với tiếng phổ thông. Bởi các em đều là người dân tộc thiểu số, ít tiếp xúc với mọi người nên khả năng giao tiếp còn khá chậm. Không những thế, nhiều em học sinh không trải qua lớp mẫu giáo nên khi bước vào lớp 1, các em không hiểu được bài giảng. “Khi mới vào lớp 1, lúc được giáo viên hỏi tên tuổi thì các em chỉ lắc đầu hoặc phải nhờ một bạn biết nhiều tiếng phổ thông hơn phiên dịch lại. Bên cạnh đó, do lớp quá đông học sinh nên giáo viên không thể sát sao kèm cặp từng em được. Vì vậy, mỗi lần dạy kiến thức, giáo viên đều phải dùng hành động kèm theo, như vậy các em mới có thể tiếp thu được một phần nào đó”, cô Mạnh bộc bạch.

Thầy Vũ Đình Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 cho biết, điểm trường thôn Ea Rớt là điểm xa nhất trong 7 điểm trường trên toàn xã, cách trường chính 17km nên việc đi lại của giáo viên nơi đây vô cùng khó khăn. Ông Tùng nói: “Nhà trường cũng mong muốn các cơ quan, ban ngành xem xét để làm đường, làm cầu cho giáo viên và học sinh đến trường thuận tiện, an toàn hơn”.

“Ở điểm trường Ea Rớt có một số em không đi học mầm non nên khi vào lớp 1, khả năng tiếp thu của các em rất chậm. Trong thời gian tới, Phòng sẽ làm việc với Sở Nội vụ để xin thêm biên chế Mầm non, Tiểu học nhằm khắc phục sĩ số đông học sinh của các lớp. Còn về vấn đề nước sạch, theo dự toán thì vào năm 2018 sẽ đầu tư hệ thống nước sạch cho giáo viên và học sinh nơi đây”.

ông Lê Xuân Quý, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Bông.

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *