Từ  mỹ tục…

Ngày Tết, người lớn phải “lo” nhiều thứ nên rất mệt. Nhưng trẻ nhỏ thì vui… như Tết. Ba ngày Tết, chúng được ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi, thăm quê nội, ngoại. Nhiều gia đình khá giả còn tổ chức cho con em đón Tết bằng những “tua” du lịch trong và ngoài nước. Và mong đợi nhất, vui nhất là được nhận tiền lì xì của ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, người thân đến chúc Tết gia đình. Trẻ nhỏ quanh năm làm gì có tiền. Tết bỗng dưng rủng rỉnh tiền trong túi, vui ơi là vui.

Ngày Tết, khách đến chơi nhà, kèm theo những lời chúc mừng năm mới mong các cháu chăm ngoan, học giỏi, biết vâng lời ông bà cha mẹ, người lớn thường lì xì cho trẻ, trước hết thể hiện tình cảm quý mến trẻ trong dịp đầu năm mới, đồng thời cũng là một lời nhắc nhở, động viên con trẻ cần cù, siêng năng học tập rèn luyện trở thành con ngoan trò giỏi, sau nữa là  thể hiện phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt và nhiều nước trong khu vực.

Trên hết, đó là tinh thần toàn xã hội quan tâm, đùm bọc trẻ em, dành cho trẻ những điều tốt đẹp nhất, muốn các cháu lấy may, lấy hên ngay từ những ngày đầu năm mới. Tiền lì xì không cần nhiều, thường là lì xì cho các cháu những đồng tiền lẻ mới “cóng”, hoặc cũng có thể chuẩn bị sẵn tiền trong những chiếc phong bì đỏ xinh xắn để lì xì. Khi nhận đồng tiền được lì xì, các cháu đón nhận bằng một tâm trạng trân trọng, cảm động, hồi hộp, mừng vui.

Để đồng tiền lì xì năm mới của con trẻ có ý nghĩa, thực sự hữu ích, các bậc làm cha mẹ nên hướng dẫn con trẻ quản lý tiền bằng cách mua con lợn đất, cho tiền vào đó để giáo dục con trẻ bài học tiết kiệm sinh động. Chỉ lúc nào có nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập, áo quần… mới “mổ” lợn lấy tiền chi dùng, giúp cha mẹ đỡ một khoản kinh tế. Năm “Con Ngựa” (2013), tôi được biết, nhiều cháu khoe “thu nhập” bằng tiền lì xì được cả vài ba chục triệu. Nhiều cháu còn biết dùng tiền lì xì vào công tác từ thiện giàu tính nhân văn, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi đang gặp khó khăn do thiên tai, rét đậm, rét hại gây nên, đem đến cho họ chút hơi ấm của cái Tết đầy tình nghĩa.

… Đến “hủ tục”

Lì xì cho trẻ nhỏ ngày Tết là một mỹ tục, chuyển tải đạo lý truyền thống tốt đẹp. Nhưng khi được “mục sở thị” chỗ này, chỗ khác, phải nói còn quá nhiều bất cập, nét đẹp văn hóa đã bị người lớn lạm dụng, làm cho méo mó, biến tướng một mỹ tục thành… hủ tục. Họ mượn cớ lì xì cho trẻ để thực hiện mưu đồ nịnh nọt cấp trên, ban ơn cấp dưới, móc ngoặc, mánh mung, phe  phái, bè cánh…

Sếp càng lớn, con của sếp càng được lì xì nhiều, không phải chỉ tiền ngân hàng mệnh giá cao, mà còn cả ngoại tệ mạnh. Nhiều trẻ em con nhà giàu, con các vị có chức, có quyền đương nhiên được lì xì nhiều tiền. Chúng dùng đồng tiền kiếm được quá dễ dàng đó để phung phí, chơi bời, cờ bạc, chit chát, chơi game, đi “lắc” ở vũ trường thâu đêm suốt sáng, tác hại nhãn tiền là sau Tết chúng đến trường với bộ mặt phờ phạc, uể oải, học hành giảm sút.

Nhiều ông bố, bà mẹ còn “hướng dẫn” con cách “vòi” tiền lì xì của khách khi đến nhà chúc Tết. Họ cho con mặc bộ đồ thật đẹp, khách tới chúc Tết, các cháu chạy ra, áp sát người, vòng tay cung kính vái chào thật to: Chào ông, chào bà, chào bác, chào chú… rồi đứng chờ, khiến nhiều người bị “ngỡ ngàng”, lóng ngóng, trước tình thế cực chẳng đã, khách buộc phải lì xì. Có bậc phụ huynh đi chúc Tết, mang cả con đi theo.

Đến nhà ai, cháu bé tìm người lớn vòng tay, gục đầu liến thoắng thưa chúc bằng tiếng Ta, lẫn tiếng Tây, Tàu hổ lốn một điệp khúc nhai đi nhai lại như con vẹt nhằm moi bằng được  tiền lì xì. Chuyện mừng tuổi kiểu “làm phiền” người khác là chuyện nhỏ vì giá trị không lớn, nhưng cái lớn là rõ ràng nhiều bậc cha mẹ đã khuyến khích con trẻ làm vậy khiến chúng tưởng rằng đó là việc hay.

Họ lợi dụng con cái, làm hoen ố tâm hồn con trẻ và mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Mong các bậc làm cha mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận bản chất vấn đề để tự điều chỉnh. Đừng vì mối lợi nhỏ mà vô tình, cả cố tình nêu tấm gương phản cảm, góp phần làm hư hỏng chính con cái của mình.