Luật sư phân tích hành vi của thầy giáo bị tố dâm ô 9 học sinh tiểu học

“Thông thường những đối tượng phạm tội dâm ô với trẻ em thường là những đối tượng không bình thường về thể chất và tinh thần, có lối sống, suy nghĩ lệch lạc hoặc mắc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn tình dục…”, luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Liên quan đến vụ việc thầy giáo N.Đ.L (SN 1974, công tác tại trường tiểu học xã An Thượng A, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị nhóm phụ huynh học sinh tố cáo vì có hành vi dâm ô với nhiều nữ sinh lớp 3, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Hoài Đức cho biết, sau khi nhận được thông tin vụ việc, Công an huyện Hoài Đức đã lập tức về làm việc với phụ huynh, học sinh và giáo viên bị tố cáo.

“UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện khẩn trương tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Hiện công an đã bắt khẩn cấp đối với thầy giáo nói trên và đang trong quá trình điều tra” – bà Kim Anh nói.

Ngoài ra, phía cơ quan chức năng cũng đưa ra chỉ đạo cụ thể, quán triệt trong các phòng ban, các giáo viên quan tâm để các em tập trung học tập. Đồng thời, thống nhất bảo vệ danh tính của các em cũng như đảm bảo tương lai học tập của các em sau này.


Trường tiểu học An Thượng A, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: PV

Trường tiểu học An Thượng A, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về tính pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ: Điều 37 Hiến pháp 2013 qui định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Điều 6 Luật trẻ em 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm “Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em”.

Trẻ em là những đối tượng đặc biệt không những được pháp luật Việt Nam bảo vệ mà Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng đã ghi nhận bảo hộ.

“Theo lý luận, tội dâm ô được thể hiện ở hành vi khách quan: sờ mó, hôn hít  bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân.

Nếu có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân nhưng không giao cấu hoặc thực hiện hành vi đó được thì không phải là hành vi dâm ô mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ 13 đến dưới 16 tuổi hoặc tội giao cấu với người dưới 16 tuổi”, luật sư Thơm nói.


Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Theo luật sư Thơm, để có căn cứ xác định đối tượng có hành vi dâm ô, ngoài lời khai của các cháu bị xâm hại, cần thiết trưng cầu giám định giám định cơ chế hình thành các tổn thương bộ phận sinh dục, các mẫu vật AND, thu giữ các vật chứng như quần, áo… Đây là những chứng cứ vật chất để làm căn cứ chứng minh đối tượng thực hiện hành vi phạm tội dâm ô đối với các cháu bé.

Cùng bàn về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp chia sẻ: “Là một người cha cũng đang có con học tiểu học, bản thân tôi cũng cảm thấy bất an khi trong môi trường học đường lại có những kẻ biến thái như vậy”.

Theo đó, trẻ em là những người chưa trưởng thành, chưa thể nhận thức đầy đủ về xã hội và bản thân nên chưa thể tự bảo vệ được bản thân mình, là một trong những đối tượng yêu thế trong xã hội cần phải được pháp luật và các thiết chế xã hội bảo vệ.

Cùng với sự phát triển của xã hội thì trẻ em cũng cần được tạo mọi điều kiện để không ngừng phát triển toàn diện, góp phần phát triển con người, thực hiện quyền con người đã được Hiến pháp và các Điều ước quốc tế ghi nhận.


Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật của chúng ta có rất nhiều quy phạm pháp luật được đặt ra để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016 đã có hiệu lực pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và thực hiện các quyền trẻ em. Trong đó có quyền được sống trong môi trường an toàn, được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…

Pháp luật cũng có nhiều quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ em. Đồng thời cũng có nhiều quy định và chế tài để xử lý vi phạm đối với những đối tượng xâm hại quyền trẻ em.

Đối với những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì hành vi phạm tội với trẻ em sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhiều tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Với tội dâm ô với trẻ em thì mức hình phạt được áp dụng cao nhất có thể tới 20 năm tù.

Theo luật sư Cường, Tội dâm ô với trẻ em đã xuất hiện từ rất lâu trong Bộ luật Hình sự và nay vẫn đang được duy trì và áp dụng. Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy có rất nhiều đối tượng đã bị xử lý về tội danh này.

Thông thường những đối tượng phạm tội dâm ô với trẻ em thường là những đối tượng không bình thường về thể chất và tinh thần, có dấu hiệu bệnh lý về tâm thần hoặc những đối tượng có lối sống, suy nghĩ lệch lạc, đối tượng mắc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn tình dục…


Ngôi nhà khang trang của nghi phạm N.Đ.L. - nơi phụ huynh tố cáo thầy giáo từng dâm ô các học sinh nữ khi học thêm tại nhà.

Ngôi nhà khang trang của nghi phạm N.Đ.L. – nơi phụ huynh tố cáo thầy giáo từng dâm ô các học sinh nữ khi học thêm tại nhà.

“Khi gia đình hoặc các cơ quan, đoàn thể, tổ chức phát hiện ra người thân, thành viên của mình có những biểu hiện bất thường về lối sống và hành vi thì phải kịp thời theo dõi và có những biện pháp can thiệp, chữa trị kịp thời để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Những đối tượng hay thích sờ mó vào những bộ phận nhạy cảm, hay bế ẵm, sờ mó trẻ em, thích xem những bộ phim, hình ảnh đồi trụy hoặc có những lời nói hành vi lệch lạc, lệch chuẩn… thì cần phải được phát hiện kịp thời để can thiệp, chữa trị, điều chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho những người xung quanh” , vị chuyên gia chia sẻ các phòng tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục đối với con trẻ.

Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau:

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *