Mẹ, con và những câu chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ

Đêm hôm ấy, chuyến xe rời quê để ra Hà Nội lúc 11h đêm. Nhà xe, như thường lệ để sẵn ở mỗi đầu giường một cái bánh. Vừa lên xe, con gái tôi liền bóc cái bánh ăn ngay, ăn hết cái bánh của mình rồi vẫn kêu thèm, kêu đói…

Con tôi vốn lười ăn, vậy nên tôi như thường lệ thấy con đòi ăn là mừng. Nhưng mỗi giường chỉ có một chiếc bánh, tôi lại nghĩ con lên xe tầm giờ ấy sẽ ngủ nên sơ suất không mang theo bánh trái dọc đường. Tôi nhìn lại mấy chiếc giường ở sau không có người nằm và quyết định với lấy một chiếc bánh ở giường sau đưa cho con. Nhưng con không ăn, con cầm lấy chiếc bánh và dứt khoát đứng dậy trả về chỗ cũ. Thấy vậy, tôi liền hỏi:

– Con vừa bảo con đói và thèm mà sao lại không ăn?

– Vì đó là phần của người khác mẹ ạ. Phần của ai thì người ấy ăn chứ

– Nhưng giường đó không có người, con có thể ăn nó

– Không, mẹ ạ. Con đã ăn phần của con rồi. Nếu con ăn, người khác không có phần sẽ đói thì sao?

Câu hỏi của con dĩ nhiên khiến tôi thấy xấu hổ. Tôi vốn là vì thương con nên không nghĩ sâu xa. Bởi cái bánh dù không có chủ nhân, con hoàn toàn có thể ăn cho đỡ thèm nhưng con đã không làm vậy.

Tôi, nói thật trước mặt con chưa bao giờ nhận mình sai vì tôi nghĩ con hãy còn rất nhỏ, không biết bắt lý lẽ. Nhưng lần này tôi nghĩ nên nhận sai một cách thẳng thắn, ít nhất để con biết rằng con đã đúng:

– Ừ, con nói đúng, dù đói cũng không nên lấy phần của người khác. Mẹ sai rồi!

Một lần khác, trong lúc cần tiền mua một vài thứ lặt vặt, tôi thấy ví tiền của chồng đặt trên bàn liền mở ra định mượn một ít. Thế nhưng chiếc ví ngoài một số giấy tờ ra chẳng còn gì khác. Tôi đặt cái ví xuống và nói với chồng: “Cái ví của bố vô dụng rồi”. Lúc đó con gái tôi đang ngồi tô chữ liền ngước mặt lên bảo:

– Mẹ, mẹ không được nói bố vô dụng

– Mẹ không nói bố vô dụng, là mẹ bảo cái ví thôi

– Mẹ cũng không được bảo cái ví vô dụng. Không được nói ai vô dụng cả.

– Thế mẹ hỏi con, cái ví để làm gì?

– Để đựng tiền ạ

– Vậy mà trong ví không có tiền thì có phải vô dụng không?

– Không có tiền rồi bố nhận lương sẽ lại có đầy tiền. Mẹ mau xin lỗi cái ví đi.

– Ừ, mẹ xin lỗi cái ví.

Tôi thực ra vốn chỉ buột miệng mà nói câu nói đó, lúc nói thực chất không hề nghĩ ngợi gì nhiều, nhưng con gái tôi một lần nữa lại nhắc cho tôi nhớ rằng: Không có cái gì là vô dụng cả, chỉ là mình chưa dùng đến, hoặc thời điểm đó mình không cần đến. Cái gì sinh ra cũng có chức năng riêng của nó, mình không cần nhưng người khác cần. Có thể lúc này không cần nhưng lúc khác cần. Không có gì là vô dụng, không có gì là thứ đáng vứt đi.

Một người đàn bà ngoài ba mươi như tôi, lần đầu tiên làm một việc tưởng như rất buồn cười nhưng lại không hề cảm thấy buồn cười, ấy là xin lỗi một cái ví.

Đó là hai mẩu chuyện nhỏ, hai bài học con gái đã nhắc nhở tôi, nó giúp tôi nhận ra con trẻ bây giờ sâu sắc hơn người lớn chúng ta vẫn tưởng.

Con gái tôi tết nay mới tròn năm tuổi, ấy thế nhưng lúc nào cũng hành xử như một bà cụ non khó tính và nghiêm khắc. Nếu bố mở tủ lấy đồ mà quên đóng cửa, con sẽ đóng lại và nhắc nhở bố ngay. Nếu tôi ra khỏi phòng mà không tắt điện sẽ bị con phê bình. Lên giường rồi mà còn loay hoay tìm điện thoại con sẽ cáu “Đi ngủ rồi mẹ còn tìm điện thoại làm gì thế?”. Bố mẹ lỡ bóc bánh kẹo mà để vỏ trên bàn chưa vứt con sẽ hỏi “Đây là cái thùng rác của bố/ mẹ đấy à?”.

Thực ra đó là những điều tôi đã cố gắng dạy con. Rằng, ra khỏi phòng thì nhớ tắt điện để tiết kiệm, ăn gì phải để rác đúng nơi, đã lên giường đi ngủ thì không được xem điện thoại…

Dạy con nhưng nhiều khi tôi lại không để ý để làm đúng như những gì mình đã dạy. Dạy con xong tôi lại cho phép mình xuề xòa và cuối cùng lại bị chính con nhắc nhở. Chợt nhận ra một điều chưa bao giờ sai: Cha mẹ là tấm gương lớn nhất của con mình. Nếu cha mẹ nói được mà không làm được thì dạy con những điều hay lẽ phải cũng trở thành vô nghĩa.

Bạn bè tôi trong những cuộc gặp gỡ thường than vãn rằng trẻ con bây giờ nó khôn sớm quá, rằng dạy con là một công việc không hề đơn giản, thậm chí nhiều ông bố bà mẹ đuối lý khi tranh luận với con trẻ. Thực ra thì chúng ta, những người làm cha làm mẹ cũng không nên tạo áp lực quá nhiều cho bản thân trong việc dạy con.

Dạy con cũng chính là quá trình phụ huynh nhìn nhận lại bản thân và tự giáo dục, hoàn thiện chính mình. Cha mẹ không phải bao giờ cũng đúng nhưng nhiều người rất khó khăn trong việc nhận lỗi trước mặt con. Chúng ta sinh con rồi chúng ta mới trở thành mẹ thành cha, tức là tuổi làm cha làm mẹ của chúng ta cũng chỉ bằng số tuổi của con mà thôi. Biết nhận ra những sai lầm, những thiếu sót dù rất nhỏ cũng sẽ là kinh nghiệm, là bài học giúp chúng ta trở thành những ông bố bà mẹ tốt hơn.

Nguồn dantri.com.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *