Một số Hiệu trưởng muốn thay đổi phương án thi vào lớp 10 Hà Nội
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020. Theo đó, kỳ thi tuyển vào lớp 10 từ năm 2019 sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể, thí sinh thi tuyển vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài gồm 2 bài độc lập Toán, Ngữ văn và một bài thi tổ hợp.
Tổ hợp một gồm: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân hoặc Tổ hợp 2 gồm: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.
Sau khi công bố phương án thi mới này, nhiều giáo viên, lãnh đạo trường học bày tỏ sự lo ngại.
Phương án thi mới chỉ tồn tại được 4 năm
Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường THCS – THPT Marie Curie (Hà Nội), nêu quan điểm không cần thiết phải thi nhiều môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, phương án có thêm bài thi tổ hợp khiến thí sinh phải thi tổng cộng 6 môn.
Tuy nhiên, đến tháng 3 hàng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội mới công bố bài thi tổ hợp chính thức để thí sinh dự thi vào lớp 10. Như vậy, thí sinh phải luôn ở trong tình trạng học tập, ôn luyện cả 9 môn để chuẩn bị cho kỳ thi này.
Theo giải thích của sở GD&ĐT, việc có thêm bài thi tổ hợp là giúp học sinh học tập toàn diện hơn nhưng thực tế sẽ phải học tập, ôn luyện rất căng thẳng. Mặt khác, thời gian để thực hiện phương án thi này chỉ có thể là 4 năm vì đến năm 2021, các trường sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể bằng sách giáo khoa mới.
Theo đó, cấp THCS sẽ không còn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, thay vào đó là môn Khoa học tự nhiên. Các môn Lịch sử, Địa lý sẽ không còn riêng biệt như hiện nay.
Theo thầy Khang, phương án thi vào lớp 10 cho năm 2019 còn hơn một năm nữa mới thực hiện nên Sở GD&ĐT Hà Nội có thể thay đổi để giảm căng thẳng học tập đối với học sinh.
Hơn nữa, đề thi bao gồm cả phần trắc nghiệm và tự luận nên ra theo kiểu chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh, có sự phân loại học sinh nhưng không nên quá phức tạp, bao hàm nhiều kiến thức.
Chỉ nên thi bài tổ hợp với những trường tốp đầu
Đồng ý với quan điểm trên, thầy Đặng Đình Đại, hiệu trưởng trường THPT Wellspring, bày tỏ từ lâu nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã khiến nhiều gia đình tất bật vì cánh cửa vào trường công lập thu hẹp, học sinh phải cạnh tranh mới có thể đỗ.
Để có được một suất vào trường công, đặc biệt là những trường có “thương hiệu”, nhiều phụ huynh vất vả tìm thầy cô giáo giỏi ôn luyện cho con từ năm lớp 6 nên nhiều người thường ví thi tuyển vào lớp 10 còn khó hơn thi đại học.
Đến nay, Sở GD&ĐT Hà Nội lại công bố kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có thêm bài thi tổ hợp thì chắc chắn áp lực học thêm, dạy thêm để đối phó thi cử sẽ nhân lên nhiều lần. Thế nhưng, phương án thi bắt đầu thực hiện từ năm học 2019-2020, tức là còn hơn một năm nữa mới thực hiện, thì vẫn có thể thay đổi được.
Theo thầy Đặng Đình Đại, việc có thêm bài thi tổ hợp nên dành cho thí sinh thi vào những trường lấy từ 50 điểm trở lên mà từ trước đến nay được đánh giá có uy tín về chất lượng đào tạo, những trường tốp đầu của Hà Nội. Việc thi tuyển vào 10 vẫn nên thực hiện theo phương thức như mọi năm là thi 2 môn: Toán và Ngữ văn cộng với kết quả học tập 4 năm cấp THCS.
Nếu sở GD&ĐT không thể thay đổi được phương án thi vào lớp 10 cho năm học 2019-2020 thì nên xem xét đến cấu trúc đề thi sao cho chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh, tránh gây căng thẳng, mệt mỏi cho học sinh khi phải học hành, ôn luyện quá nhiều.
Đề thi không nên đánh đố để giảm tải học thêm, dạy thêm
Bên cạnh những ý kiến không đồng ý có thêm bài thi tổ hợp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng có lãnh đạo trường học đồng ý với phương án thi mới của ngành Giáo dục Hà Nội.
Cô Nguyễn Thị Diệu Thanh, hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn, xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bày tỏ nếu việc thi tuyển vào lớp 10 chỉ thi 2 môn Toán, Ngữ văn cộng với điểm xét tuyển kết quả học tập cấp THCS thì có thể chưa thực sự khách quan.
Chúng ta thấy ở nhiều trường vẫn còn tình trạng giáo viên “thương” học trò bằng cách chấm điểm hoặc cho gỡ điểm để học sinh có điểm tổng kết các môn học cao. Phụ huynh thấy con có kết quả học tập thấp có thể bằng nhiều cách “lo lót” cho con có bảng điểm đẹp.
Cũng vì những tiêu cực trên cũng như tránh hiện tượng “học lệch, học tủ”, ngành giáo dục Hà Nội đã lên phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 có thêm bài thi tổ hợp. Đặc biệt, cả hai tổ hợp đều có môn thi Ngoại ngữ. Hình thức thi này là hợp lý và góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
Tuy nhiên, để giảm tải việc học thêm, dạy thêm và mệt mỏi cho học sinh, đề bài thi tổ hợp nên gồm những kiến thức ở lớp 9 ở mức độ vừa phải, kiểm tra được kiến thức cơ bản, không quá đánh đố học sinh.
Nguồn thieunien.vn