Nét đẹp Tết cổ truyền đất Việt

Theo thống kê hiện chỉ có khoảng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tổ chức Tết cổ truyền dân tộc theo lịch Âm mà không theo dương lịch. Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn có những nền văn minh lân cận Á Đông như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Đài Loan, Bhutan… Dẫu coi là Tết cổ truyền và theo lịch Âm song mỗi quốc gia, dân tộc lại có một sắc thái Tết riêng độc đáo. Ngay cả ở Việt Nam, sắc thái tết cổ truyền của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc anh em lại có nét khác lạ, độc đáo riêng.


ảnh : INT

ảnh : INT

Tết cổ truyền cũng nhiều tên gọi

Tư liệu cổ cho thấy, Tết cổ truyền của dân tộc Việt bắt nguồn từ chính đời sống của cư dân làm lúa nước. Trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, người nông dân thường dựa vào các tiết trong năm để cày cấy, gieo trồng, gặt hái. Sau mỗi vụ thu hoạch, người nông dân đều có những ngày nhàn nhã. Từ thuở Hùng Vương, An Dương Vương dựng nước đã vậy, nay cũng vậy. Cư dân nông nghiệp đất Việt tổ chức hội hè, đình đám để tạ ơn trời đất, thánh thần, tổ tiên, ông bà và chúc mừng, cầu ước những điều tốt đẹp cho vụ mới. Thế là hội Tết ra đời. Nhiều thư tịch cổ và các chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, thực ra khái niệm “Tết” là do người dân đọc chệch từ chữ “tiết” (thời tiết, tiết khí, tiết trời…) mà ra. Lâu dần thành quen, người ta gọi đó là Tết và khái niệm này trở thành thống nhất ở khắp các vùng miền dẫu tên gọi có khác nhau.

Người Việt và các dân tộc có nhiều tên gọi khác nhau về Tết. Người Kinh gọi Tết nguyên đán. Người Tà Ôi, Katu gọi đó là Kumor. Người Bru, Vân Kiều gọi Boong-thơ-ku-than. Tất cả những từ này đều có ý nghĩa hàm súc là năm mới. Tuy vậy, lại có những dân tộc lấy công việc để đặt tên cho Tết. Cụ thể nhưng người Xê-Đăng thường gọi là “Tết rửa máng nước” (Klang Đắc – NV). Người K’Hor lại gọi là “Tết sửa gùi đón lúa” (Tết Li boong – NV)

Dẫu tên gọi có khác nhau song điều đáng nói là ngày Tết của các dân tộc trên đất nước ta thường diễn ra vào mùa xuân, khi tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa tỏa hương, khoe sắc. Lúc này, khắp làng xóm, phố phường tràn đầy sức sống, tưng bừng khí thế, háo hứng chào đón một năm mới với những dự định công việc mới.

Để đón Tết, người Việt ngay từ ngày 23 tháng Chạp đã có tục lệ “đưa ông Táo về Trời”. Lúc này các gia đình lo dọn dẹp ngôi nhà của mình: Quét mạng nhện mái nhà, quét vôi tường nhà, chỉnh trang lại vườn hoa cây cảnh, lau chùi đồ thờ, đánh bóng lư đồng… Người giàu thì sắm sửa đồ mới tế lễ, ăn chơi, những gia đình kinh tế khó khăn thì để trang trí nơi thờ, người ta dán lên đó bức tranh nhằm tạo ra bàn thờ tổ tiên cũng có đầy đủ các đồ thờ như gia đình khá giả. Người dân còn lo sửa sang đường làng, xóm ngõ, phát quang bụi rậm, tỉa hàng rào bằng cây xanh. Ở những nơi công cộng người ta còn quét vôi quanh các gốc cây cổ thụ, chăng khẩu hiệu, làm cổng chào để đón mừng năm mới. Hầu hết những người dân sống trong cộng đồng đều coi đây là việc chung và không ngại đóng góp sức mình.

Thờ cúng cũng tạo nét duyên riêng

Càng gần đến ngày Tết, công việc mua sắm càng trở nên tất bật. Cái mà các bà nội trợ quan tâm là mua sắm mâm ngũ quả, mua hoa chưng bàn thờ. Theo truyền thống, một trong những thức thờ cúng Tết không thể thiếu là mâm ngũ quả gồm: Nải chuối xanh ôm lấy trái bưởi vàng, trên đó cài xen quả hồng, trái quít đỏ, trái táo, trái quất… Những năm gần đây nhiều nhà còn bày thêm trái đu đủ, trái xoài, trái mãng cầu với ý nghĩa mong quanh năm đủ tiêu xài. Người ta cũng sáng tạo ra những câu nói vui tai dựa trên các loại trái cây đem thờ như “Cầu vừa đủ xài” (Mãng cầu, quả dừa, quả đu đủ, quả xoài).

Một nét duyên riêng nữa của Tết cổ truyền đất Việt là trang phục ngày Tết và cách giao tiếp của mọi người. Người ta đón Tết bằng những bộ trang phục đẹp nhất, trang trọng nhất. Ngày xưa, các bà, các chị với áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần láng đen, nón quai thao… Gia đình khá giả các chị còn đeo đồ trang sức như hoa tai, khuyên vàng. Các ông, các anh thì áo the, khăn xếp, giày Gia Định. Người phong lưu còn vận áo đoạn, áo gấm, đi ô Lục Soạn.

Ngày nay, đặc biệt sau ngày đất nước mở cửa, kinh tế phát triển thì trang phục của mọi người ngày Tết càng phong phú, đa dạng khó có thể diễn tả hết. Người ta còn đón Xuân bằng sự giao tiếp lịch sự nhất. Lời ăn, tiếng nói tục tằn, thô lỗ, những cử chỉ thiếu văn hóa thường nhật được thay thế bằng cử chỉ, lời nói lịch thiệp. Mọi người xóa bỏ hiềm khích, giận hờn để đến thăm hỏi, chúc tết nhau, với khuôn mặt rạng ngời và tấm lòng rộng mở. Con cháu mừng thọ ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ lại chúc con cháu thảo hiền, ngoan ngoãn, học giỏi và thành đạt.

Lời nói cũng… đẹp

Ngày Tết nguyên đán người Việt kiêng kỵ mọi điều xấu xa, xúi quẩy. Thậm chí đến cả ngôn từ, họ cũng tránh những từ xấu, từ “kỵ”. Thế nên, Tết cổ truyền vẫn là những ngày người ta sống trong cái đẹp, từ đẹp cảnh đến đẹp lời, từ đẹp nết đến đẹp người, từ đẹp ngoại cảnh đến đẹp tâm hồn. Chính những nét đẹp văn hóa đó sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn, trước hết là đạo lý làm người. Những nét đẹp nhân văn đó cần được giữ gìn và phát huy.

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *