Người phụ nữ miền Tây dạy trẻ học bơi miễn phí 15 năm qua
Bà Trần Thị Kim Thia dạy bơi cho 2.000 trẻ tại Đồng Tháp bằng hồ bơi “dã chiến”, để các em không còn là “những chú cá không biết bơi”.
Cứ vào mỗi dịp hè, bà Trần Thị Kim Thia, thường gọi bà Sáu, lại lặn lội đến từng ấp trong xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp để vận động trẻ đến lớp dạy bơi quen thuộc của bà.
Bà Sáu nói, miền Tây sông nước mênh mông, chằng chịt là điều kiện để trẻ em được tiếp xúc với nước từ sớm. Những tưởng trẻ em ở đây đều rành rẽ bơi lội như những chú cá, nhưng theo thông tin bà nghe trên đài, chỉ có 35% trẻ em ở khu vực này biết bơi đúng cách.
15 năm trước, tình cờ xem tivi và nghe đài thấy nhiều trường hợp trẻ con bị chết đuối, bà quyết định mở lớp dạy bơi với hồ “dã chiến” dựng từ tre, sào.
Không ngại khó nhọc dù đã ở tuổi 66, bà Thia tự tổ chức các lớp dạy bơi ngay trên sông cho trẻ con trong xóm.
Hồ bơi của bà là những chiếc cọc tre đóng chặt xuống đáy sông, được bao lưới cẩn thận xung quanh, chiều ngang độ 4m, dài 8m và cao 2m. Mỗi ngày, trước khi học sinh đến, bà phải ngâm mình dưới nước cả tiếng đồng hồ để dựng hồ bơi.
Vừa quệt nước trên mặt, vừa run cầm cập, bà Sáu nói với tôi: “Ngâm mình dưới nước lâu, tối về xương khớp đau nhức lắm nhưng rồi nghĩ đến tụi nhỏ thì mọi cơn đau đều tan biến, chỉ mong trời mau sáng để được ra sông dạy tụi nó biết bơi”.
Đối với bà, hạnh phúc đơn giản là được giúp các em tự tin vui chơi, không sợ nước, giúp các em trải nghiệm một tuổi thơ an toàn.
Lớp học bơi của bà Sáu diễn ra đều đặn hàng ngày trong ba tháng hè, mỗi lớp có 25-30 em.
Trước mỗi giờ học, bà Sáu cho các em xếp thành hàng trên bờ sông. Rất bài bản, bà cho các em khởi động, làm nóng cơ thể, sau khoảng 20 phút các em mới xuống hồ.
Bà tận tình chỉ cách lặn, ngụp, đạp chân, quạt tay cho từng em. Bà Sáu khẳng định em nào học nhanh thì chỉ cần 5 ngày là biết bơi, chậm thì 10 ngày.
Sau khi “tốt nghiệp” lớp học bơi của bà Sáu, các em đều vượt qua kỳ sát hạch của Trung tâm văn hóa thể thao huyện Tháp Mười và được cấp giấy chứng nhận.
15 năm qua, bà đã dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em vùng này. Bà không nhận bất kỳ đồng lương nào ngoài khoản trợ cấp tiền xăng của xã. “Mình làm vì cái tâm chứ đâu cần lương bổng”, bà nói.
Học trò tuy chỉ gắn bó với bà dăm bữa trên sông nhưng cũng bày tỏ tấm lòng với người huấn luyện viên nơi xóm nhỏ. “Có bữa tụi nhỏ đi câu được con cá, đợi tới cuối buổi học mới dám mang ra nói tụi con tặng bà Sáu mang về kho ăn cơm. Thấy thương tụi nó lắm!”
Sau mỗi giờ dạy bơi, “bà giáo già” lại tất tả trở về với cuộc mưu sinh như bán vé số, làm thuê… để lấy tiền đổi từng từng bữa ăn. Sống một mình nên bà đều tự tay làm mọi việc lớn nhỏ trong nhà.
Trong căn nhà đơn sơ, gia tài của bà là những tấm bằng khen. Sự đóng góp thầm lặng này đã đưa bà trở thành một trong ba người phụ nữ Việt Nam vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do BBC bình chọn năm 2017.
Nhưng với bà, tài sản lớn nhất là việc lũ trẻ biết bơi đàng hoàng, biết cách chống chọi với những con nước xiết mỗi khi lũ về và sẽ không còn cảnh tụi nhỏ vui chơi dưới nước nhưng lại không có kỹ năng bơi, chẳng khác nào “những chú cá không biết bơi” nữa.
Nguồn vnexpress.net
Bài viết liên quan
- Nâng cao năng lực cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em về bảo vệ trẻ em trong chuỗi cung ứng
- Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hải Phòng tổ chức Đại hội lần thứ III
- Chia sẻ “Sáng kiến trẻ em” tại diễn đàn trẻ em khu vực
- Tuyển tư vấn xây dựng Sổ tay hướng dẫn về quyền trẻ em và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em tại gia đình
- Chương trình “Thắp sáng những ước mơ - Trung thu trên đảo tiền tiêu” năm 2024