Nguy hại khi dạy con bằng nỗi sợ hãi (2): Con “hư” không đáng sợ bằng con “hỏng”

Vì muốn con dừng lại những hành vi mà bố mẹ không mong muốn như khóc nhè, chống đối, đòi mua đồ chơi… nhiều phụ huynh đã sử dụng cách dọa dẫm như, công an bắt, khủng long ăn thịt, “ông ba bị”, “ông ngáo ộp”… Theo các chuyên gia, đó là một cách gieo vào tâm hồn đứa trẻ một nỗi sợ hãi mơ hồ không có thật. Họ không biết rằng, khi dạy con trẻ bằng nỗi sợ hãi đó, để đạt được mục đích là “con ngoan” thì chính mình đã làm cho con “hỏng” về tâm hồn, về nhân cách.


Một đứa trẻ nhút nhát thường bắt nguồn từ những trải nghiệm không vui hoặc có tính chất gây chấn thương tâm lý trong quá khứ. Ảnh: Genius

Một đứa trẻ nhút nhát thường bắt nguồn từ những trải nghiệm không vui hoặc có tính chất gây chấn thương tâm lý trong quá khứ. Ảnh: Genius

Chỉ dám đứng sau người khác vì… một “ông ngáo ộp” thuở bé

Theo các chuyên gia, một đứa trẻ sợ hãi cũng giống như một cây non đứng trước gió bão, chúng sẽ trở nên yếu ớt, cong vẹo, thậm chí là gãy đổ về mặt nhân cách. Có những đứa trẻ vì lớn lên trong nỗi sợ hãi bởi “ông ba bị”, “ông ngáo ộp” mà cả cuộc đời về sau trở thành một con người nhút nhát, tự ti và hèn kém, lúc nào cũng chỉ dám đứng sau mọi người, không dám thể hiện con người thật của mình trong những tình huống cần thiết.

Vinh, một chuyên gia ngân hàng kể rằng, cô không bị dọa “ông ba bị” nhưng toàn bị mẹ lấy con thạch sùng bằng nhựa ra dọa là con khủng long. Mỗi khi mẹ muốn mình ngồi yên, bà thường nói: “Ngồi yên, không con khủng long nó ăn thịt bây giờ”; hay khi mình không chịu ăn, không chịu nuốt, bà lại dọa “Nuốt nhanh lên không thì con khủng long nó mang đi bây giờ”; hay “Không nghe lời mẹ thì con khủng long sẽ bắt nhốt vào vườn thú”…

Cũng không rõ có phải do tuổi thơ luôn bị ám ảnh bởi con khủng long hung dữ mà mẹ cô mượn để dọa mỗi khi cô “hư” hay không mà bây giờ Vinh thấy mình là một người quá nhút nhát. Cô không bao giờ dám đi đâu vào buổi tối một mình. Vinh cũng hay giật mình khi bất ngờ nghe tiếng động, hay đang chăm chú làm việc mà ai đó xuất hiện thì thế nào cũng làm cô hồn vía bay lên mây. Chính vì hay giật mình và sợ hãi mơ hồ như thế nên Vinh rất hậu đậu. Cô làm rơi đồ đạc, vỡ cốc chén, điện thoại thường xuyên. Muốn làm việc gì, muốn nói điều gì thì Vinh cũng đứng đằng sau ủn mông người khác làm hộ, nói hộ. Sự sợ hãi con khủng long biết ăn thịt từ thuở bé cho đến bây giờ vẫn còn in hằn trong tâm trí. Cô rất sợ các loại con côn trùng như thạch sùng, gián…

Chị Minh ở Hoàng Mai, Hà Nội cũng có cách dạy con như vậy. Mỗi lần con bướng bỉnh không chịu nghe lời, chị cũng thường nghĩ ra đủ trò để dọa con. Ví dụ, khi đứa con 3 tuổi chạy đến hàng rào, bụi cây hay khu đất vắng… chị thường dọa “Ma đấy, ma kìa… đi đi thôi!”. Cũng có khi chị dọa “công an bắt”, lúc thì dọa “bác sĩ tiêm”, cũng có lúc dọa “ông ngáo ộp”…

Chị Minh cho rằng, dọa con kiểu đó rất có lợi vì chúng dừng lại hành vi đó ngay. Ngay kể cả khi con chị khóc ăn vạ, nếu chị dọa bị công an bắt là nó lập tức nín ngay. “Không dọa thì còn lâu nó mới nín”, chị Minh nói.

Yêu con như thế bằng mười hại con

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn tâm lý tình cảm 1088 Hà Nội, thực tế thì cách dọa con như chị Minh không phải là hiếm. Ngay cả bản thân chúng ta cũng đã từng được ông bà, bố mẹ dạy theo cách đó. Ai trong chúng ta không có một thời sợ “ông ba bị”, sợ ma. Cách dọa dẫm tưởng chừng vô hại kia thực tế đã khiến cho mỗi người trong chúng ta luôn mang trong mình một nỗi sợ hãi mơ hồ, sợ những điều không có thật. Thực tế thì điều đó không hề tốt về mặt tâm lý. Nó ngăn cản sự dấn thân, sáng tạo, thậm chí còn làm cho chúng ta không sống được như một người bình thường, biết độc lập và tự bảo vệ mình.

Việc các ông bố, bà mẹ dọa dẫm con theo cách trên đều mang đến mục đích trước mắt là giúp đứa trẻ dừng lại hành vi mà bố mẹ không mong muốn như khóc nhè, chơi chỗ nguy hiểm, không chịu ăn… Khi sử dụng cách dạy con bằng nỗi sợ hãi này, bố mẹ sẽ đạt được mục đích là đứa trẻ sẽ dừng lại hành vi mà người lớn cho là “hư” nhưng họ không biết rằng, con hỏng về nhân cách, hỏng về tâm hồn mới là sự hư hỏng thực sự. Bởi muốn làm được một điều gì đó lớn lao trong cuộc đời không thể thiếu lòng dũng cảm, sự xông pha. Thế nhưng, cách mà bố mẹ gieo vào con trẻ nỗi sợ hãi sẽ khiến cho chúng mất đi tính tự chủ vốn là rất cần có ở bất cứ người nào. Cũng vì nỗi sợ hãi như vậy, chúng ta sẽ trở nên thụ động trong cuộc sống. Sẽ sống co mình, thu mình lại trong “vỏ ốc” để có được cảm giác an toàn như bản năng mách bảo.

Cũng theo cây viết trẻ Hàn Băng Vũ, lòng dũng cảm của mỗi người không tự nhiên mà có. Lòng dũng cảm cần được nuôi dưỡng từ khi ấu thơ. Trẻ phải được có quyền làm sai, có quyền thử để được học hỏi. Dùng nỗi sợ hãi để nuôi dạy trẻ chỉ khiến trẻ nhụt chí, không dám làm sai, không dám phát biểu chính kiến, không dám thể hiện chính mình cũng như đánh mất sự sáng tạo. Điều trẻ cần nhất chính là sự yêu thương để cảm thông và thấu hiểu, để trẻ được học hỏi chứ không phải là để trẻ sợ hãi.

Ngay khi còn bé, vì muốn đứa trẻ nghe lời hay cố nuốt thêm miếng cơm, người lớn dọa nạt bằng đủ thứ như ông ba bị, con ma, kẻ bắt cóc, chú công an, bác sĩ tiêm. Lợi ích ngắn hạn thì thấy rõ ngay lập tức nhưng cái hại lâu dài thì không phải ai cũng lường được. Những lời dọa nạt ngấm vào trong đầu đứa trẻ khiến nó trở nên nhút nhát, sợ hãi khi có bóng tối, không dám ở một mình, khi gặp nguy hiểm, đáng lẽ nên chạy về phía công an để được bảo vệ thì lại chạy đi, khi bị bệnh thì đáng lẽ sẽ yên tâm khi thấy bác sĩ, đằng này lại rơi vào cảm giác hoảng loạn khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn nhiều.

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *