Nguy hại khi dạy con trẻ bằng nỗi sợ hãi (1): Bố mẹ đánh cho chừa, con mắc tật nói dối
Mỗi khi con mắc lỗi dù to, dù nhỏ, nhiều ông bố bà mẹ đã lựa chọn cách giáo dục hết sức sai lầm là cho “ăn” roi vọt với niềm tin mãnh liệt là “đòn đau nhớ đời”.
Ảnh minh họa
Chuyện buồn về một người bạn có bố hà khắc
Nam, một nhân viên hàng không kể rằng, cậu ấy có một người bạn đã mất vì tai nạn. Nhóm bạn của Nam thương cậu ta vô cùng, không chỉ bởi tai nạn gây ra cho bạn mà là cuộc đời bạn chất chứa nhiều nỗi buồn. Bạn bè Nam ai cũng thương cậu bạn đó nhưng họ đều bất lực, không giúp được gì bạn. Theo như Nam kể thì mọi bi kịch của cuộc đời cậu bạn đó bắt nguồn từ việc giáo dục sai lầm trong gia đình.
Hải là tên cậu bạn mà Nam muốn nói đến. Hải tốt nghiệp Đại học Bách Khoa nhưng thời còn đi học lại có năng khiếu môn Văn. Hồi học cấp 2, Hải từng thi đỗ vào một trường chuyên của tỉnh, nơi Hải và Nam cùng sinh ra và lớn lên. Hải nhỏ con, rất nghịch nhưng có nhiều tài lẻ. “Tôi vẫn còn nhớ những buổi cậu ấy trốn gia đình để đi chơi với chúng tôi. Mỗi lần đi chơi về thể nào cũng bị bố cậu ấy đánh cho tơi bời. Nhưng vì cái tật ham vui nên cứ bị đánh trận này xong, chưa kịp lành vết lằn trên mông thì cậu ấy đã tiếp tục bị đánh trận khác. Mẹ Hải rất thương con, nhiều lần nhảy vào can ngăn cũng bị bố Hải đánh cho. Bố Hải là một cán bộ cấp trưởng phòng ở một cơ quan nhà nước ở tỉnh. Ông luôn nói với chúng tôi rằng, “không nghiêm với bọn nó thì có mà thành giặc hết à”. Ông luôn nghĩ mình đúng vì cho rằng, dạy con trai, nhất là những đứa quá nghịch như Hải thì cần phải nghiêm khắc. Phải “đánh cho chừa” những hành vi mà ông cho là sai như nói dối, bỏ học đi chơi, không làm bài tập… Bố Hải đúng là quá nghiêm khắc đến mức hà khắc. Hải rất sợ bố nhưng không vì thế mà chừa tội nói dối. Chỉ là càng ngày cậu ấy nói dối một cách tinh vi hơn mà thôi. Tuy nhiên với chúng tôi, Hải luôn là người bạn tốt. Hải coi bạn bè là lẽ sống, là niềm hạnh phúc thực sự. Còn với gia đình, Hải rất thương mẹ nhưng từ bé đến khi đã tốt nghiệp đại học, cậu ấy vẫn không coi gia đình là nơi chốn để trở về. Ngày nhỏ cậu ấy sợ bố. Nhưng khi lớn lên, đã tốt nghiệp đại học thì nỗi sợ đó không còn. Thay vào đó là sự ngại ngần, xa lánh. Hải rất ngại tiếp xúc hay trò chuyện với bố của mình”, Nam kể.
Theo lời Nam kể, ngày Hải tốt nghiệp đại học, với điều kiện gia đình của mình, bố Hải thừa sức để mua cho Hải chiếc xe máy tốt nhất để bạn ấy có phương tiện đi làm. Thế nhưng, ông không làm như vậy. Trong khi hầu hết bạn bè của Hải đều được bố mẹ tạo điều kiện để con cái ổn định cuộc sống nơi thành phố thì Hải vẫn phải đi chiếc xe máy cà tàng. Đó là chiếc xe máy 81, máy cánh đời cũ mà bố Hải đã từng đi trong nhiều năm liền. Thời gian đó, Hải có người yêu nên cũng rất muốn có chiếc xe sang để chở bạn gái. Thế nhưng, vì biết tính bố là không thể bàn bạc, không thể xin xỏ… nên Hải tức chí bấm chí theo một người bạn buôn bán mánh mung để kiếm tiền mua xe. Hậu quả là, vì muốn bằng chúng bạn, muốn có chiếc xe đẹp để đi cộng với sự nông nổi của tuổi trẻ đã tham gia vào một đường dây buôn lậu. “Và không may cho bạn ấy, trong một lần qua biên giới, cậu ấy gặp tai nạn và đã qua đời. Quãng đời của Hải là những dấu lặng buồn liên tiếp. Bạn bè chúng tôi mỗi khi có dịp tụ họp là lại nhắc về bạn ấy. Về việc bạn ấy đi buôn lậu, chúng tôi thương bạn ấy nhiều hơn là trách. Đúng là không có nỗi buồn nào bằng việc mình có đủ cha đủ mẹ, có gia đình đàng hoàng nhưng lại luôn trong tâm trạng sợ về nhà như Hải, bạn tôi”, Nam nói
“Đánh cho chừa” khiến trẻ chỉ sợ roi chứ không sợ phạm lỗi
Anh Kiên ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng có cách dạy con theo kiểu đe nẹt như bố của Hải. Chị Lan, vợ anh Kiên cho biết, khi con chị phạm điều gì đó, nếu chị không xử lý bằng việc đánh đòn chúng là thể nào cũng bị chồng mắng. Theo quan điểm của anh Kiên “Yêu phải cho roi cho vọt, nhất là con trai mà không dạy bảo đàng hoàng thì sau này chỉ có đi ăn cướp!”. Dạy bảo đàng hoàng theo cách nghĩ của anh Kiên là phải đánh đòn khi con cái phạm lỗi. Nếu bố đi vắng thì mẹ ở nhà phải làm thay điều đó.
Hồi con trai tôi 5 tuổi. Một lần nó ngồi chơi trò chơi điện tử trên chiếc máy tính để bàn. Tôi đang lúi húi nấu cơm thì thấy chồng tôi hằm hằm tức giận lôi con tôi xềnh xệch lên giường để đánh. Con tôi thì xin lỗi rối rít là “lần sau con không dám xem”, “lần sau con không dám xem”, “con chừa rồi lần sau con không dám xem”… Tôi không hiểu đầu cua tai nheo chuyện gì nhưng không dám can ngăn. Tôi vội vàng đi lấy chiếc roi nhỏ nhất mang cho chồng tôi “Roi đây anh ơi. Con hư làm sao vậy, để em nói chuyện với con được không?”. Chồng tôi mặt đỏ bừng bừng nói: “Mới tí tuổi đầu mà nó đã xem phim sex. Phải đánh cho nó chừa cái thói tọc mạch bậy bạ, chứ không lại bỏ nhà đi hoang sớm”.
Lần đó, may mà chồng tôi để tôi nói chuyện với con. Hóa ra theo lời con tôi kể là trong lúc con chơi trò chơi pikachu thì cái đó nó cứ nháy nháy liên tục. Thấy lạ nên con tôi mở ra xem như thế nào thì đúng lúc đó chồng tôi mở cửa bước vào. Nói thật là đứa bé 5 tuổi làm gì đã có nhu cầu sex. Chúng xem vì tò mò khi bị đập vào mắt chứ không phải do nhu cầu ham muốn. Ấy thế mà chồng tôi cứ làm loạn lên, làm cho con tôi sợ xanh mắt mà chẳng hiểu nó sai chỗ nào. Sau khi nghe tôi phân tích thì con tôi mới hiểu đó là những thứ có tác hại xấu đến não bộ nên nếu lần khác nhìn thấy thì con nên tắt đi, đừng xem.
Theo nhà văn trẻ Hàn Băng Vũ, hiện tượng bố mẹ dạy con theo cách của hai người bố trong những trường hợp trên không phải là cá biệt. Không phải chỉ một, hai gia đình chọn cách “đánh cho chừa” để dạy con mà có lẽ hầu hết mọi gia đình trong nền văn hóa của chúng ta đều dạy con cái bằng đòn roi với niềm tin mãnh liệt là “thương cho roi cho vọt”. Ai cũng chỉ biết rằng nếu nuông chiều một đứa trẻ có thể khiến nó “hư” mà không biết rằng nếu quá khắt khe cũng có thể khiến một đứa trẻ “hỏng”. Chúng ta thường lựa chọn cách giáo dục bằng nỗi sợ hãi để trẻ “đòn đau nhớ đời”. Nhiều người không đánh đòn thì cũng khiến trẻ hoảng sợ với các hình phạt, với sự chửi mắng hoặc khiến trẻ ngập trong cảm giác tội lỗi.
Nguồn giadinh.net.vn
Gần nhà tôi có một bé gái hay quên cách đọc, ba mẹ đứa bé đó cứ la, có khi là đánh. Tôi đã nói với ổng một lần rồi là đừng la nó, la nó nó sợ không nhớ được, có gì từ từ dạy. Nhưng nếu ông bố vẫn la và dọa nạt con mình thì sao?