Nhiều cái “lần đầu tiên có” với học sinh phổ thông
Theo dự kiến, trong tháng 1/2018, Bộ GD&ĐT sẽ công bố Dự thảo Chương trình môn học để lấy ý kiến toàn xã hội. Hiện tại, khái quát về các môn học mới đã được các Tổng chủ biên thông tin, giúp xã hội phần nào thấy được “hình hài” các môn học mới, nội dung môn học theo định hướng đã được đề ra.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều thay đổi so với hiện tại. Ảnh: TL
Các môn học nội dung “thực tế” hơn
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn cho biết, môn Ngữ văn sẽ chú trọng hình thành phương pháp đọc hiểu, cách tạo lập văn bản, thực hành, vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau, cách trình bày, nhằm phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ của người học. Môn Ngữ văn trong chương trình mới ở cấp THPT sẽ chỉ có 6 tác phẩm văn học bắt buộc: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn Độc lập. Các tác phẩm khác, học sinh sẽ học dưới dạng đọc thêm, bài tham khảo…
Đối với môn Toán, theo chương trình mới được phân chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc Toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tiếp đến là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của Toán học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến Toán để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này.
Tương tự, môn Vật lý tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản, phân hóa ở THPT, chú ý đến việc phát triển năng lực thông qua thực hành. Môn Sinh học vừa phản ánh các thuộc tính cơ bản của tổ chức sống trên cơ sở sinh học cấp độ vi mô (phân tử, tế bào) và cấp độ vĩ mô (hệ sinh thái, sinh quyển). Vừa giới thiệu các nguyên lý công nghệ ứng dụng sinh học, nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ của thế kỷ XXI – thế kỷ của công nghệ sinh học và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong khi đó, môn Giáo dục Công dân (ở tiểu học gọi là môn Đạo đức, ở THCS là môn Giáo dục công dân, ở THPT là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật) được cho là giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Lên cấp THPT, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng. Khác với chương trình hiện nay, môn Lịch sử và Địa lý ở tiểu học và THCS trong chương trình mới là môn học bắt buộc.
Tăng cường hình thức trải nghiệm
Điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông dù phân chia theo các cấp học, nhưng được chia thành các giai đoạn giáo dục để hướng trọng tâm nội dung môn học, định hướng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đặc biệt là hoạt động trải nghiệm thực tế, theo Ban soạn thảo Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động này được áp dụng từ lớp 1 cho tới lớp 12 và điều chỉnh linh hoạt hơn với 4 nội dung: Hoạt động phát triển cá nhân; hoạt động lao động; hoạt động xã hội, thiện nguyện; hoạt động hướng nghiệp.
Bốn nội dung hoạt động nói trên được thực hiện thông qua bốn loại hoạt động chủ yếu: Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ (8 tiết/tháng)… Trong từng môn học cũng có sự thay đổi lớn về cách dạy và học, có sự lồng ghép các hoạt động làm phong phú bài học. Ví dụ, các môn Lịch sử, Địa lý không còn kiểu học thuộc, học vẹt, thay vào đó là sự thay đổi mạnh mẽ vào việc chú trọng các bài học, ý nghĩa lịch sử. Về môn Toán, ở từng cấp học cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động trải nghiệm Toán học như thực hiện đề tài, dự án về ứng dụng toán học trong thực tiễn, tổ chức các trò chơi…
Đặc biệt, lần đầu tiên âm nhạc được dạy học ở trường THPT và lần đầu nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào dạy học. Một trong mục tiêu của môn Âm nhạc mà Bộ GD&ĐT đặt ra là học sinh biết vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm âm nhạc vào thực tiễn; ứng tác và biến tấu, đưa ra những ý tưởng hoặc sản phẩm âm nhạc hay, độc đáo. Hiểu và sử dụng âm nhạc trong các mối quan hệ với lịch sử, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác…
Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ công bố dự thảo các môn học trong tháng 1/2018. Theo đó, áp dụng một số thay đổi trong môn học các cấp để phù hợp với xu thế thời đại và giúp học sinh dễ tiếp thu hơn. Sau khi công bố dự thảo, Bộ đón nhận mọi sự phản biện, góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo dục, các thầy cô giáo, học sinh cũng như toàn xã hội để có một chương trình môn học thực sự hiệu quả đối với mục tiêu phát triển năng lực học sinh theo đúng chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tháng 1/2018, Ban phát triển các chương trình môn học đã xây dựng xong Dự thảo chương trình 19 môn học và hoạt động giáo dục ở các cấp (trừ môn Ngoại ngữ 1 đang được hoàn thiện theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020). Sắp tới, dự thảo các môn học này sẽ được đưa ra để xin ý kiến dư luận. Theo dự kiến, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được hoàn thành và triển khai tuần tự trong từng cấp học: Từ năm học 2019 – 2020 đối với lớp đầu cấp của tiểu học, từ năm học 2020 – 2021 đối với lớp đầu cấp của THCS và từ năm học 2021 – 2022 với lớp đầu cấp THPT.
Nguồn giadinh.net.vn