Nhiều mẹ Việt vẫn mắc phải 4 sai lầm tai hại khiến trẻ dễ ốm vào mùa lạnh
Thời tiết chuyển mùa thu đông tuy lạnh nhưng không nên mặc cho trẻ quá nhiều quần áo cũng không nên tắm bằng nướng quá nóng.
Thời tiết đang trở lạnh, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường là đối tượng dễ bị ảnh hưởng sức khỏe nhất. Vẫn biết các mẹ muốn bảo vệ con khỏi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này, nhưng có những điều bạn làm tưởng chừng giúp con không bị ốm lại gây phản tác dụng.
1. Giữ con ở trong nhà kín vì sợ thay đổi thời tiết
Mặc dù nhiệt độ lạnh có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ vì sức đề kháng của bé còn kém, nhưng việc giữ trẻ ở trong nhà kín chỉ khiến trẻ trở nên yếu ớt hơn.
Mẹ nên đưa con ra ngoài vào những thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, khoảng từ 9-10 giờ sáng và khoảng 15-17 giờ chiều vào mùa lạnh. Mẹ cần thực hiện việc tắm nắng cho trẻ vào mùa đông ở những khung thời gian trên trong khoảng 15-20 phút. Vào những ngày rét đậm và có mưa phùn thì mẹ hãy để bé trong nhà.
Khi ra ngoài, mẹ lưu ý mặc quần áo đủ ấm cho bé, đặc biệt chú ý giữ ấm phần đầu, tai, cổ và bàn chân. Bên cạnh đó, bạn cũng kiểm tra thường xuyên xem bé có bị ra mồ hôi không. Nếu thấy có mồ hôi, mẹ cần lau khô người cho con ngay để tránh bị ngấm lạnh.
2. Mặc quá nhiều hoặc quá ít quần áo
Nếu mặc quá nhiều quần áo có thể khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt hoặc nóng quá mức, dẫn đến ra mồ hôi. Trong trường hợp mặc không đủ ấm, trẻ có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cũng rất nguy hiểm.
Thân nhiệt của trẻ sơ sinh thấp hơn người lớn nhưng không đồng nghĩa với việc bé cần mặc càng nhiều quần áo càng tốt. Việc mặc quần áo quá nhiều sẽ khiến thân nhiệt trẻ tăng cao, gây sốt hoặc cảm lạnh, viêm phổi do ra mồ hôi.
Vào mùa đông, trẻ cũng không cần mặc quần áo quá dày hoặc quá nặng vì sẽ khiến trẻ thấy khó chịu, không thoải mái trong vận động. Nếu thấy con ra mồ hôi, điều này có nghĩa là trẻ đang bị nóng, bạn nên cởi bớt áo ra. Mẹ nên chọn những trang phục nhẹ, có thể thấm mồ hôi, giữ nhiệt tốt như áo len lông cừu, áo nỉ mỏng nhẹ… hạn chế mặc áo len, áo khoác bông quá nặng.
3. Tắm bằng nước quá nóng
Tắm bằng nước quá nóng không giúp trẻ sơ sinh ấm hơn mà còn làm ảnh hưởng đến làn da nhạy cảm của con. Da bé mỏng hơn nên sự cảm nhận nhiệt độ sẽ nhạy hơn người lớn. Nếu bạn cảm thấy nóng thì có thể sẽ là khá bỏng với bé.
Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33 – 36 độ C. Nên dùng cổ tay hoặc khuỷu tay để thử độ ấm của nước. Nếu không, hãy chuẩn bị một nhiệt kế để có thể pha nước tắm thích hợp cho trẻ.
4. Để bé tiếp xúc với môi trường thay đổi nhiệt độ đột ngột
Điều này xảy ra khi mẹ để con trong phòng kín có máy sưởi đang ở nhiệt độ cao hoặc đang trong ô tô bước ra ngoài đường. Khi trẻ đang ngồi trong phòng điều hòa, trước khi cho con ra ngoài, bố mẹ nên mặc thêm áo khoác và đi giầy vào cho bé. Vì nếu trường hợp không mặc đủ ấm mà đột ngột đi ra ngoài rất dễ bị sốc nhiệt dẫn đến đột quỵ.
Việc quá lạm dụng máy sưởi sẽ khiến không khí trong phòng khô và bí bách. Điều này sẽ làm bé bị khô da, khô mũi và họng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hô hấp của bé. Các mẹ nên sử dụng các kem dưỡng ẩm cho bé, kiểm tra nhiệt độ phòng thường xuyên, tốt nhất là khoảng 28 độ C và chỉ bật máy sưởi khi thật sự cần thiết.
Trên đây là một vài sai lầm mà hiện nay vẫn còn nhiều mẹ mắc phải khi chăm sóc con vào mùa đông, cần đặc biệt lưu ý để thay đổi.
Nguồn giadinh.net.vn