Nhiều phụ huynh mất bình tĩnh, bật khóc khi dự phiên tòa xử 3 bảo mẫu trường Mầm Xanh bạo hành trẻ
Dao, bình nước, thìa thức ăn là những vật mà 3 bảo mẫu trường Mầm Xanh thường xuyên sử dụng để dạy dỗ các bé vì không nghe lời. Nhiều trẻ đã bị sang chấn tâm lý khi liên tục bị bảo mẫu bạo hành trong nhiều ngày. Điều đáng nói, có bảo mẫu chỉ học đến lớp 5 vẫn được nhận vào giữ trẻ?
Ba bảo mẫu liên tục bật khóc: “Bị cáo sai rồi”
Ngày 25/7, kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ bạo hành tại trường mầm non Mầm Xanh (ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM), mức án cao nhất 3 năm tù giam về tội “Hành hạ người khác” đã được dành cho Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1974, ngụ tỉnh Lâm Đồng, chủ cơ sở Mầm Xanh). Riêng 2 bảo mẫu Nguyễn Thị Đào (SN 1994, ngụ Đồng Nai) nhận mức án 2 năm tù, Phạm Như Huỳnh (SN 1999) nhận mức án 1 năm 6 tháng tù nhưng được HĐXX cho hưởng án treo.
Trong suốt quá trình tham gia phiên tòa, cả 3 bị cáo đều không giữ được bình tĩnh khi liên tục òa khóc nức nở, tỏ vẻ hối hận với hành vi phạm tội của mình. Với tư cách là chủ cơ sở Mầm Xanh, bị cáo Linh dù biết cơ sở hoạt động không đúng quy định, khi nhận giữ từ 35-40 trẻ mà chỉ có một giáo viên, còn lại 3 bảo mẫu khác không đủ trình độ. Đặc biệt, bảo mẫu Phạm Như Huỳnh khi tham gia giữ trẻ tại cơ sở Mầm Xanh chỉ mới 17 tuổi, học đến lớp 5 vẫn được bị cáo Linh nhận vào làm.
Trả lời HĐXX, bị cáo Linh khóc và xin lỗi: “Bị cáo sai rồi” khi cho rằng cũng vì áp lực kinh tế, là lao động chính trong gia đình khi phải nuôi 2 con ăn học nên bị cáo Linh làm sai quy định. Bị cáo Linh cũng thừa nhận trong suốt quá trình giữ trẻ, thường xuyên có những hành động đánh đập, dọa nạt trẻ trái với đạo đức nghề nghiệp. “Bị cáo không nhớ đánh bao nhiêu trẻ, chỉ nhớ đánh nhiều lần, nhiều ngày khác nhau”, Linh thành khẩn tại tòa.
Trong khi đó, bị cáo Đào cho rằng khi tham gia giữ trẻ tại trường Mầm Xanh, vì nghe theo sự chỉ đạo của bị cáo Linh mới có hành động đánh trẻ. “Bà Linh yêu cầu nếu trẻ nào khóc, không chịu ăn thì phải đánh nên bị cáo làm theo. Sau khi thấy việc làm của mình trái lương tâm, bị cáo đã chủ động nghỉ việc khi làm ở chỗ bà Linh được hơn 1 tháng”, bị cáo Đào cho biết.
Riêng với bảo mẫu Phạm Như Huỳnh, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo nghỉ học từ lớp 5 để phụ giúp gia đình. Khi xin vào trường Mầm Xanh, bảo mẫu Huỳnh chỉ mới 17 tuổi.
Tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh cho biết khi vào trường đã chứng kiến cảnh các bảo mẫu bạo hành trẻ, lại nghe theo lời của chủ cơ sở là bị cáo Linh nên chỉ làm theo. Đồng thời, cả 3 bị cáo đều thừa nhận dùng những vật dụng như dao, can nhựa, ghế, muỗng… để đánh đập, bạo hành hàng chục trẻ trong nhiều ngày liên tục khiến các bé sợ hãi mỗi khi đến lớp.
“Giống như mình bỏ tiền ra để các cô đánh đập con mình vậy”
Trước hành vi dã man của 3 bảo mẫu, có mặt tại phiên tòa với tư cách là đại diện hợp pháp cho bé K.Q (bị bảo mẫu Linh dùng can nhựa đánh vào đầu), chị Tuyến cho biết rất bức xúc mỗi khi xem lại clip con mình bị bạo hành.
“Bà Linh nói bả bị áp lực, chúng tôi phải đi làm công nhân cực khổ để có tiền cho con đi học. Mà con mình đến trường lại bị bạo hành, có hôm bị bỏ đói. Giống như mình bỏ tiền ra để các cô đánh đập con mình vậy”, chị Tuyến nói.
Trong khi đó, chị Thúy là mẹ của bé Q.K cho biết theo như đoạn clip, bé Q.K là trẻ bị các bảo mẫu đánh đập nhiều lần, bé cũng gặp phải sang chấn tâm lý nặng nề khi phải mất nhiều tháng sau khi đưa đi bệnh viện, gặp bác sĩ tâm lý, bé mới bình thường trở lại. Đặc biệt, hiện nay bé Q.K chưa được đi học trở lại do thay đổi nơi cư trú nên chị Thúy mong các cơ quan chức năng cũng hỗ trợ để cho bé có điều kiện tiếp tục đến trường.
Một phụ huynh bức xúc khi cho rằng mức án 3 năm dành cho bị cáo Linh, 2 bị cáo còn lại hưởng án treo là quá nhẹ.
Về mặt dân sự, 13 phụ huynh của 13 cháu bị bạo hành ở Mầm Xanh cũng yêu cầu chủ cơ sở Linh bồi thường mỗi trường hợp 65 triệu đồng. Riêng trường hợp của bé Q.K thêm 1 triệu tiền thuốc men. Một số phụ huynh đại diện cho 7 cháu bé bị bạo hành khác cũng đưa ra những mức yêu cầu cơ sở Mầm Xanh bồi thường khác nhau.
Sau khi tiến hành nghị án, HĐXX đã tuyên phạt mức án 3 năm tù giam dành cho chủ cơ sở Mỹ Linh. Hai bảo mẫu khác là Nguyễn Thị Đào nhận 2 năm tù, Phạm Như Huỳnh là 1 năm 6 tháng tù nhưng được hưởng án treo. Bức xúc trước kết quả xét xử sơ thẩm, một số phụ huynh có con bị bạo hành đã òa khóc, gào thét trước sân TAND quận 12.
“Nghĩ sao đánh con người ta bầm tím người, đánh hàng chục bé như vậy mà nhận có 3 năm tù là sao. Trong khi đó, hai bảo mẫu kia lại được hưởng án treo, có chịu đi tù ngày nào đâu”, mẹ của 2 đứa trẻ bị bạo hành bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi sau phiên tòa, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM (luật sư bảo vệ quyền lợi cho 13 trẻ bị bạo hành) cho biết mức án cao nhất dành cho bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh là hoàn toàn xứng đáng với hành vi mà bị cáo gây ra. Riêng 2 bị cáo Đào, Huỳnh được hưởng án treo, đó là sự khoan hồng của pháp luật khi hiện tại, bị cáo Đào mới sinh em bé, lại sinh đôi. Bị cáo Đào cũng chủ động nghỉ việc sau hơn 1 tháng làm việc tại trường Mầm Xanh. Trong khi đó, bị cáo Huỳnh khi phạm tội chưa đủ 18 tuổi, học vấn mới lớp 5 nên HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ, cho hưởng án treo là hợp lý.
Tuy nhiên, luật sư Ngọc Nữ cũng bày tỏ mong muốn về phần dân sự bồi thường thiệt hại cho gia đình các bé cần phải được tiến hành sau khi bản án có hiệu lực để bù đắp tổn thất tinh thần cho các bé.
Nguồn afamily.vn