Như những nốt nhạc lặng thầm
Có nhiều người phụ nữ đã hi sinh, gắn bó với công việc thầm lặng, chăm lo cho những phận đời bất hạnh, những bệnh nhân để đem niềm vui, sức khỏe đến với họ.
Những công việc ấy như các nốt nhạc lặng thầm góp chung vào bản nhạc yêu thương cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
Cái duyên với trẻ mồ côi
Vừa vào phòng, đám trẻ xúm xít vây quanh “mẹ” Bính. Đứa ngồi vào lòng, đứa chồm lên ôm cổ ríu rít gọi “Mẹ Bính, mẹ Bính”. Những đứa trẻ mới chỉ 2, 3 tuổi nhưng đa số đều khuyết tật và chung một số phận “bị bỏ rơi” đã quen với “người mẹ” trẻ Nguyễn Thị Bính, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.
Khi các bé cười mình cũng thấy vui trong lòng, những lúc bé ốm đau thì mình cũng là người chăm sóc, lo lắng như con đẻ của mình vậy. Nhiều ngày lễ tết mình luôn ở bên các em, đưa các em đi chơi trong khi con mình ở nhà thiếu vắng hơi mẹ. Nhưng các em ở đây đã thiệt thòi nhiều rồi nên mình và mọi người muốn bù đắp phần nào.
Chị Nguyễn Thị Bính
Ra trường, Bính về Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp chỉ vì một lý do đơn giản: thương những em nhỏ bị bỏ rơi.
Mỗi tuần có 2-3 đêm trực ở cơ quan, con nhỏ ở nhà có khi phải ở với họ hàng vì ông xã Bính là bộ đội thường xuyên xa nhà, nhưng Bính vẫn cần mẫn với công việc ở trung tâm.
Cô gái trẻ bộc bạch: “Khi bước vào trung tâm, đến với những con trẻ ở đây, bản thân tôi chỉ biết đến các bé ở đây thôi. Mọi người thường hay hỏi tôi không biết lúc nào con Bính nó buồn vì lúc nào cũng thấy tôi cười vui với trẻ. Thực ra trong lòng có khi cũng ngổn ngang những lo toan cơm áo gạo tiền”.
Nhiều năm qua, đêm giao thừa và ngày mồng 1 tết Bính đều ở lại với mọi người trong trung tâm để tổ chức vui tết cho trẻ. Sáng sớm mồng 1 dẫn các bé đi đường hoa Nguyễn Huệ. “Nhìn các con mặc đồ đẹp vui cười trên đường hoa thấy lòng nhẹ tênh” – Bính nói.
Bính làm việc ở đây đã gần 10 năm. Bính nói mình có duyên với trẻ nơi đây. Nhiều khi trẻ ốm phải đi bệnh viện, Bính và mọi người trong tổ thay nhau vào viện chăm các em, quên luôn ngày nghỉ của mình.
Bính kể: “Những bé ở trung tâm này thương lắm, nhiều bé khi về trung tâm còn đỏ hỏn, bệnh tim, phải thở oxy. Nhìn con thoi thóp thấy ứa nước mắt. Có bé vượt qua nhưng có bé cũng không qua khỏi”.
“Cô Tấm” của bệnh nhân
Nhà chị điều dưỡng Lê Thị Tấm (31 tuổi) ở Bình Dương, mỗi ngày chị đều đặn chạy xe hơn 20km từ nhà đưa con đi học rồi đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) làm. Đây là nơi chị đã gắn bó gần chín năm qua, kinh qua nhiều khoa.
Cách đây ba năm, chồng chị Tấm ra đi do bị đột quỵ khi chị mới 28 tuổi, bệnh viện tạo điều kiện để chị về khoa niệu động học, không còn trực đêm để có thời gian lo cho con. Sáng nào đứa con 7 tuổi của chị cũng là người đến trường sớm nhất, gửi chú bảo vệ canh chừng giúp thì chị mới kịp đến bệnh viện làm việc.
Bác sĩ Huỳnh Đoàn Phương Mai (bác sĩ điều trị khoa niệu động học) cho biết công việc ở khoa rất đặc thù, bệnh tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng sự ức chế gây rối loạn tâm lý. Chính vì vậy, những điều dưỡng như chị Tấm cần sự kiên nhẫn, kỹ năng xoa dịu bệnh nhân nhiều hơn những khoa khác.
Mỗi buổi sáng, khoa tiếp nhận mấy chục ca đo áp lực đồ, niệu dòng đồ, tiểu không kiểm soát, không tiểu được. Mỗi ca mất 40-60 phút vừa đặt thiết bị vừa giải thích, hướng dẫn bệnh nhân cách tập luyện.
Công việc tất bật là vậy nhưng Tấm và những điều dưỡng nơi đây vẫn luôn nhỏ nhẹ, tận tình, hướng dẫn bệnh nhân từng bước phải làm gì, kiểm soát ra sao, cảm nhận cơ thể như thế nào. Cứ như thế, chị vừa đặt ống nhanh chóng vừa nhẹ nhàng an ủi bệnh nhân.
Hiểu người khác bằng tấm lòng
Cả chị Bính và chị Tấm được yêu quý đều vì tấm lòng hết mình với người khác. Để giúp các bé tại trung tâm hòa nhập tốt, Bính đã góp vào những sáng kiến như “Hỗ trợ kỹ năng cho trẻ tự lập trong ăn uống” và “Hỗ trợ kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ chậm nói”. Bính đã được nhận bằng khen của UBND TP.HCM và của Bộ LĐ-TB&XH.
Chị Hồ Thanh Loan, giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết: “Bính là người nhiệt tình, yêu nghề và sống có tình nghĩa, rất chịu khó học hỏi các anh chị đi trước và luôn có những sáng kiến trong công việc”.
Còn chị Tấm thì tâm sự: “Thường mình hết ca lúc 16g nhưng có những ca bệnh từ tỉnh lên rất cực, cộng thêm áp lực bệnh khó nói, có những ca điều trị nhiều nơi thất bại nên bao nhiêu bực dọc thì “xả” hết với bọn mình mà đặc thù bệnh phải điều trị từ từ, hiệu quả không thể đến ngay được.
Nên hiểu được tâm lý người bệnh rồi thì mình kiên nhẫn giải thích, một lần không hiểu thì vài lần bệnh nhân cũng hợp tác”.
Nguồn tuoitre.vn