Những lát cắt giáo dục cận kề ngày khai giảng

Trưa thứ Tư, trời mưa tầm tã. Thầy trò trường phổ thông liên cấp song ngữ Wellspring háo hức đón các vị khách từ New Zealand tới trao giải cho một cuộc thi biến đổi khí hậu. Cũng trong những ngày mưa lũ cuối tháng 8, các thầy cô trường Suối Quyền đang vội vã tỏa đi các bản để kéo học sinh đến trường.

năm học 2018-2019,khai giảng

Một tháng sau cơn lũ dữ, nhiều gia đình ở bản Vàng Ngần (Văn Chấn, Yên Bái) bắt đầu gượng dậy dựng lại những chái nhà tạm bợ. Bà Lai không biết rõ trận lũ kinh hoàng vừa qua thôn bản mình thiệt hại thế nào. Bà chỉ biết, nhiều nhà bị sâp trôi hoàn toàn. Cây cầu nối cũng bị vùi ngập dưới lớp đất đá.

Nhà của bà Lai may mắn không bị cơn lũ quét qua. Thế nhưng toàn bộ đồi quế -nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình –  đã bị cuốn bỏ. Bà Lai sợ không dám trồng lại nữa. “Quế non chưa chắc sống được trong thời tiết thế này”. Bà lo nợ nần lấy đâu để trả.

Thôn Vàng Ngần sau cơn lũ vẫn còn ngổn ngang. Điểm trường Tiểu học Vàng Ngần, nơi con bé Nhị cháu bà sắp theo học cũng đã bị xóa sổ hoàn toàn. Chính quyền xã vừa đến tận nhà vận động gia đình cho Nhị được đến lớp. Nhưng lớp học của Nhị giờ đã không còn nữa.

năm học 2018-2019,khai giảng

Nhị là đứa trẻ may mắn nhất khu nội trú vì có bà nội ở cạnh. Năm nay, bà Lai có 3 cháu nội và 2 cháu ngoại theo học tại đây.Ảnh: Thúy Nga

Sau 2 năm thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, toàn huyện Văn Chấn giảm 11 trường, 24 điểm lẻ, đưa 1.217 học sinh về điểm trường chính. Trong năm học 2018-2019 này, toàn huyện sẽ xóa 17 điểm lẻ.

Theo đúng lộ trình, phải đến năm học sau, chỗ học của Nhị mới nhập về điểm trường chính. Nhưng sau trận lũ, ngôi trường đã không còn. Nhị cùng 34 bạn khác được chuyển tới Trường TH&THCS Suối Quyền.

Vì thương cháu, bà Lai bất đắc dĩ đến trường xin làm cấp dưỡng, ban ngày nấu cơm, ban đêm trông trẻ ngủ.

Nhị có lẽ là đứa trẻ may mắn nhất khu nội trú vì có bà nội ở bên cạnh. Chỉ mấy hôm trước, thằng bé Triệu Tòn Liều khóc rưng rức cả đêm vì nhớ nhà. Hôm được bố dẫn đến trường, nó giữ khư khư cái túi quyết không cho bố về.

Thằng bé người Dao 6 tuổi tiếng Kinh còn chưa sõi. Liều cũng chưa hiểu lắm những gì thầy cô nói. Vì vậy, cô giáo Khuyên phải cưng nựng, dỗ dành mãi nó mới thôi khóc.

năm học 2018-2019,khai giảng

Triệu Tòn Liều đã biết tự múc bát mì trong nồi thầy cô giáo nấu cho, tự lấy phần cơm của mình và còn biết rửa thìa sau khi ăn. Ảnh: Thúy Nga

Ngôi trường trên đỉnh núi năm nay ngoài Liều và Nhị còn đón thêm hai chị em Giàng A Sơn và Giàng Thị Vân. Đây là hai đứa trẻ người Mông duy nhất được thầy Hương – hiệu trưởng nhà trường đón về. Cả hai chưa từng đi học mẫu giáo. Bố mẹ cũng không thiết tha lắm cho con đi học. Nhưng vì thầy giáo đến thuyết phục dăm lần bảy lượt, nên đành phải gật đầu đồng ý.

Ngày các thầy đón bọn trẻ đến trường làm quen môi trường mới, người bố cũng chỉ gửi nhờ hàng xóm đưa giúp con đến đầu khe suối. Các thầy lại lấy xe máy chở bọn trẻ từ khe suối đến điểm trường.

Mùa khai giảng này lẽ ra Giàng A Vân sẽ lên lớp 2. Nhưng con vẫn chưa thông thạo tiếng Việt. Thầy Hương phân vân không biết nên cho con bé lên lớp 2 hay ở lại lớp 1. “Người Mông không muốn con cái học lâu”, thầy trăn trở mãi.

Những đứa trẻ ngày đầu đến khu nội trú vẫn rụt rè khi thấy người lạ. Đến giờ, cả Liều, Vân và Sơn đã biết tự múc bát mì trong nồi thầy cô giáo nấu cho, tự lấy phần cơm của mình và rửa thìa sau bữa ăn. Chúng ăn ngon lành mà không cần đến người thúc ép như những đứa trẻ vùng xuôi.

Năm học 2018-2019 này, lần đầu tiên 35 đứa trẻ của thôn Vàng Ngần được đón khai giảng đúng nghĩa.

năm học 2018-2019,khai giảng

Trong khi ở Yên Bái, những đứa trẻ lên 6 đã phải tập quen dần với việc học xa nhà cả tuần thì tại Hà Nội, nhiều phụ huynh nháo nhác khi những đứa con lên lớp 1 phải đi học xa nhà vài cây số.

Năm nay, ở khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) có tới 628 trẻ có nhu cầu vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Cao Bá Quát. Con số này vượt xa chỉ tiêu và cơ sở vật chất mà nhà trường có thể đáp ứng. Sau khi tính toán đến việc đảm bảo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh về sĩ số, UBND huyện Gia Lâm quyết định luân chuyển hơn 200 em sang học tại một trường tiểu học mới.

năm học 2018-2019,khai giảng

Buổi đối thoại giữa phụ huynh và Trường Tiểu học Cao Bá Quát chiều 31/8. Sau buổi họp, các phụ huynh chia sẻ: “Đổi hay không đổi thực ra chẳng qua cũng chỉ là đổi tâm lý lo âu giữa các phụ huynh với nhau, từ nhóm phụ huynh này sang nhóm phụ huynh khác chứ không không phải tìm ra một phương án tốt nhất” .Ảnh: Thanh Hùng

Tuy nhiên, phụ huynh phản ứng gay gắt. “Chiều” theo nguyện vọng đó, huyện đã quyết định để trường mở hết công suất tối đa, chuyển tạm các phòng chức năng thành phòng học để “tải” cho đủ 350 em. Song số lượng đạt điều kiện lại lên đến 540 trẻ. Bởi vậy, sẽ phải có 3 lớp 1 bị sang học “tạm” tại Trường THCS Cao Bá Quát ngay cạnh.

Cho đến chiều ngày cuối cùng của tháng 8, phụ huynh và lãnh đạo trường, phòng giáo dục vẫn quây nhau trong buổi họp căng thẳng. Phụ huynh phản ứng với quyết định bất ngờ của hiệu trưởng đổi tên 3 lớp phục vụ cho việc “di dời”.

Trưởng phòng giáo dục phải “nói khó” với các phụ huynh: “Trên địa bàn huyện rất nhiều trường phải thực hiện phương án này”.

Cho đến cuối buổi họp, phụ huynh đề xuất phương án “di dời” học sinh lớp 5. Như thế, trường tiếp tục phải hỏi ý kiến phụ huynh khối lớp này. Câu chuyện đành gác lại đến sau khai giảng.

năm học 2018-2019,khai giảng

Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) – ngôi trường có số lượng trẻ lớp 1 nhiều nhất Thủ đô năm nay (1.249 học sinh, chia làm 23 lớp). Trường chỉ có 4 lớp 5 ra trường nhưng lại phải tiếp nhận đến 23 lớp 1. Áp lực về cơ sở vật chất khiến học sinh toàn trường phải nghỉ học luân phiên 2 ngày/tuần và học bù vào một ngày nghỉ cuối tuần. Phường Hoàng Liệt có 78 chung cư, trong đó có chung cư lên đến trên 1.000 hộ dân. Ảnh: Thúy Nga

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dân số gia tăng mạnh, cùng với điểm nhấn “tuổi Rồng Vàng” khiến quy mô học sinh lớp 1 toàn Hà Nội năm nay tăng thêm 30.000 em. Những lớp học 50-60, thậm chí xấp xỉ 70 học sinh; trường học phải cho nghỉ luân phiên trong tuần vì không đủ chỗ học … nhiều năm nay là chuyện không còn lạ lẫm ở Thủ đô. Nhưng trước đòi hỏi về điều kiện đảm bảo để nâng cao chất lượng giáo dục, nhu cầu về trường lớp của Hà Nội vẫn đặt ra cấp thiết.

Năm 2018, Hà Nội đã dành gần 19 nghìn tỷ cho giáo dục – chiếm 25,5% ngân sách. Trong đó, chi đầu tư chiếm 19%, chi thường xuyên chiếm khoảng 31%. Năm 2018, thành phố xây thêm 66 trường học mới, cải tạo 2.625 phòng học, tăng cường cải tạo nhà vệ sinh…

Dẫu vậy, ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, một trong những khó khăn của giáo dục thủ đô vẫn là thiếu trường học tại các khu vực nội đô. Vì thế tỷ lệ học sinh được học trường công lập ở Hà Nội thấp hơn so với tỷ lệ chung.

Ông Quý kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Xây dựng giúp cho Hà Nội nâng tầm khu vực nội đô, có cơ sở pháp lý để thành phố triển khai thực hiện.

năm học 2018-2019,khai giảng

Lễ khai giảng của trường Wellspring với chủ đề “Dream it possible” đã diễn ra 2 tuần trước với phần lễ tưng bừng như: hợp xướng, rước đuốc….sau đó là phần hội là những gian hàng của học sinh tự thiết kế và tự tổ chức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cách Trường tiểu học Đặng Xá về phía cầu Chương Dương, bên quận Long Biên, những lớp học sĩ số 20-24 học sinh với cơ ngơi khang trang, hiện đại của Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh.

Chỉ riêng khu lớp học, đã có 10.000m2 dành cho 100 lớp với các phòng học rộng rãi. Trường còn có sân bóng đá đạt chuẩn FIFA, bể bơi nước,  2 sân bóng rổ, một nhà thi đấu thể thao sàn gỗ, có mái che, nhà thi đấu trong nhà… Sau 8 năm “gia nhập” giáo dục Thủ đô,  đón bắt nhu cầu học tập của các gia đình “có điều kiện”, ngôi trường mang tên “nguồn mạch” này đã tăng quy mô lên gấp 8 lần, với hơn 1.600 học sinh.

Tại trường, ngoài những “bảng vinh danh” các gương mặt đoạt giải thưởng thể thao, STEM, trúng tuyển học bổng quốc tế,v.v…, có một bảng riêng giới thiệu tóm tắt các bài luận của những học sinh.Trong đó, chủ đề “Trẻ em lớn lên trong gia đình giàu có” được giới thiệu nhiều hơn cả.

Cho Yein, một học sinh người Hàn, năm 2 hệ IGCSE viết: “Thờ ơ với nỗ lực của người khác hoặc chật vật để đồng cảm với người khác có thể không chỉ là vấn đề của trẻ em khá giả…Những trẻ em khá giả chắc chắn có những lối suy nghĩ khác và thấu hiểu người khác theo một cách riêng (…) chứ không phải là chúng thiếu những tố chất đó”.

năm học 2018-2019,khai giảng

“Nếu có ai hỏi về điểm ấn tượng nhất của trường, học sinh của chúng tôi sẽ khoe nhà vệ sinh, chứ không khoe thành tích” – cô Cao Thị Kim Thoa, phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Đông Triều, Quảng Ninh) nói vui khi chúng tôi đến trường một vài ngày trước lễ khai giảng.

Nhà vệ sinh mà cô Thoa nói đến là công trình được xây lại trên nền nhà vệ sinh cũ từ năm 2017.

Điểm nhấn của công trình vệ sinh này là dàn chậu cây xanh được bố trí bên ngoài khu vực rửa tay. Không gian của khu vệ sinh khiến người ta liên tưởng đến những quán cà phê xinh xắn.

Nhưng có lẽ điểm gây ấn tượng hơn cả là mỗi khi có người bước chân vào phía cửa, đèn sẽ tự động bật và nhạc tự động nổi lên.

năm học 2018-2019,khai giảng

Nhà vệ sinh tự động bật đèn, phát nhạc được xây dựng từ nguồn xã hội hoá của Trường THPT Hoàng Quốc Việt (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thảo

Trước kia, khu vệ sinh này rất xuống cấp, nặng mùi, học sinh sợ không dám đi vào. Bây giờ thì khác, trong khi đi vệ sinh, các em tha hồ “selfie”, ngắm vuốt, nghe nhạc.

Hệ thống đã xây quá lâu, từ năm 1993 đến giờ. Chính vì thế, nhà trường đã mạnh dạn kêu gọi phụ huynh, doanh nghiệp, các cựu học sinh thành đạt cùng “chung tay”  – cô hiệu phó cho biết.

Khu nhà vệ sinh này được xây mới với kinh phí gần 400 triệu, trong đó phụ huynh đóng góp 300 triệu, còn lại là phần của doanh nghiệp và cựu học sinh.

Đông Triều không phải là địa phương có nhiều thuận lợi như Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái.  Trưởng phòng Giáo dục Nguyễn Bích Trà cho biết, để làm tốt công tác này, trước tiên phải làm đúng theo quy định và phải được sự đồng thuận của phụ huynh và người dân.

Hiện nay, toàn bộ 21 xã, phường trên địa bàn thị xã đều đã có bể bơi lắp ghép di động trị giá khoảng 350 triệu đồng mỗi bể. Đến nay, trên 80% học sinh biết bơi. Ngoài ra, huyện còn các chương trình “Điều hoà cho em”,“Sân cỏ nhân tạo cho em”.

năm học 2018-2019,khai giảng

Sân thể chất trị giá 380 triệu đồng của Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) được xây dựng từ nguồn xã hội hoá và sẽ được bàn giao trong lễ khai giảng năm nay. Ảnh: Nguyễn Thảo

Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Thái Tây chia sẻ: “Từ khi có sân thể chất, giờ ra chơi không đủ thời gian chơi đá bóng, các con cũng chạy vào đó nô đùa. Còn sau 16h30 trở đi được vào sân đá bóng thì hầu như ngày nào cũng kín sân”.

Nếu như Trường THPT Hoàng Quốc Việt xã hội hoá chủ yếu từ phụ huynh, thì với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương, Trường Tiểu học Lê Lợi chủ yếu xã hội hoá từ doanh nghiệp.

Với những trường vùng sâu vùng xa, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số như Đông Ngũ 2 hay Hà Lâu của huyện miền núi Tiên Yên thì xã hội hoá giáo dục là câu chuyện khó.

năm học 2018-2019,khai giảng

Thực trạng nhà vệ sinh trên cả nước năm 2018. Biểu đồ: Nguyễn Thảo

Cô Khanh, hiệu trưởng trường Đông Ngũ 2 – cho biết, có 2 thứ mà nhà trường vận động được phụ huynh, đó là kêu gọi phụ ủng hộ sức lao động khi sửa sang lại khuôn viên trường. Thứ hai là vài cân gạo đóng góp hàng tháng của trẻ ăn bán trú để số tiền 520 nghìn hỗ trợ của Nhà nước sẽ được giữ nguyên để mua thức ăn, mắm muối. Cô Khanh vẫn mong ước có nhà vệ sinh riêng cho giáo viên.

“Nhà vệ sinh trường học” đã lên tầm nghị sự, khi ít nhất trong 2 phiên họp thường kỳ của Chính phủ trong năm nay, Thủ tướng đã lưu ý trực tiếp vấn đề này. Báo cáo tổng kết và triển khai năm học của ngành giáo dục năm nay cũng dành tới hơn 10 trang cho nội dung “nhà vệ sinh trường học” –Hiện cả nước có 188.024 nhà vệ sinh trường học, trong đó 67,4% là kiên cố, 26,6% bán kiên cố. Nhà tạm chiếm 5,1% – tương đương 9.360 nhà vệ sinh.

năm học 2018-2019,khai giảng

“Chúng tôi chỉ được cái ruột còn cái vỏ hỏng hết rồi”, ông Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh nói với phóng viên vài ngày trước lễ khai giảng.

Nằm ở Phường Long Bình Tân, Thành phố Biên Hòa, ngôi trường có 20 năm tuổi đời này đang xuống cấp trầm trọng. Từng mảng tường nứt toác, hở hàm ếch. Gạch lát nền cũ kỹ đi dưới chân lạo sạo, do nền rỗng đất.

Trường Nguyễn Hữu Cảnh từ lâu muốn được cải tạo hạ tầng nhưng ngân sách mỗi năm chỉ hơn 1 tỷ đồng, dành cho chi thường xuyên. Sau bao nỗ lực “kêu ca”, trường cũng vừa được duyệt trong dự án những trường học tiến tiến của tỉnh Đồng Nai và sẽ được đầu tư 15 tỷ đồng.

năm học 2018-2019,khai giảng

Trung bình mỗi năm Trường THPT Nguyễn Hưu Cảnh nằm trong biển nước 3-4 lần. Năm nay đỡ hơn, đầu mùa mưa tới nay trường chỉ ngập hai lần, mỗi lần như vậy nước lên hơn cả mét. Ảnh: Lê Huyền

Điều ông tự hào nhất ở là tuy cái “vỏ bên ngoài xấu xí” nhưng “cái ruột bên trong” là đội ngũ giáo viên thì “rất tốt”.

Hiện nay ngành giáo dục đang đối diện với áp lực giảm biên chế, thừa thiếu giáo viên cục bộ. Tính đến tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS, thiếu 3.161 giáo viên THPT. Đây là số thiếu cục bộ, trong khi vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS, 4.200 giáo viên THPT. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, ngành giáo dục đặc biệt là cấp quận, huyện không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên giữa các cấp học trong cùng một địa phương.

Ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh từ 10 năm trước đã tự cân đối đội ngũ nên giờ cơ cấu giáo viên cân đối. 68 giáo viên, 1.075 học sinh vừa đủ chia thành 30 lớp, đảm bảo các giáo viên đều đứng lớp, không thừa không thiếu.

năm học 2018-2019,khai giảng

Số lượng giáo viên còn thiếu trên cả nước tính đến tháng 8/2018. Biểu đồ: Nguyễn Thảo

Là phường nằm ở trung tâm TP. Biên Hòa, ngay giữa khu đô thi trung tâm của tỉnh, khi được hỏi “Tại sao không huy động đóng góp?”, ông Vinh nói “Chúng tôi sợ lắm. Bây giờ đụng một cái là nói lạm thu. “Tư túi” thì không nói làm gì. Nhưng chẳng may làm việc chung mà có sơ suất, bị phản ánh lên cả nước”.

Trước ngày khai giản, thông tư về “chuẩn hiệu trưởng” bắt đầu có hiệu lực từ ngày 4/9; với kỳ vọng góp phần phát triển đội ngũ quản lý giáo dục, mà  quan trọng nhất là vai trò của hiệu trưởng.

Sự tự hào của thầy Vinh bây giờ là trường đang đi đầu về công nghệ thông tin, và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ Đồng Nai, các phòng học đều có tivi màn hình lớp từ 55 inch, máy tính kết nối internet, đặc biệt có cả 1 studio làm truyền hình nội bộ.

“Tại đây, những bài giảng của giáo viên đều được truyền hình trực tiếp tới các lớp. Tôi có thể nói chuyện trực tiếp với toàn thể học sinh của trường”.

năm học 2018-2019,khai giảng

Tại trường Wellspring, chủ đề khai giảng là “Dream it possible”. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong khi đó, câu chuyện mà tổng hiệu trưởng trường Wellspring Lê Tuệ Minh nói với các học sinh tại lễ khai giảng là điều gì làm nên sự khác biệt giữa thế hệ học sinh ngày nay với những robot trí tuệ nhân tạo trong tương lai với kiến thức tổng hợp và kỹ năng vượt trội?

Bà Minh nói: ‘Đó chỉ có thể là trí tuệ xúc cảm, sự say mê sáng tạo, tình yêu đối với con người và cuộc sống. Đó là những thứ mới khiến chúng ta khác biệt với thế giới của trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ như vũ bão ngoài kia”.

Còn tại trường học trên đỉnh núi Suối Quyền, studio nội bộ hay trí tuệ nhân tạo dường như là những khái niệm rất xa xôi.

Kỳ vọng của thầy hiệu trưởng Hương là hết năm học này, trường sẽ có được 15 em vào cấp 3, tăng 5 em so với năm trước.

Lo sợ học sinh nghỉ học giữa chừng, ngay sau khi tìm ra những nhân tố tiêu biểu, thầy Hương cùng với Phó chủ tịch UBND xã đã đến gặp riêng từng gia đình.

Có gia đình thầy phải thương lượng: “Con bé học lực tốt. Gia đình nên tạo điều kiện cho cháu đi học hết cấp 3 để có cơ hội thi vào một trường đại học trên thành phố”.

Nhưng gia đình nhất quyết không đồng ý vì “nó còn phải lấy chồng. Học xong thầy có lấy được nó không?”

Thầy Hương cũng đành bất lực. Trong suốt 6 năm công tác tại trường, thầy chưa có học trò nào theo tiếp đến bậc cao đẳng, đại học.

Vì thế, những học trò học nghề lại trở thành những cựu học sinh tiêu biểu.

năm học 2018-2019,khai giảng

Mảnh đất này là do 2 hộ dân thôn Suối Bắc tình nguyện hiến đất xây trường. Hiện nay chỗ nội trú của trẻ vẫn đang tạm bợ. Thầy Hương vẫn ngóng một ngôi trường mới rộng rãi và một căn nhà nội trí khang trang cho bọn trẻ. Ảnh: Thúy Nga

Vào năm học mới, thầy Hương lo lắng nhất là làm sao để trẻ bắt kịp với nhịp dưới xuôi. Thầy khuyến khích giáo viên tích cực khai thác hệ thống trường học kết nối để tự nghiên cứu tư liệu dựa trên tinh thần đổi mới dạy và học nhằm phù hợp với việc thay đổi sách giáo khoa. Thầy mang cả máy tính xách tay của mình để giáo viên có thể giảng dạy trên máy chiếu.

Thầy kỳ vọng ngôi trường sẽ là điểm bắt đầu cho những đứa trẻ vươn xa hơn ra ngoài thôn bản…

Nguồn vietnamnet.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *