Những ngôi trường nơi tận cùng đất nước
Mùa thu năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Năm đó, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam chỉ có hơn 20 tỷ USD, Mỹ mới dỡ bỏ cấm vận, đất nước chưa hội nhập hoàn toàn.
Trong hơn hai mươi năm sau đó, nền kinh tế lột xác. GDP đã tăng gần 10 lần. Những nghị quyết kinh tế từ những năm 90 nhìn lại đã trở nên vô cùng khiêm tốn.
Trong hơn hai mươi năm đó, tổng số học sinh các cấp của Việt Nam chỉ tăng hơn 30%, từ 15 triệu lên 22 triệu. Việt Nam vẫn duy trì tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục thuộc nhóm cao của thế giới. Nhưng “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” vẫn là một khái niệm xa vời ở nhiều nơi.
Ở Tương Dương, Nghệ An, May Ất năm nay lên lớp tám. Chưa một ngày em được cha mẹ đưa đến trường: bố chết vì ma túy; mẹ đã bỏ đi. Em tự làm rẫy thuê kiếm cho mình một đôi dép nhựa, đi bộ hai mươi cây số mỗi mùa tựu trường.
Cách đó bảy trăm cây số, Vàng Thị Nga cũng đi bộ đến trường: cô bé dành một phần sáu thời gian trong năm chỉ để đi bộ đến lớp hàng ngày, băng qua những con suối và đường mòn của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Đi về phía Nam hơn một nghìn cây số nữa, bạn sẽ gặp thầy Hải. Trường của thầy nằm gần biên giới Campuchia. Mùa tựu trường, thầy đến nhà từng học sinh, “hối lộ” từng miếng ăn, cuốn vở, để mong các em được phụ huynh cho đến trường. Bản thân thầy sống trong một túp lều dưới gốc cây.
Mùa thu năm 2018, khi Việt Nam vừa công bố mức tăng trưởng nửa đầu năm ngất ngưởng hơn 7%, những câu hỏi về “mù chữ” và “cơ sở vật chất” của giáo dục miền núi vẫn nóng trên nghị trường Quốc hội.
Trong một báo cáo của UNDP và Ủy ban dân tộc năm 2017, khảo sát 16 nhóm dân tộc thiểu số tại Việt Nam hiện nay, chưa đầy 3/4 trẻ em được đi học đúng cấp. Ở 39 nhóm dân tộc thiểu số, có dưới 3/4 người trưởng thành biết đọc viết chữ phổ thông.
Trong “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” năm nay, VnExpress khảo sát ba ngôi trường ở vùng phên dậu của tổ quốc: một ở sát biên giới Campuchia, một nằm trên tuyến đường vận chuyển ma túy sát biên giới Lào, và một nằm gần biên giới Trung Quốc.
Ở những vùng sâu đó, khi các vấn đề kinh tế – xã hội xuất hiện một cách cực đoan, mái trường thậm chí trở thành nơi trú ẩn cuối cùng của tuổi thơ. Và ngay cả khi đã tìm được đường đến trường, duy trì được việc học vẫn là mơ ước của nhiều đứa trẻ.
Nguồn vnexpress.net.vn