Những nỗ lực và kết quả đã đạt được của Hội trong góp ý văn bản pháp luật, chính sách trong năm 2024
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm1990. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến trẻ em đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về trách nhiệm của gia đình, xã hội và Nhà nước trong việc thực hiện quyền trẻ em. Luật trẻ em quy định về quyền của trẻ em, trách nhiệm của các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em. Hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em thường xuyên được rà soát, sửa đổi và bổ sung hoàn thiện, các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ đảm bảo quyền trẻ em được ban hành kịp thời và triển khai hiệu quả; Nhiều giải pháp, mô hình thực hiện quyền trẻ em được nhân rộng[1]. Sự tham gia của trẻ em được tăng cường; Số lượng trẻ em được chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ và hỗ trợ ngày càng tăng[2] Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về cam kết và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các công ước, điều ước quốc tế có liên quan.
Việc thực hiện các quyền trẻ em còn một số thách thức như vẫn còn tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích trẻ em đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông, việc tiếp cận các dịch vụ của trẻ em khuyết tật còn hạn chế, một số nơi chưa đảm bảo quyền khai sinh cho trẻ em. Xuất hiện một số nguy cơ ảnh hưởng đến thực hiện quyền trẻ em như ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng đến trẻ em về sức khỏe, phát triển não, học tập, hành vi, tăng khả năng gây nghiện… Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc khuyến nghị Việt Nam về thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em nhấn mạnh khuyến nghị “việc chăm sóc sức khỏe trẻ em với suy dinh dưỡng và béo phì; Phòng chống bạo lực; Tăng cường các biện pháp nhằm giải quyết tỷ lệ lạm dụng thuốc lá, ma túy và rượu ở trẻ em….”
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được giao trách nhiệm theo quy định tại điều 92 Luật Trẻ em về các tổ chức xã hội. Trong năm 2024, Hội đã tích cực thu nhận ý kiến và tham gia đóng góp ý kiến, thẩm định, khuyến nghị việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quy định của Luật pháp, chính sách liên quan đến quyền trẻ em với 06 văn bản Luật (Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Dân số, Luật giáo dục (sửa đổi), Luật thi hành án hình sự, dự thảo Luật Phòng chống mua bán người sửa đổi, dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường); 04 Nghị định (Nghị định số 76/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH, dự thảo Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; dự thảo Nghị định quy định về quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình); 02 Quyết định (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban quyền trẻ em Liên hợp quốc; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc). Góp ý các văn bản liên quan đến các quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.[3]Tham luận khoa học, kiến nghị giải pháp về cấp giấy khai sinh, CCCD, mã số định danh cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại Tọa đàm khoa học của Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tham vấn ý kiến 450 trẻ em về tiêu chuẩn xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã kịp thời cung cấp các ý kiến của trẻ em cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu sửa đổi Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Các đóng góp ý kiến, khuyến nghị của Hội được cơ quan soạn thảo đánh giá cao và góp phần tích cực cho việc hoàn thiện các văn bản. Nhiều văn bản Luật pháp chính sách đã được hoàn thiện, ban hành, mang lại cuộc sống an toàn, sức khỏe cho trẻ em như việc bổ sung quy định “trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m khi ngồi trên xe ô tô không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe, trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế và phải sử dụng thiết bị an toàn”; khuyến nghị áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt về rượu bia, thuốc lá và áp giá thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5mg/100 ml, đây là những sản phẩm khi sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em nguy cơ thừa cân, béo phì và mắc các bệnh mãn tính không lây. Kiến nghị nâng mức hưởng trợ giúp xã hội, mở rộng nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hộ gia đình được hưởng chính sách trợ cấp tại cộng đồng như trẻ em khuyết tật, trẻ em được chăm sóc thay thế tại cộng đồng. Phát biểu chính kiến mạnh mẽ của Hội tại nhiều tọa đàm, hội nghị, hội thảo về việc cần cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho trẻ em và đã được ghi nhận. Đây là những chất gây nghiện mới chủ yếu nhắm vào giới trẻ, là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển của thế hệ trẻ. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa cấm sử dụng thuốc lá thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tại Việt Nam từ năm 2025.
Với trách nhiệm được giao tại Luật Trẻ em, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp, khuyến nghị việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng và thực hiện các quy định Luật pháp, chính sách, những thách thức trong thực hiện quyền trẻ em điều này đã góp phần tích cực đảm bảo quyền trẻ em, thực hiện các Chỉ thị của Đảng, Chính phủ, các quy định, Luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em, khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc. Tích cực phối hợp với các ngành, các tổ chức trong nước và Quốc tế tăng cường thực hiện quyền trẻ em để trẻ em Việt Nam được phát triển toàn diện, không để trẻ em nào bị để lại phía sau.
[1] Chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em giai đoạn đầu đời, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, tham vấn tâm lý học đường, phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích, giảm thiểu lao động trẻ em.
[2] Cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; gần 100% trẻ em dưới 01 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng và trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; không thu học phí đối với học sinh tiểu học; triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, …
[3] góp ý kiến dự thảo Bộ thuật ngữ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Bộ thuật ngữ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.