Những tác động với cộng đồng từ mô hình làm cha mẹ tốt và vai trò giám sát của Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên – Huế trong mô hình “Bóng đá cộng đồng”.

Nguyễn Thị Thúy Hòa

Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên – Huế

Được thay mặt Hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên- Huế phát biểu tham luận tại Diễn đàn Đại hội, trước hết, tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo Đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2 và phương hướng, nhiệm vụ Nhiệm kỳ 3 do Ban Thường vụ TW Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTE VN) đã chuẩn bị và báo cáo trước Đại hội hôm nay. Những kết quả đó mặc dù chưa đầy đủ, cũng như chưa thực sự tương xứng với mục tiêu, tôn chỉ cũng như vị trí của Hội đã được khẳng định tại các văn bản pháp luật nhưng kết quả đó, được tạo nên từ sự nỗ lực không ngừng, sự tận tâm vô điều kiện của một đội ngũ những người thực sự yêu trẻ, gắn bó suốt đời vì sự nghiệp bảo vệ trẻ em  trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi để hoạt động từ cấp Trung ương cho đến từng địa phương.

Để minh họa thêm những kết quả cũng như những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động để bảo vệ quyền trẻ em tại các Hội địa phương, tôi xin phép trao đổi về hai hoạt động:

  1. Hoạt động thứ nhất: Xây dựng mô hình “Làm cha mẹ tốt”được thực hiện theo chương trình Dự án của Hội BVQTEVN với sự tài trợ của Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển tại Việt Nam tại Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên– Huế. Trong khuôn khổ Dự án, 5 câu lạc bộ “Làm cha mẹ tốt”đã được thành lập tại các địa bàn dân cư từ năm 2015 với khoảng 125 thành viên nòng cốt. Đây là các địa bàn mà tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình vẫn thường xuyên xảy ra.

Tuy thời gian chưa nhiều và điều kiện để phát triển mô hình còn  hạn chế, đặc biệt là khó khăn về kinh phí nhưng câu lạc bộ “Làm cha mẹ tốt” kết hợp chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực trẻ em đã có những tác động tích cực đến với cộng đồng và xã hội, đó là:

– Đã thu hút được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng tham gia vào cuộc và dự sinh hoạt với câu lạc bộ. Thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, giúp cho thành viên, các phụ huynh và cả trẻ em nắm được các kiến thức cơ bản về quyền trẻ em; các hành vi bạo lực trẻ em; tác hại của nạn bạo lực với trẻ em và những biện pháp phòng chống bạo lực trẻ em tại gia đình, nhà trường và xã hội để trẻ có môi trường sống an toàn, có điều kiện để phát triển toàn diện.  Từ đó, đã làm thay đổi nhiều cách giáo dục con cái trong các gia đình.

– Các thành viên câu lạc bộ (CLB) đã chủ động lồng ghép với các phong trào, nhiệm vụ của từng tổ chức, nhân rộng hoạt động theo các mục tiêu liên quan:  xóa bỏ bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới; chăm sóc sức khỏe sinh sản.  Từ những kiến thức được truyền đạt, bên cạnh việc áp dụng cho bản thân, gia đình, mỗi thành viên của câu lạc bộ trở thành một tuyên truyền viên tích cực tới bà con, xóm làng để cùng nhau xây dựng  gia đình tiến bộ, vui vẻ và hạnh phúc. Từ đó, vun đắp được mối quan hệ gần gũi và bền vững trong từng gia đình và bà con láng giềng.

– Qua sinh hoạt CLB,  những thành viên đã vượt qua được tâm lý rụt rè, tự ty, sẵn sàng chia sẻ khó khăn của mình để có thể tìm được giải pháp thích hợp giải quyết tình huống riêng của từng cá nhân.

Trong quá trình phối hợp với Hội BVQTEVN để thực hiện dự án Truyền thông phòng chống bạo lực và xây dựng câu lạc bộ “Làm cha mẹ tốt”,Hội BVQTE Thừa Thiên – Huế, Hội BVQTE Thị xã Hương Thủy luôn hướng các nội dung hoạt động theo những lời tâm huyết  củaTS. Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Chủ tịch Hội BVQTEVN: “Truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng đó mới chỉ là khâu đầu tiên để nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực trẻ em và thực hiện quyền trẻ em đối với mỗi trẻ. Quan trọng là thông qua các hoạt động truyền thông, chúng ta lồng ghép giới thiệu thêm những kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng giải thoát năng lượng tiêu cực để tránh những hành vi bạo lực với con trẻ trong lúc nóng giận. Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc thực hiện quyền trẻ em. Quyền ấy phải được thực hiện công bằng với mỗi trẻ em, không phân biệt vị trí xã hội của cha mẹ, không phân biệt về sự sang hèn”.

“Thương cho roi cho vọt”chỉ là một sự biện minh của các bậc cha mẹ khi dùng hành vi bạo lực đối với con trẻ và điều đó đã dẫn đến việc vi phạm quyền trẻ em; khi dùng đến bạo lực, vô hình các bậc cha mẹ đã làm tổn hại đến tinh thần, thể chất và phẩm giá của trẻ; đồng thời, tạo nên một rào cản không còn cơ hội bước vào thế giới tâm hồn của trẻ hoặc gần gũi lắng nghe trẻ.

Điều mà các thành viên câu lạc bộ “Làm cha mẹ tốt”luôn nắm vững để truyền thông và tuyên truyền đến cộng đồng là “Trẻ em có thể học hỏi thông qua sự thấu hiểu, tôn trọng và khoan dung mà không cần đến những hình phạt bạo lực”.

  1. Hoạt động giám sát của Hội BVQTE Thừa Thiên – Huế trong mô hình “Bóng đá cộng đồng”

FFAV là một Dự án Bóng đá Cộng đồng được Liên đoàn Bóng đá Na Uy khởi xướng, tài trợ và bắt đầu hoạt động tại Hà Nội vào năm 2001, đến năm 2003 dự án được chuyển vào tỉnh Thừa Thiên – HuếFFAV với mục đích chính là hỗ trợ thành lập các CLB bóng đá không cạnh tranh nhằm cung cấp cho các em những hoạt động bóng đá an toàn, vui vẻ theo tinh thần “Đếm nụ cười, không đếm bàn thắng”cho thanh, thiếu niên trai và gái kể cả trẻ khuyết tật.

 

Theo yêu cầu của Nhà tài trợ, một trong những  điều kiện  để có thể quyết định tổ chức các kỳ tổ chức thi đấu với quy mô mỗi kỳ có khoảng 4.000 cầu thủ  đến từ nhiều  địa phương trong nước và các  nước bạn láng giềng là cần phải có Tổ chức Giám sát độc lập bảo vệ quyền trẻ em.

Là một tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc tham gia giám sát đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em,trong cả 4 kỳ thi đấu, Hội BVQTE tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được Dự án bóng đá Cộng đồng Na uy tại Việt Nam (FFAV) chọn để  ký hợp đồng với vai trò là Tổ chức giám sát độc lập việc thực hiện “Hướng dẫn bảo vệ Trẻ em FFAV”nhằm đảm bảo an toàn, an ninh cho trẻ em tham gia tại các kỳ Cup FFAV tổ chức tại Thành phố Huế.

Thực hiện hợp đồng đã ký kết giám sát bảo vệ trẻ em tại Cup FFAV; Hội BVQTE tỉnh đã thực hiện một số nhiệm vụ:

– Chủ trì lấy ý kiến các ngành liên quan kết hợp với các văn bản pháp luật mà đối tượng là trẻ em và những quy định bảo vệ trẻ em để xây dựng bản Hướng dẫn Bảo vệ trẻ em. Sau khi có sự đồng thuận giữa các bên, đối tác trình các cơ quan quản lý cấp trên phê chuẩn làm cơ sở để thực hiện, kiểm tra, giám sát và xử lý quá trình các em tham gia thi đấu.

– Hội  tổ chức tập huấn kỹ về quyền trẻ em, các quy định bảo vệ trẻ em theo Công ước của Liên Hiệp quốc và pháp luật Việt Nam;  tài liệu Hướng dẫn bảo vệ trẻ em FFAV và các kỹ năng giám sát cho đội ngũ sinh viên được tuyển  chọn tham gia giám sát. Đội ngũ giám sát đã được tổ chức thành  các ban giám sát phù hợp với yêu cầu công việc.

Bộ công cụ phục vụ cho hoạt động giám sát bao gồm các phiếu điều tra, thu thập thông tin dạng bảng hỏi cấu trúc, phỏng vấn bán cấu trúc, phiếu giám sát hoạt động, phiếu giám sát hậu cần, nhật ký giám sát và phiếu đánh giá tổng quát hoạt động giám sát dành cho giám sát viên  đã phản ánh khá trung thực và có hệ thống các hoạt động diễn ra tại sân bóng, tại địa điểm sinh hoạt ăn, ở của các vận động viên trong suốt quá trình diễn ra Cup. Qua từng kỳ giám sát, đúc rút kinh nghiệm Bộ công cụ ngày càng cải tiến hợp lývề số lượng mẫu, phiếu phù hợp đối với các lĩnh vực và đối tượng thu thập thông tin, đủ cơ sở tính toán để đưa ra một kết quả thống kê ở mức độ khá chuẩn xác.

Quá trình diễn ra Cup, các giám sát viên được bố trí tại các địa điểm thi đấu cùng với các bộ công cụ nhằm vừa tiến hành thu thập thông tin vừa giám sát việc thực hiện quyền trẻ em; bộ phận giám sát hậu cần cũng thường xuyên kiểm tra các địa điểm lưu trú để xem điều kiện ăn, ở, điều kiện an toàn, an ninh của các em nhằm kịp thời phản ảnh với ban chỉ đạo giám sát.

Kết thúc quá trình giám sát, Hội gửi báo cáo cho Ban lãnh đạo Bóng đá cộng đồng và Nhà tài trợ. Trong báo cáo đánh giá rõ kết quả giám sát về: Vấn đề tiếp cận và thực hiện tài liệu Hướng dẫn bảo vệ trẻ em của các đoàn; công tác tổ chức;  vấn đề an ninh, an toàn trong việc tổ chức sân bãi; y tế, vệ sinh; các hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng; những vấn đề về hậu cần, thể hiện: chất lượng vệ sinh nơi ở, thời gian nghĩ ngơi, vấn đề an ninh, chất lượng bữa ăn; những vụ việc vi phạm quy định kiến  nghị Ban tổ chức kiểm điểm và thực hiện các chế tài .v.v.

Qua thực tế cho thấy, hoạt động giám sát độc lập bảo vệ trẻ em là một việc làm thực sự cần thiết và có ý nghĩa. Chính vì vậy, theo đề nghị của Ban lãnh đạo Bóng đá cộng đồng Na uy, tài liệu Hướng dẫn FFAV đã được góp ý bổ sung hoàn chỉnh và Sở Giáo dục Đào tạo tỉnhThừa Thiên  – Huế chỉ đạo áp dụng vào các hoạt động sinh hoạt bóng đá tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh và Hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng là thành viên trong ban chỉ đạo về bảo vệ trẻ em.

Phải nói rằng hạn chế lớn nhất của Hội khi tham gia giám sát là thiếu cơ sở pháp lý. Mặc dù Luật Trẻ em 2016 đã quy định: “Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, … có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em” nhưng thực tế làm sao có thể thực hiện được nếu như không có một cơ chế rõ ràng.

Điều rõ ràng nhất là trong thực tế khi gặp những vụ việc vi phạm đến quyền trẻ em thì việc can thiệp của tổ chức xã hội khó nhận được sự phối hợp, sự chia sẽ thông tin từ phía các cơ quan nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan.

Tại Thừa Thiên – Huế, theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội không thấy thông tin về bạo hành trẻ em và hầu như không thấy  xuất hiện trong bất cứ báo cáo cụ thể nào, tuy nhiên,  điều đó không có nghĩa là việc bạo hành trẻ em, vi phạm quyền trẻ em không và chưa bao giờ diễn ra.

Chỉ đến khi nhiều vụ việc được xã hội phanh phui hay xảy ra những hậu quả đáng tiếc thì các cấp, các ngành mới nhận thấy quyền trẻ em đã bị coi nhẹ và ai là người giám sát việc thực thi quyền này?

Chính từ thực tế hoạt động giám sát, chúng tôi nhận ra một điều: tại sao các tổ chức nước ngoài lại rất quan tâm đến hoạt động bảo vệ quyền trẻ em thông qua việc họ yêu cầu nếu không có tổ chức giám sát độc lập thì họ không tài trợ  tổ chức giải; trong khi đó, chúng ta có bao nhiêu lần tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, bao nhiêu lần tổ chức các hoạt động mà đối tượng là trẻ em nhưng tại sao chưa bao giờ vấn đề tổ chức đơn vị giám sát bảo vệ trẻ em được đặt ra trong các kỳ tổ chức đó?

Để Hội Bảo vệ quyền trẻ em phát huy tốt chức năng giám sát; chúng tôi tự nhận thấy cùng với việc nâng cao năng lực của tự chính bản thân Hội thì rất cần thiết sự tạo điều kiện từ  các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước. Tại diễn đàn này, tôi xin được kiến nghị mấy vấn đề sau đây:

  1. Nhà nước cần tạo điều kiện thực sự cho các tổ chức Hội tham gia và giám sát các chương trình quốc gia mà trong đó có đối tượng thụ hưởng là trẻ em. Việc lồng ghép quyền trẻ em vào các chương trình kinh tế xã hội cần được coi trọng và đảm bảo việc giám sát quá trình thực hiện
  2. Có những quy định cơ chế phối hợp để Hội được phối hợp với các Ban HĐND, các Đoàn đại biểu Quốc hội…trong việc giám sát các chuyên đề liên quan về trẻ em tại địa phương; đồng thời, quy định về việc xử lý, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và thông tin về kết quả giải quyết.
  3. Quy định về việc cung cấp, chia sẽ cho các tổ chức xã hội để có thể tham gia trong việc giải quyết từ cộng đồng.
  4. Cần có quy định về hỗ trợ tài chính trong hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *