Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017: Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Sáng 27/5, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao Quận Long Biên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Hồng Lan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý; đại diện Lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan, các Tổ chức quốc tế cùng hơn 300 em nhỏ đại diện cho gần 26 triệu trẻ em Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trẻ em là tương lai của dân tộc, đất nước thịnh hay suy phụ thuộc vào sự phấn đấu, sự cố gắng vươn lên của các em. Đất nước ta luôn phấn đấu dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Bộ trưởng cho biết, năm nay phát động Tháng hành động vì trẻ em trong bối cảnh có nhiều hoạt động quan trọng:  Hội nghị quốc tế về hợp tác Nam – Nam về quyền trẻ em khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề “Một tỉ khối óc: Trẻ em thông minh hơn, kinh tế vững mạnh hơn”  với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao 28 quốc gia trong khu vực vừa diễn ra, các nước đã thống nhất chương trình hành động nhằm phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Tháng hành động vì trẻ em cùng thời điểm ngày 01/6/2017 Luật trẻ em có hiệu lực thi hành. Đồng thời, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em . Ngày 16/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ phát động

Theo Bộ trưởng, Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” là thời cơ, cơ hội để cả đất nước nhìn lại công tác trẻ em trong thời gian qua, tăng cường tuyên truyền, giáo dục xã hội, nâng cao trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời, là dịp để các gia đình, xã hội có việc làm thiết thực, cụ thể vì trẻ em.

“Thông qua Tháng hành động vì trẻ em, mong tất cả các bậc cha mẹ hãy nói không với bạo lực, xâm hại trẻ em. Đề nghị các cơ quan chức năng, tổ chức xử lý nghiêm những vụ xâm hại trẻ em đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh. Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng kêu gọi các cấp, các ngành, tổ chức xã hội phối hợp chính quyền địa phương chăm lo giáo dục con trẻ để các em được sống những ngày vui tươi hơn, để những khoảng tối ngày càng ít đi và những khoảng sáng trong cuộc sống các em ngày càng được nhân lên.

Các cháu thiếu nhi tham dự Lễ phát động

Phát biểu tại Lễ phát động, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel – Jelil ghi nhận những cố gắng của Chính phủ Việt Nam trong việc biến những cam kết quốc tế thành hành động, thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, các Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, đặc biệt là thông qua Luật trẻ em tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện để bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, trẻ em Việt Nam vẫn còn phải chịu bạo lực, bóc lột và xâm hại. Hầu hết các vụ việc xảy ra trong gia đình hoặc môi trường thân quen của trẻ. Điều đáng quan ngại nhất là những con số thống kê chỉ phản ánh được phần nổi của tảng băng chìm – chỉ một phần nhỏ trong số các vụ việc được báo cáo và điều tra. Để triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, UNCEF đề xuất một số khuyến nghị như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ trẻ em nhằm nghiêm cấm và giải quyết tất cả các hình thức bạo lực, xâm hại đối với tất cả trẻ em dưới 18 tuổi. Xây dựng những giải pháp cụ thể để chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em, tập trung vào việc thúc đẩy kỹ năng làm cha mẹ, tham gia và tăng quyền năng cho trẻ em gái và trẻ em trai trong việc xử lý và báo cáo bạo lực, xâm hại. Tăng cường nguồn nhân lực cho bảo vệ trẻ em. Thành lập một mạng lưới các cộng tác viên bảo vệ trẻ em cấp xã và đào tạo, bố trí đầy đủ các vị trí cán bộ xã hội chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đảm bảo phân bổ ngân sách dành cho bảo vệ trẻ em ở cấp trung ương và địa phương, đưa các mục tiêu và ngân sách bảo vệ trẻ em vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của trung ương và địa phương.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ phát động

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, việc Luật trẻ em được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/6/2017 chính là món quà đặc biệt cho Tháng hành động vì trẻ em năm nay. Đây là cơ sở pháp lý và cũng là việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em trong tình hình mới; đồng thời cũng quy định trách nhiệm thực hiện các cam kết của nước ta theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Bạo lực, xâm hại trẻ em được coi là một trong những vấn nạn đối với trẻ em trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực và tình hình có xu hương ngày càng tăng, nhất là thời gian gần đây, xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Phó Chủ tịch nước hoan nghênh Bộ LĐ-TBXH phát động Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt

Nhân Tháng hành động vì trẻ em 2017, Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ LĐ-TBXH và các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương cùng địa phương tích cực triển khai Tháng hành động vì trẻ em và tuyên truyền sâu rộng Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành và Chỉ thị 18 CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội tăng cường giám sát việc triển khai Luật trẻ em. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các thành viên gia đình, giáo viên, những người trực tiếp làm công tác trẻ em; cũng như giáo dục, phổ kiến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại mình.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cùng các đại biểu tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Nhân dịp này, Quỹ BTTE Việt Nam và Quỹ BTTE Hà Nội tặng 50 suất quà, mỗi suất 2 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên học giỏi TP Hà Nội.

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *