Phương hướng hành động trong năm 2025: “Đoàn kết, Sáng tạo, Hội nhập, Cống hiến vì sự phát triển toàn diện và đảm bảo quyền trẻ em”
Trong hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và phương hướng năm 2025 của cơ quan Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam ngày 26/12/2024 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa đã có những nhận định về định hướng và những lĩnh vực ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch hành động của Hội để thích ứng với những thay đổi của tình hình đất nước hiện nay.
Có thể nói năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 4 Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 theo phương châm “Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, cống hiến vì sự phát triển toàn diện và đảm bảo quyền trẻ em” vì vậy toàn hệ thống Hội đã từng bước triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 theo các mục tiêu chiến lược đề ra và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ sau:
1.Đảm bảo 100% văn bản đề nghị góp ý được gửi về Hội đều được Hội góp ý kiến. Hội đã góp ý 12 văn bản (6 Luật, 4 Nghị định, 2 Quyết định của Chính phủ): dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình… Với những vấn đề quan trọng thì không chỉ qua văn bản, Hội còn tiếp tục góp ý bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua phát biểu tại hội thảo, hội nghị góp ý dự thảo do các cơ quan Nhà nước chủ trì tổ chức. Các văn bản góp ý của Hội đều căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Hội, bám sát vào các quyền của trẻ em và thực tiễn cuộc sống nên văn bản góp ý có chất lượng, nhiều ý kiến của Hội đã được tiếp thu và đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật và được các cơ quan có thẩm quyền thông qua ý kiến góp ý của Hội về tăng tuổi trẻ em tham gia giao thông cùng người lớn khi ngồi trên các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy bắt buộc phải có mũ bảo hiểm hoặc ghế ngồi phù hợp độ tuổi khi ngồi trên ô tô đã được tiếp thu trong Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15. được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7; hoặc một số ý kiến góp ý của Hội về việc cần cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho trẻ em đã được ghi nhận và tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Chính phủ triển khai các quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng từ năm 2025.
2.Thúc đẩy quyền tham gia tích cực, có ý nghĩa của trẻ em trong góp ý văn bản, chính sách và giải quyết các vấn đề liên quan tới trẻ em thông qua các hoạt động tham vấn ý kiến trẻ em về an toàn của trẻ khi ngồi trên các phương tiện giao thông đường bộ; tiêu chuẩn xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; “Sáng kiến trẻ em” về sử dụng AI trong cuộc sống; tư vấn cho Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2, tổ chức các cuộc thi dành cho trẻ em như Cuộc thi vẽ tranh “Ngôi nhà mơ ước” lần thứ 2 với chủ đề “Ngôi nhà xanh”, Cuộc thi viết và bình chọn “Trường học hạnh phúc”… Đặc biệt 41 ý kiến của trẻ em được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ghi nhận, bổ sung là một trong những tài liệu quan trọng khi trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
3. Năm 2024, Hội đã phát biểu chính kiến, tư vấn 79 vụ vi phạm quyền trẻ em trên các phương tiện truyền thông và thông qua văn bản gửi các cơ quan liên quan. Đồng thời, đã cử luật sư là ủy viên BCH và hội viên của Hội phối hợp với các cơ quan liên quan bảo vệ 7 trường hợp trẻ em bị bạo lực học đường, tranh chấp ly hôn dẫn đến xâm hại quyền trẻ em, tham gia giám hộ cho trẻ em bị mua bán tại tòa ở TP. Hà Nội. Trong số đó, một số trường hợp ca đã có những kết quả tích cực: Trẻ đã được chuyển trường và đi học sau quá trình cha mẹ tranh chấp khi ly hôn dẫn đến hạn chế quyền học tập của trẻ; Gia đình đã chuyển trường thành công cho trẻ bị bạo lực học đường.
4. Hội cũng chú trọng vào việc truyền thông nâng cao nhận thức của trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc, nhà trường và các bên liên quan về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo và thân thiện thông qua trò chơi, video tình huống, sắm vai, hỏi đáp tương tác, gắn truyền thông về quyền trẻ em với chương trình an sinh xã hội…; tiếp tục tổ chức các lớp hướng dẫn cho 1.600 cha mẹ thực hiện phương pháp kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hằng ngày nhằm phòng ngừa bạo lực gia đình với trẻ em. Nhờ cách thức đa dạng này, các nội dung về quyền trẻ em, kỹ năng thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em đã tiếp cận hiệu quả tới hàng chục nghìn người lớn và trẻ em tại cộng đồng.
5. Xúc tiến ký Chương trình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác trẻ em; duy trì và phát huy hiệu quả của các mô hình về gia đình có liên quan đến trẻ em trong gia đình; thí điểm, triển khai nhân rộng mô hình Kỷ luật tích cực trong làm cha mẹ hàng ngày.… góp phần thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
6. Huy động đa dạng nguồn lực cộng đồng để thực hiện quyền trẻ em cũng được Hội chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức ký kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai các chương trình an sinh xã hội hướng tới nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc vùng sâu vùng xa; xây dựng và triển khai các kế hoạch dự án với nguồn hỗ trợ từ Chương trình quốc gia và nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để thực hiện quyền trẻ em và nâng cao năng lực của cán bộ, cơ sở Hội thành viên về thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao tại Điều 92 Luật Trẻ em, bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em. Tổng kinh phí năm 2024 dành cho lĩnh vực trẻ em của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đạt hơn 6 tỷ đồng với hàng nghìn trẻ em được hưởng lợi.
7. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đã vận động nguồn lực từ cộng đồng tặng học bổng và quà tri ân cho gần 600 trẻ em và cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; hỗ trợ hơn 1000 trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Năm 2024 cũng là năm Hội gặp nhiều khó khăn, thử thách. Khó khăn lớn nhất chính là Hội là đơn vị tuy được Nhà nước giao nhiệm vụ tại Luật Trẻ em, Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhưng lại không được quy định là Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nên không được hỗ trợ ngân sách để hoạt động. Chính bởi vậy Hội vừa phải tìm kiếm nguồn kinh phí để chi trả cho hoạt động hành chính của Hội đồng thời phải triển khai các nhiệm vụ và hoạt động tại cộng đồng.
Đội ngũ cán bộ Hội đa số hoạt động mang tính chất tự nguyện nên không ổn định, ít được đào tạo tập huấn nâng cao năng lực về thực hiện nhiệm vụ được giao. Mặt khác kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ làm công tác bảo vệ quyền trẻ em ở các cơ sở Hội còn hạn chế, chưa đầu tư cho công tác bảo vệ quyền mà chủ yếu đi sâu hoạt động bảo trợ.
Để vượt qua những khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội được Nhà nước giao, Hội luôn phải tập trung, bám sát thực hiện các nhiệm vụ của Hội được giao trong Luật Trẻ em, trong các văn bản của Đảng, Chỉ thị, Chương trình của Chính phủ về các vấn đề liên quan tới trẻ em và Nghị quyết Đại hội lần thứ 4 của Hội để xây dựng các kế hoạch, chương trình, dự án nhằm huy động nguồn lực cộng đồng để nâng cao năng lực và chất lượng cho các hoạt động của mạng lưới cơ sở Hội Trung ương và địa phương trong thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em tại cộng đồng. Hội cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ đã nghỉ hưu đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ, công sức trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Năm 2025 là năm thứ 2 thực hiện Chiến lược phát triển Hội giai đoạn 2023-2028, Hội tiếp tục đổi mới hoạt động, ưu tiên thực hiện các mục tiêu chiến lược với phương châm hành động trên toàn hệ thống cơ sở Hội “Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, cống hiến vì sự phát triển toàn diện và đảm bảo quyền trẻ em” nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Hội sẽ bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực liên quan tới trẻ em để thực hiện nhiệm vụ của Hội trong đó tập trung vào 5 nội dung:
1. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Hội được quy định tại Khoản 4, Điều 92 Luật Trẻ em trong đó chú trọng tới nâng cao chất lượng các văn bản góp ý, kịp thời phát biểu chính kiến hiệu quả, thúc đẩy sự tham gia tích cực và có ý nghĩa của trẻ em và các tổ chức xã hội trong góp ý, tham vấn chính sách liên quan tới trẻ em, giải quyết các vấn đề liên quan tới trẻ em thông qua các hoạt động tăng cường thu thập thông tin của trẻ em bằng nhiều hình thức đặc biệt là ứng dụng công nghệ số để tiếng nói của nhiều trẻ em đến được với cá cơ quan chức năng; thí điểm thực hiện việc đánh giá tác động về trẻ em trong xây dựng, góp ý văn bản luật pháp, chính sách; chủ động bám sát chương trình xây dựng Luật của Quốc hội, lựa chọn những vấn đề liên quan, tìm cơ sở bằng chứng để việc góp ý đạt hiệu quả; triển khai “Sáng kiến trẻ em” và hỗ trợ trẻ em thực hiện sáng kiến để giải quyết các vấn đề mà trẻ em quan; lên tiếng về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em thông qua đơn thư và phản án trên các phương tiện truyền thông đại chúng… Đặc biệt chú trọng việc theo dõi việc tiếp thu, giải quyết của các cơ quan chức năng – nơi mà Hội gửi góp ý, kiến nghị, đề xuất. Định kỳ tổng hợp, đánh giá vấn đề nổi cộm nhất trong các vụ vi phạm quyền trẻ em, từ đó rút ra cách giải quyết vụ việc đó, và đưa ra khuyến cáo để tránh các vụ việc tương tự xảy ra.
2. Chủ động, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, hoạt động cung cấp dịch vụ, tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ, cơ sở Hội để vừa phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước, vừa thích ứng với bối cảnh kinh tế – xã hội; nhu cầu và trách nhiệm xã hội của các bên liên quan trong thực hiện quyền trẻ em; sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động hành chính của Hội cũng như trong các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường kỹ thuật số theo hướng đổi mới, hội nhập.
3.Tập trung công tác truyền thông về quyền trẻ em bằng nhiều hình thức thân thiện, sáng tạo, hứng thú thông qua trò chơi, video tình huống, sân khấu hóa, hỏi đáp tương tác, phân tích tình huống; mở rộng các lớp hướng dẫn cha mẹ về phương pháp kỷ luật tích cực… góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
4. Đa dạng hóa nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đồng thời phát huy tối đa hiệu quả từ nguồn lực cộng đồng trong thực hiện quyền trẻ em lồng ghép truyền thông về quyền trẻ em trong tổ chức các chương trình an sinh xã hội thông qua sự kiện “Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”, “Thắp sáng những ước mơ”, “Kết nối yêu thương”….; lồng ghép các nội dung tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em, kỹ năng vận động nguồn lực bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ ở các cơ sở mới được thành lập và mạng lưới của Hội; củng cố và phát triển các mô hình, Câu lạc bộ Bảo vệ quyền trẻ em trong trường học, Câu lạc bộ Nhà báo bảo vệ quyền trẻ em; Câu lạc bộ Luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân bảo vệ quyền trẻ em… và tăng cường kết nối với người làm truyền thông, người nổi tiếng trên mạng xã hội tham gia vào truyền thông về bảo vệ trẻ em.
5. Phát triển tổ chức Hội, mở rộng mạng lưới thành viên, hội viên các cấp và triển khai công tác thi đua, khen thưởng cho những cá nhân, tập thể có đóng góp cho công tác trẻ em thông qua giải Cống hiến vì trẻ em Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hội viên bằng nhiều hình thức như tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu mô hình điển hình tại địa phương…
Những ưu tiên trong hoạt động của Hội nhằm hướng tới thúc đẩy nhận thức của mỗi người dân từ trong gia đình đến ngoài xã hội về quyền trẻ em và trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xem link video tổng hợp các hoạt động nổi bật trong năm 2024 tại đây
Song Hà