Quan tâm từ việc nhỏ giúp con tự tin học lớp 6

Mặc dù đã được bố mẹ chuẩn bị tâm lý trong suốt kỳ nghỉ hè nhưng khi chính thức bước vào lớp 6 với đầy đủ các môn học, con tôi vẫn cảm thấy “choáng ngợp”. Bởi tất cả mọi thứ hoàn toàn thay đổi so với thời học tiểu học.

Lớp 6 nói riêng và bậc THCS khác gì so với tiểu học? Câu trả lời là rất khác, một sự khác biệt quá lớn. Đến mức chính bản thân tôi cũng cảm thấy thương con mỗi khi nhìn vào thời khóa biểu học tập.

Nếu ở tiểu học, các môn chính là Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, thì lên lớp 6 có tới hơn chục môn học, môn nào cũng yêu cầu cao như nhau. Lần đầu tiên các con được biết đến những môn học mới như Sinh học, Vật lý, Giáo dục công dân,… Ngay cả môn Ngữ văn lớp 6 tưởng chừng rất quen thuộc vì giống môn Tiếng Việt ở tiểu học nhưng khối lượng kiến thức rất nhiều và phương pháp học cũng hoàn toàn khác.

Ở tiểu học, con chỉ làm kiểm tra vào cuối học kỳ nhưng ở lớp 6 có rất nhiều đầu điểm, hình thức kiểm tra cũng rất khác so với tiểu học. Mỗi môn học lại do một giáo viên phụ trách nên mỗi thầy cô sẽ là một phong cách dạy khác nhau, yêu cầu đối với học sinh cũng khác nhau. Thậm chí con tôi còn cảm thấy lạ lẫm vì lần đầu tiên được học giáo viên nam (ở tiểu học con chỉ học môn Thể dục với thầy giáo).

Nhiều môn học đồng nghĩa với việc số lượng sách giáo khoa, vở viết cũng phải tăng lên, có môn học cần đến 2 – 3 cuốn vở viết. Từ việc viết bút mực và vở ô ly có dòng kẻ, con chuyển sang viết vở kẻ ngang, dùng các loại bút bi nên chữ viết cũng bị xấu đi rõ ràng. Thời gian học cũng không phải là 5 ngày mỗi tuần mà con còn phải học thêm cả sáng thứ 7. Như vậy, mỗi tuần con chỉ được nghỉ trọn vẹn duy nhất một ngày thôi.

Nếu ở tiểu học, cô giáo không giao bài tập về nhà nên con không cần phải học và làm bài tập mỗi tối, nhưng nay thì khác. Môn Toán ngày nào cũng có bài tập về nhà, môn Ngữ văn thì phải soạn bài, chuẩn bị trước bài học, nói chung là môn nào cũng cần phải chuẩn bị bài tập.

Học sinh lớp 6. (Ảnh minh họa: Trung Thi)
Học sinh lớp 6. (Ảnh minh họa: Trung Thi)

Đây chỉ là một số thay đổi cơ bản, dễ nhận thấy khi con vào lớp 6. Ngoài ra, còn rất nhiều sự thay đổi khác khiến con cảm thấy “hụt hẫng”, đó là bạn bè mới, phải xây dựng lại các mối quan hệ mới nên thời gian đầu con sẽ không có được sự chia sẻ của bạn bè như ở lớp 5; tác phong nền nếp, trang phục cũng thay đổi; thời gian học, thời gian nghỉ giải lao giữa các tiết học cũng khác;…

Đối diện với những thay đổi đó, không chỉ con mà cả phụ huynh cũng cảm thấy áp lực vì sợ con không theo được chương trình. Để con thích nghi được thì bố mẹ phải thực sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành sâu sát cùng con trong những tháng đầu tiên.

Chính vì vậy, tôi thường xuyên phải động viên, khích lệ con mỗi ngày. Từ việc giải thích cho con hiểu những thay đổi này là hoàn toàn bình thường, học sinh nào cũng phải trải qua và chỉ cần vài tuần con sẽ quen với cách học mới. Tối tối, tôi đều phải nhắc con ôn lại bài học của ngày hôm nay, làm những bài tập được giao về nhà để tránh tình trạng con quên làm bài tập. Cùng với đó là hướng dẫn con học bài như nào cho hiệu quả, ở trên lớp phải ghi chép ra sao để vừa theo kịp bài giảng của cô vừa giữ được nét chữ gọn gàng, vở sạch đẹp.

Vì mỗi môn học do một giáo viên dạy nên tôi cũng thường hỏi han con cảm nhận như thế nào về thầy cô đó, môn học nào thấy khó nhất và khó ở chỗ nào để cùng con tháo gỡ những điều con băn khoăn. Tâm lý e dè, sợ thầy cô giáo mới là không tránh khỏi nên cũng cần giúp con giải tỏa tâm lý, để con hiểu rằng thầy cô lớp 5 hay lớp 6 cũng đều yêu thương quan tâm học sinh, khi con tiếp xúc lâu sẽ quen và yêu mến như các cô giáo tiểu học.

Ngoài những lúc con phải tự làm bài, tôi cũng thường “học bài cùng con”, cùng con đọc sách giáo khoa, nếu con có câu hỏi hay chỗ nào không hiểu thì giải thích để con hiểu. Thí dụ như ở môn Ngữ Văn và Toán, tất cả những kiến thức quan trọng, cần phải ghi nhớ đều được in nghiêng, in đậm nên con cần phải chú ý những phần đó. Ngay cả việc soạn sách vở cũng phải nhắc con làm cẩn thận, lấy sách vở của từng môn theo đúng thứ tự thời khóa biểu để không bị thiếu hay nhầm môn.

Kiến thức lớp 6 nhiều hơn, khó hơn có thể khiến con rụt rè hoặc không dám phát biểu ý kiến trong giờ học. Vì thế cũng rất cần phải động viên con hăng hái phát biểu trong các giờ học; động viên con nếu không hiểu bài thì phải hỏi bạn bè xung quanh, nếu bạn cũng không hiểu thì mạnh dạn hỏi cô giáo, về nhà hỏi bố mẹ chứ không được “giấu dốt” hay âm thầm bỏ qua.

Mới đây, con tỏ ra rất lo lắng khi cô giáo thông báo sẽ có bài kiểm tra 15 phút môn Toán vào tuần tới. Ngay lập tức tôi phải giải thích để con hiểu kiểm tra bài chỉ là một hoạt động bình thường của mỗi môn học, con được học những gì thì cô giáo sẽ kiểm tra trong phạm vi đó nên chỉ cần nắm vững bài học hàng ngày thì không cần phải lo lắng.

Ngoài việc đồng hành, định hướng để con quen với phương pháp học mới, tôi cũng thường xuyên hỏi han tình hình ở lớp của con, các mối quan hệ với bạn bè xung quanh để biết con có hòa nhập tốt với các bạn không. Qua đó cũng biết những khuyết điểm, hạn chế của con trong giao tiếp, ứng xử để giúp con điều chỉnh. Và một điều rất cần thiết là thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để nắm rõ tình hình học tập, nền nếp, ý thức của con trên lớp.

Tôi cho rằng có những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng bố mẹ cũng cần quan tâm hướng dẫn để con hoàn thiện bản thân và không cảm thấy “cô đơn” khi bắt đầu một hành trình mới. Qua giai đoạn đầu, khi mọi thứ đã đi vào nền nếp, con quen với môi trường mới, cách học mới thì để con tự học, tiến tới là phải tự giác và chủ động trong việc học.

Nguồn dantri.com.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *