Quy trình thực hiện chăm sóc, hỗ trợ y tế cho trẻ em bị xâm hại tình dục trước, trong và sau quá trình tố tụng
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang có những bước phát triển và thay đổi nhanh chóng về kinh tế – xã hội. Thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Trẻ em trong nhiều gia đình có cơ hội được học tập, được sống trong các điều kiện đầy đủ hơn, được tạo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. Nhiều chính sách ưu đãi, chăm sóc, giáo dục trẻ em được triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì sự phát triển về kinh tế – xã hội cũng mang đến không ít những hệ quả tiêu cực: tệ nạn xã hội gia tăng, nhiều giá trị chuẩn mực đạo đức bị mai một, tha hóa… và một trong những vấn đề đang là một mối quan ngại của các cấp, các ngành và mọi người dân là vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em. Vấn nạn xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, không những ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa mà còn xảy ra phổ biến ngay tại các thành phố lớn…
Theo số liệu của Bộ Công An, năm 2018, cả nước đã xảy ra 1,547 vụ xâm hại trẻ em với 1,669 đối tượng, xâm hại 1,579 trẻ em, trong đó có 1,293 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó các vụ xâm hại tình dục được phát hiện nhiều nhất tại Hà Nội
Theo báo cáo số 51/BC-CP ngày 18 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ năm 2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước có 6.364 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 6.432 trẻ em là nạn nhân. Tại Hà Nội, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, có 365 vụ xâm hại trẻ em với 313 trẻ em bị xâm hại, trong đó, xâm hại tình dục 199 vụ (chiếm 54,5%) với 220 trẻ. Điều đáng nói, khi xảy ra xâm hại, công tác khám chữa bệnh, giám định đối với trẻ em bị xâm hại vẫn còn những hạn chế, một số trường hợp còn chậm trễ và thiếu chặt chẽ; đồng thời nhận định tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, cần có các biện pháp kịp thời để khắc phục vấn đề nhức nhối này.
Đây là một vấn đề đáng báo động và cần đưa ra những giải pháp thiết thực hơn nữa, các cơ quan, tổ chức liên quan tới lĩnh vực trẻ em cần tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, nhất là, tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em. Đồng thời, cần đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em,
Với mục đích tăng cường tiếp cận tư pháp và hỗ trợ tư pháp cho trẻ em và gia đình là nạn nhân của xâm hại tình dục tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) với sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (JIFF) thực hiện dự án “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội” xây dựng tài liệu “Quy trình thực hiện chăm sóc, hỗ trợ y tế cho trẻ em bị xâm hại tình dục trước, trong và sau quá trình tố tụng dành cho cán bộ y tế, tư vấn viên cấp cơ sở”. Bộ tài liệu này nhằm nâng cao năng lực cho các nhóm hỗ trợ thực thi pháp luật và hỗ trợ y tế cho trẻ em và gia đình trẻ là nạn nhân của xâm hại tình dục tại Hà Nội.
Tài liệu này cung cấp những kiến thức cần thiết để các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quy trình chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ bị xâm hại tình dục và gia đình trẻ tiếp cận dịch vụ y tế trước, trong và sau quá trình tố tụng.
Quy trình thực hiện chăm sóc, hỗ trợ y tế cho trẻ em bị xâm hại tình dục trước, trong và sau quá trình tố tụng - Tập 1