Sữa học đường: Đừng để phụ huynh bị “ép” tự nguyện
Mặc dù chưa triển khai Chương trình sữa học đường, tuy nhiên, một số phụ huynh tại Hà Nội cho biết có tình trạng giáo viên chủ nhiệm vận động phụ huynh đăng kí cho học sinh tham gia vì thành tích. Nhiều người lo ngại, mục tiêu đề án tốt nhưng việc triển khai có vấn đề và nhiều câu hỏi về cách thực hiện chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Giáo viên chủ nhiệm sẽ bị phê bình vì không vận động đủ học sinh đăng kí tham gia?
Đề án thực hiện Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, tinh thần của Chương trình là tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia. Phụ huynh có thể dừng tham gia bất cứ lúc nào nếu muốn.
Đơn vị này chỉ đưa ra khuyến cáo, đây là một đề án nhân văn với mục tiêu duy nhất là bổ sung dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn phát triển thể lực cho trẻ em của thành phố, mong muốn của ngành GD&ĐT là các nhà trường tổ chức tuyên truyền để phụ huynh hiểu chính xác ý nghĩa của chương trình.
“Tôi đã từng nghe có giáo viên tâm sự, nếu trong lớp có 40 cháu mà 30 cháu được uống sữa, vậy 10 cháu còn lại không được uống vào giờ đó thì sẽ ra sao? Nhiều học sinh chắc chắn sẽ buồn. Nên tôi nghĩ, có thể họ vận động học sinh tham gia đồng đều trong lớp vì điều đó chứ không phải vì thành tích“.
(Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng PGD quận Hà Đông)
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số phụ huynh tới báo Dân trí, việc triển khai ở các trường đang có vấn đề, có tình trạng giáo viên chủ nhiệm nhắn tin đến phụ huynh, yêu cầu cho trẻ tham gia vì thành tích.
Một phụ huynh có con đang học tiểu học tại quận Hà Đông cho biết, vài hôm trước, trên nhóm chat của lớp, cô giáo chủ nhiệm (GVCN) thông báo về Chương trình sữa học đường.
Trong tin nhắn của giáo viên này gửi đến các phụ huynh, một số lớp khác có số học sinh tham gia gần 100% sĩ số lớp. Và nếu lớp này không tham gia đầy đủ, nghĩa là cô chưa hoàn thành công tác chủ nhiệm.
“Chúng tôi đang tìm hiểu và ít nhất phải hỏi con xem muốn uống loại sữa gì để quyết định tham gia hay không. Tuy nhiên, với tin nhắn như trên, chúng tôi nghĩ phụ huynh khó mà từ chối”, phụ huynh này cho biết.
Một phần tin nhắn của cô giáo đến phụ huynh học sinh yêu cầu tham gia Chương trình sữa học đường (Ảnh: NVCC).
Chị T., phụ huynh đang có con theo học mầm non trên địa bàn quận Hoàng Mai chia sẻ: “Hôm trước, có tin phát động Chương trình sữa học, tôi tìm thêm thông tin trên mạng và chia sẻ trong group của lớp một số bài báo nói về có trường hợp ngộ độc sữa ở các tỉnh miền Nam.
Em nghĩ, ai cũng cần thông tin đa chiều, để cho các phụ huynh khác biết. Thế nhưng chiều em đi đón con, cô giáo của con lại gọi nói chuyện riêng”.
Theo phụ huynh này, cô giáo bảo đừng gửi thông tin lên group. “Các bên liên quan đã cam kết sữa đảm bảo, có vấn đề gì họ sẽ chịu trách nhiệm, nếu con không đăng kí, gia đình có thể báo riêng với cô giáo.
Tôi thấy, nên để phụ huynh tự tìm hiểu thông tin và quyết định có tham gia hay không sẽ hay hơn “định hướng” như vậy…”, chị T. cho biết.
Chia sẻ với PV Dân trí, một số phụ huynh đồng quan điểm dường như chương trình được phổ biến “hơi gấp”. “Một chương trình lớn như vậy, có tác động tới thể chất của các cháu, đương nhiên phụ huynh nào cũng quan tâm.
Tuy nhiên chương trình chỉ gói gọn trong tờ A4 với những thông tin chung chung, nhà trường cũng không có thông báo, giới thiệu gì nhiều, chỉ có giáo viên ở lớp bảo phụ huynh về đọc và điền vào ô “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” và bảo hôm sau nộp.
Chưa kể trong thực đơn hàng ngày ở trường cũng đã có sữa. Hiện tại nếu con gặp vấn đề gì thì đầu mối trách nhiệm là nhà trường. Nếu chuyển sang sữa này, nếu có vấn đề gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Vẫn còn nhiều câu hỏi như vậy thì bảo sao chúng tôi yên tâm chi tiền để con tham gia được?”, một phụ huynh xin phép giấu tên chia sẻ.
“Hiện chúng tôi chưa có thông tin gì mà đã ép phụ huynh tự nguyện, nhỡ mai này tôi thực hiện không tốt thì biết sẽ ra sao? Chẳng hạn trong quy trình bảo quản không đảm bảo, đến giờ, học sinh không uống rồi vứt vào thùng rác… thì không được. Tóm lại, cả giáo viên và người thụ hưởng phải thoải mái thì mới thực hiện tốt”.
(Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng PGD quận Tây Hồ)
Không để giáo viên “ép” phụ huynh tự nguyện
Đấy là quan điểm của một số lãnh đạo Phòng GD&ĐT tại Hà Nội về Chương trình sữa học đường.
Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng giáo dục quận Tây Hồ, các trường trên địa bàn đã phát phiếu khảo sát đến phụ huynh học sinh và tìm hiểu thông tin.
Đến thời điểm này, quận Tây Hồ đã có khoảng 90% học sinh tham gia. Tuy nhiên, khó khăn tập trung ở khối trường ngoài công lập.
Nguyên nhân do một số trường Quốc tế đã có loại sữa riêng rất tốt của nhà trường, còn một số phụ huynh khác thì không mấy quan tâm nên khó thuyết phục.
Cũng theo ông Vũ, sữa học đường nếu triển khai được sẽ rất tốt. Tuy nhiên, điều mà phụ huynh băn khoăn, liệu quy trình vận chuyển có đúng chuẩn hay không? Thời gian uống được quy định và kiểm soát chặt chẽ hay ai thích uống lúc nào thì uống? Đơn vị nào sẽ cung cấp sữa cho trường học?
“Tôi nghĩ, nên sớm cung cấp các thông tin để phụ huynh cân nhắc lựa chọn, tránh ép buộc tự nguyện bởi hiện nay, các thông tin cụ thể của chương trình vẫn chưa nhiều và chỉ mới dừng ở việc đăng kí. Biết đâu, nhìn vào đơn vị cung cấp sữa uy tín và một số thông tin khác, phụ huynh sẽ thay đổi quan điểm”, ông Vũ chia sẻ.
Chia sẻ với PV, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, trong cuộc họp mới đây, Phòng đã quán triệt đến từng Hiệu trưởng nhà trường phải có cách thức triển khai phù hợp để Chương trình sữa học đường phát huy được tính chất nhân văn. Nhiều hiệu trưởng nắm được đây là chương trình tự nguyện.
“Ngày thứ 3 tới đây, tôi tiếp tục có cuộc họp với các Hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở để không thể xảy ra trường hợp “ép” phụ huynh tự nguyện như phản ánh.
Tôi đã từng nghe có giáo viên tâm sự, nếu trong lớp có 40 cháu mà 30 cháu được uống sữa. Vậy, 10 cháu còn lại không được uống thì sẽ ra sao? Nhiều học sinh chắc chắn sẽ buồn. Nên tôi nghĩ, có thể họ vận động học sinh tham gia đồng đều trong lớp vì điều đó chứ không phải vì thành tích”, bà Hằng chia sẻ.
Nguồn giadinh.net.vn