Tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực

Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 là dịp để hiểu, thực hiện sâu sắc hơn nữa những việc làm cụ thể nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho trẻ.

Lễ Phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2017 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức đã diễn ra sáng nay (27/5) tại quận Long Biên.

Dự lễ Phát động, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, Tháng hành động vì trẻ em năm nay, chúng ta có thêm món quà đặc biệt, đó là Luật Trẻ em chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Đây là cơ sở pháp lý và cũng là việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em trong tình hình mới.

Tang cuong bao ve tre em truoc nguy co bi xam hai, bao luc - Anh 1

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao quà cho các em nhỏ vượt khó học tập trên địa bàn TP. Hà Nội.

Nhận định tại lễ phát động về công tác chăm sóc trẻ em nhiều năm qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia cam kết chính trị mạnh mẽ, tích cực xây dựng nhiều chính sách, chương trình để thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có trẻ em đã được cải thiện đáng kể trên nhiều khía cạnh như về dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, phát triển con người, phát triển xã hội nói chung.

Song, Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ lo ngại trước thực tế trẻ em bị bạo lực, xâm hại có nguy cơ ngày càng tăng. Trong điều kiện gần đây xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bệnh tật, bỏ học, lao động sớm, bị tai nạn thương tích, đuối nước còn nhiều, nhất là trẻ em trong các gia đình nghèo, trẻ em thiếu sự chăm sóc, giáo dục và bảo vệ của gia đình.

Phó Chủ tịch nước đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương và địa phương phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các bậc cha mẹ, thành viên gia đình, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em; cũng như giáo dục, phổ biến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ phòng ngừa bạo lực, xâm hại chính mình.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định: “Truyền thống của dân tộc ta là yêu trẻ, chăm lo cho trẻ, đặc biệt là thiếu nhi. Vì chúng ta xác định trẻ em là tương lai của dân tộc, đất nước thịnh hay suy phần lớn phụ thuộc vào sự phấn đấu, rèn luyện của các em. Chúng ta phấn đấu để dành những gì tốt nhất, đẹp nhất cho trẻ em”.

Bộ trưởng cho rằng chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 là triển khai Luật Trẻ em, cũng là dịp để hiểu, thực hiện sâu sắc hơn nữa những việc làm cụ thể nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho các thế hệ trẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn tất cả người lớn, các bậc cha mẹ hãy nói không với bạo lực trẻ em. Các tổ chức, cơ quan chức năng đẩy mạnh giải quyết và xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại đối với trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, cấp ngành, các tổ chức xã hội phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tăng cường các biện pháp chăm lo giáo dục cho trẻ, để “Các em sẽ trưởng thành trong một môi trường tốt hơn để những khoảng tối trong trẻ em ngày càng giảm đi. Và những khoảng sáng trong trẻ em, trong xã hội ngày càng nhân lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng nhân tháng hành động vì trẻ em, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đã được nhận quà, động viên./.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *