Tăng cường sự tham gia của các đơn vị ngoài công lập về bảo vệ trẻ em
Ngày 27/6/2023 tại Hà Nội, hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài công lập nhằm góp phần tăng cường sự tham gia của các đơn vị ngoài công lập trong cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của Văn phòng ChildFund Australia tại Việt Nam.
Khoảng 35 đại biểu đến tham dự hội thảo trong đó về phía cơ quan Nhà nước có ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình; về phía Hội Bảo về quyền trẻ em Việt Nam có ông Lương Thế Khanh – Phó Chủ tịch thường trực; ông Võ Anh Dũng – Phó Chủ tịch và ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch, tư vấn thực hiện khảo sát. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu đại diện đến từ các cơ sở Hội ở Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh; đại diện một số trung tâm trực thuộc Hội và đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài công lập tại Hà Nội; chi hội Luật sư vì trẻ em.
Phần đầu tại hội thảo, ông Hà Đình Bốn – tư vấn thực hiện khảo sát đã có phần chia sẻ một số nội dung chính của dự thảo báo cáo. Tuy khảo sát được thực hiện ở phạm vi tại 3 tỉnh TP là Hà Nội, Hòaa Bình, Tp Hồ Chí Minh nhưng cũng đã đưa ra được những thông tin cơ bản về cơ chế vận hành, quản lý, nhân sự, tài chính và các dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) do một số đơn vị ngoài công lập cung cấp. Từ đó đưa ra những phát hiện chính về thiếu quy định pháp luật về khái niệm “dịch vụ bảo vệ trẻ em”, sự chồng chéo các dịch vụ bảo vệ trẻ em, khó khăn của các đơn vị cung ứng dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài công lập, bất cập trong quản lý Nhà nước đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài công lập hiện nay…
Tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cũng khẳng định hiện nay để tạo điều kiện cho các đơn vị cung cấp dịch vụ ngoài công lập tham gia việc cung cấp dịch vụ nên cơ quan quản lý đang thực hiện cơ chế hậu kiểm. Dịch vụ tiếp cận hiện nay đang theo 3 cấp độ Bảo vệ trẻ em và có thể có những dịch vụ cung cấp 1-2 cấp độ hoặc cả 3 cấp độ. Tuy nhiên, ông Đặng Nam cũng nhấn mạnh tới 8 nguyên tắc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bao gồm: vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; đảm bảo tính liên tục; bảo mật thông tin; không phân biệt đối xử; các nhu cầu về bảo vệ trẻ em của trẻ được đáp ứng kịp thời; giảm thiểu tổn hại; bảo đảm sự tham gia của trẻ em và gia đình; tiếp cận đa ngành. Hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em phải tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Và khi mở cho các đơn vị ngoài công lập tham gia việc cung ứng dịch vụ bảo vệ trẻ em thì sẽ có sự cạnh tranh giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập, nhưng vẫn phải đảm bảo việc tuân thủ theo đúng quy định, hướng dẫn ban hành việc cung cấp dịch vụ của Nhà nước.
Phát biểu thảo luận tại hội thảo, bà Trần Thị Thu Hà – đại biểu từ TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ băn khoăn về việc cung ứng dịch vụ bảo vệ trẻ em của các cơ sở ngoài công lập có được trả phí không, cơ sở tiêu chuẩn nào để thu hút sự tham gia của luật sư tham gia vào bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ và sự cần thiết phải có tiêu chuẩn, chế độ của nhà nước để thúc đẩy cho việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em của đơn vị ngoài công lập không bị trùng lặp.
Bà Phạm Thị Thanh Yến – Trưởng phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình cho biết cơ quan cấp phép cho các cơ sở ngoài công lập cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng chưa có quy định cụ thể và địa phương cũng gặp khó khăn trong việc kiểm tra các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Chia sẻ tại hội thảo về xu hướng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Đình Nghinh – Phó Chủ tịch Hội BVQTE TP HCM cho rằng việc cung cấp dịch vụ trẻ em của các cơ sở công lập đóng vai trò chính nhưng xuất phát từ thực tiễn tại TP HCM hiện đang có xu hướng quy hoạch lại các cơ sở công lập và mở rộng ra cơ sở ngoài công lập. Tuy nhiên, có sự chênh lệch giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thiếu cơ sở cung cấp đa dịch vụ, chất lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa cao, mang tính chất chuyên sâu (hỗ trợ tâm lý, phục hồi…); các hoạt động đang tập trung vào nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là chính nhưng cần đa dạng các nhóm đối tượng trẻ em khác có thể rơi vào nguy cơ là trẻ hoàn cảnh đặc biệt; một số cơ sở thành lập tính pháp lý chưa đảm bảo; cần thực hiện thế nào để các cơ sở cung ứng dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài công lập được nhận nguồn kinh phí của Nhà nước về dịch vụ này…
Ông Nghinh cũng nhấn mạnh Hội Bảo vệ quyền trẻ em cần phát triển mảng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, phải song song cùng với nhiệm vụ về tư vấn, góp ý chính sách. Hội có tính pháp lý, có chính danh trong hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Hội cũng đã làm được một số việc để tham gia bảo vệ trẻ em hiệu quả trong khi đó các tổ chức phi chính phủ đang thu hẹp lại trong 1 số hoạt động vận động chính sách, tư vấn, pháp luật và ít quan tâm về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Vì vậy, với điều kiện và cơ sở pháp lý, Hội cần quan tâm tới cung cấp các dịch vụ có thể phối hợp với cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em tại địa phương. Bên cạnh đó hình thức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em có thể theo hướng Hội trực tiếp cung cấp dịch vụ hoặc thành lập trung tâm chuyên thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ mà Hội giám sát, quản lý hoặc cả 2. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm tới đối tượng cung cấp dịch vụ để xác định dịch vụ nào, đối tượng nào có thể thu phí hoặc không thu phí. Tuy nhiên, khi thực hiện việc cung cấp dịch vụ cần lưu ý tới nhân sự và chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu phát triển mô hình, trung tâm trực thuộc để cung cấp; cơ sở vật chất và trang thiết bị; kiện toàn và sắp xếp mạng lưới để kết nối, chuyển gửi các vụ việc; quy chế quản lý-vận hành-tài chính các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Các vấn đề về sự cần thiết tập huấn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của trẻ khi các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài công lập tiếp cận; truyền thông cho cha mẹ về bảo vệ trẻ em; vai trò các mạng lưới tham gia trong việc truyền thông, tư vấn và sự sự kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, quản lý chuyên môn của các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Ông Đỗ Dương Hiển – chuyên gia bảo vệ trẻ em của tổ chức ChildFund Việt Nam cũng khẳng định xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các dịch vụ bảo vệ trẻ em là hoạt động mà ChildFund đang hỗ trợ cùng Bộ LĐTBXH xây dựng với mục tiêu thực hiện dịch vụ hỗ trợ và chuyển tuyến đặc biệt chuyển đi đâu, chuyển cho ai bởi các dịch vụ bảo vệ trẻ em thường tập trung ở các thành phố lớn, còn các vùng sâu vùng xa thì dịch vụ này hầu như không có hoặc chỉ cung cấp bởi các cơ sở công lập, sự kết nối và sẵn có, chất lượng dịch vụ ở địa phương không đảm bảo. Ông Hiển cũng chia sẻ: “Trong tương lai chúng tôi hi vọng các dịch vụ do các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài công lập có thể được Nhà nước chi trả nhưng trước tiên cần xác định bước đầu là xây dựng cho ai, ai chi trả, tiêu chuẩn dịch vụ ra sao. Chúng tôi hi vọng trong khuyến nghị và định hướng của Hội sẽ rõ hơn tiến trình tiếp theo sau báo cáo và cam kết sẽ tìm kiếm thêm nguồn lực để thúc đẩy sự tham gia của Hội trong xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và huy động sự tham gia của các cơ sở ngoài công lập trong cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em”.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được chia sẻ những thông tin cơ bản về quyền trẻ em trên môi trường kỹ thuật số, vai trò của internet và sự tham gia của người lớn và trẻ em khi tiếp cận internet, những nguy cơ có thể gặp phải trên môi trường mạng và các cách thức ứng phó, chuyển gửi, kết nối khi gặp phải các trường hợp vi phạm quyền trẻ em trên môi tường mạng và một số kỹ năng cần thiết để tư vấn bảo vệ trẻ em trên mạng. Đây chính là thông tin hướng dẫn để các cơ sở Hội, các đơn vị làm trong lĩnh vực trẻ em có thể tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả.