Teen Hà thành “yêu” gian sách miễn phí của bà cụ 73 tuổi
Hơn 5 giờ chiều, gian sách nhỏ ở góc sân gò Đống Đa (đối diện số nhà 55, phố Đặng Tiến Đông) dần trở nên nhộn nhịp. Ở đó có một người phụ nữ tuổi đã qua tuổi thất thập, mê sách, yêu sách và muốn lan toả tình yêu sách đến với mọi người.
“Bà về quê làm lễ Thanh minh, ngủ lại một tối rồi chiều hôm sau quay lại Hà Nội luôn. 2 giờ sáng bà không thể ngủ được nữa, cứ nghĩ đến gian sách lại sợ nó hoạt động không tốt, sợ các con ở nhà trông nom không cẩn thận, sợ nhỡ giở giời mưa gió làm hỏng sách… Bà cứ trăn trở thế thành ra cả đêm chẳng ngủ được. Hôm sau liền bắt xe lên Hà Nội”, bà Phan Thị Huyền Dung (73 tuổi) – người đã đưa gian sách báo miễn phí này trở thành điểm đến quen thuộc của người dân trong suốt 2 năm qua tâm sự.
Gian sách ấm tình người giữa lòng Hà Nội: “Ai ham đọc thì họ tìm đến đây”
Trước đây, bà Dung là giảng viên dạy Triết học tại trường Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Từ tháng 9/2016, bà tròn 50 năm tuổi Đảng và hàng ngày đều được cấp phát một tờ báo. Vốn là một người yêu sách, bà thấy thật lãng phí nếu chỉ giữ lại đọc một mình nên đã bày báo ra vỉa hè, kiếm một mảnh gỗ rồi ghi lên đó dòng chữ: “Mời nhân dân đọc sách, báo miễn phí”. Từ đó, quầy sách có 1-0-2 này bắt đầu đi vào hoạt động.
Thời gian đầu, bà kê một chiếc sạp nhỏ ở vỉa hè của Gò Đống Đa. Người ta ngó qua vì tò mò còn thực tâm đứng lại đọc thì chẳng được bao nhiêu do số lượng báo quá ít. Sau nửa tháng, bà trích lương hưu của mình ra mua thêm để tăng số lượng báo phục vụ độc giả. Mọi người truyền tai nhau, kể từ đó, sạp sách báo của bà Dung bắt đầu nhiều dần lên nhờ được mọi người ủng hộ.
Nhắc đến tấm lòng của mọi người, bà Dung vui lắm! Gương mặt bà rạng rỡ khi kể về những cụ tuổi đã ngoài 90 vẫn bắt xe buýt mang sách báo đến, rồi ở lại nói dăm ba câu chuyện với bà; là những bạn trẻ từ miền Nam ra chơi cũng ghé tới, chung tay giúp bà thực hiện công việc ý nghĩa.
Bà chia sẻ: “Có ông cụ ở Hào Nam liên hệ biếu 500 cuốn sách, cuốn nào cũng bọc nilon, đóng ghim xung quanh. Bà không dám mang về nhiều, gian sách này ngoài trời, nhỡ nắng mưa hỏng mất. Cụ quý sách thế nên mình cũng phải trân trọng, giữ gìn. Còn cái ô này do anh thương binh ở Vĩnh Phúc ủng hộ, 2 cái ô kia cũng của người ta đem đến. Có anh giáo viên trẻ và một cậu sinh viên cho bà cái tủ kính, kệ sách và cái quạt”.
Đang vui là vậy, gương mặt bà Dung bỗng thoáng buồn. Bà nhớ đến những lần nhặt sách từ bãi rác về. Một người say mê với từng con chữ như bà sao có thể vui khi nhìn những cuốn sách quý bị đối xử như vậy. “Tiếc lắm chứ, toàn những cuốn có giá trị cả con à”, bà thở dài.
Thế rồi bà lại nhớ đến những lần bị người khác nghi ngờ. Có người còn hỏi bà Dung rằng bà có âm mưu gì đằng sau từ “miễn phí” ấy. Bà tâm sự: “Lúc đầu bà buồn vì bị nói như vậy. Về sau mọi người động viên, khuyên bà hãy làm cho tốt rồi bản thân những người đó sẽ tự xấu hổ vì câu nói của họ”.
Những chuyện buồn vui nơi góc phố
Từng có thời điểm bà Dung chuyển sạp sách báo về trước cửa nhà mình và… “mất khách”. Bà ngạc nhiên quá liền đi tìm mọi người để hỏi lý do. Bấy giờ bà mới hiểu là vì người ta ngại: “Họ bảo bà rằng sạp báo đặt ngay trước cửa hàng của các con bà. Giờ mà cứ sang đọc như thế, đứng chắn trước cửa thì vô duyên”. Thế là sạp sách báo lại chuyển về địa điểm cũ.
Đến gian sách của bà Dung, ai rảnh thì ngồi đọc, ai bận có thể mượn về nên đã xuất hiện trường hợp những cuốn sách “một đi không trở lại”. Thời gian đầu bà chuẩn bị một quyển sổ to, ai mượn thì tự tay ghi vào đó thông tin cá nhân của mình rồi ký tên. Nhưng cách làm đó lại khá lỏng lẻo, phụ thuộc vào ý thức từng người nên hiệu quả không cao. Một số người còn chủ tâm ghi sai số điện thoại, số chứng minh thư để lấy đi những cuốn sách mà mọi người đã cùng đóng góp.
Nhắc đến vấn đề này, cuộc nói chuyện của phóng viên TNTP và bà Dung lặng đi một lúc. Bà nhớ lại câu chuyện buồn về một người phụ nữ từng đến mượn sách của bà: “Khi đó gian sách mới mở được khoảng 2 – 3 tháng thì có một cô tầm 50 tuổi tới mượn 13 cuốn. Nhiều người cần đọc những cuốn sách đó nên bà đã gọi điện bảo cô ấy đem qua. Vậy mà cô ấy bảo: “Người ta mượn đọc, khi nào đọc xong thì người ta trả tất”. Và cho đến bây giờ cô ấy vẫn chưa đem đến trả”.
– Bà Dung ơi, tôi về nhé, mai tôi ra!
– Cháu chào bà Dung.
– Bà Dung ơi, nước uống để ở đâu ạ…
Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng chào hỏi. Mỗi khi có người đến, bà lại giới thiệu về họ. Đây là cậu sinh viên quê Thái Bình, ngày nào cũng qua giúp bà dọn dẹp; kia là người bạn già hay qua đây trò chuyện với bà; đó là các bạn học sinh học ở trường cấp 1 gần đó, mỗi chiều lại tới đây đọc truyện chờ bố mẹ đến đón… Những người xa lạ ấy coi bà Dung như người thân của mình. Thứ tình cảm nhỏ bé ấy đã nuôi dưỡng động lực thúc đẩy bà làm việc nhiều hơn. Chỉ vậy thôi, hạnh phúc của một người sống tận tâm với cộng đồng!
Vốn là “độc giả” thân thiết của gian sách từ những ngày đầu hoạt động, bà Hoàng Thị Xuân(70 tuổi, sống tại phố Đặng Tiến Đông) chia sẻ: “Hành động của bà Dung khiến mọi người nể phục bởi gian sách đã khuyến khích văn hoá đọc cho cộng đồng dân cư ở đây. 15 năm sinh hoạt tại địa phương, lúc nào bà Dung cũng điềm đạm, nhiệt tình và ứng xử tốt với mọi người tốt với mọi người. Chưa bao giờ bà Dung kể công điều gì nên ai cũng quý mến. Thế nên có người thích đọc ở đây, trò chuyện với nhau dăm ba câu, đọc dăm ba trang rồi về, hôm sau quay lại”.
Bạn Lê Thuý Hiền (Lớp 5A4, trường Tiểu học Quang Trung, Hà Nội) vui vẻ cho biết: “Mình biết gian sách này lâu rồi nhưng thời gian gần đây mới thường xuyên đến đọc. Ở đây mình có thể đọc thoải mái, các đầu sách nhiều và số lượng cũng đủ đáp ứng nhmu cầu của mình. Bà Dung hiền lắm, mọi người ai cũng quý bà Dung”.
“Rồi tới đây bà già yếu, ai sẽ lo cho nơi này…”
Có lần mưa giông, bà trùm áo mưa lên người, trèo lên ghế để căng bạt che kín gian sách để rồi trượt chân ngã sõng soài xuống đất. Ô thì lật ngửa bay hết vào trong Gò. Các con bà chạy ra giúp mẹ, nhưng bà vẫn cố ở lại nhặt gạch chèn vào vì sợ con làm ẩu. Lo cho sức khoẻ của mẹ, thế nhưng vì tôn trọng mẹ, biết mẹ già rồi thích đọc sách nên con cháu trong nhà luôn cố gắng giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ mẹ.
Nhắc đến chuyện tương lai, bà bộc bạch bao trăn trở trong lòng: “Bà đã nghĩ rất nhiều về cách bảo vệ quán sách này. Rồi sức khoẻ của bà sẽ đi xuống, nói dại nhỡ làm sao thì chẳng ai chăm sóc nó nữa. Đây là tài sản của nhân dân, là nguồn tri thức vô giá phải lưu giữ cho mọi người.
Bà muốn gian sách này được lưu giữ để các bạn trẻ tích cực đọc sách báo hơn, khôi phục văn hoá đọc, một nét đẹp của thủ đô và cả nước ta. Nếu chuyển gian sách vào nhà văn hoá thì sẽ lại giống thời điểm bà chuyển gian sách về cửa nhà. Tâm lý người Việt Nam không thích phiền hà thì rõ ràng quán miễn phí ngoài trời, ven đường sẽ phù hợp. Không rườm rà, không thủ tục thì người ta mới đến đọc đông”.
Rồi bà nhìn ra phố, dòng xe vẫn chạy ngược xuôi chẳng ngừng, dòng đời vẫn tiếp tục trôi đi đầy hối hả. Bà Dung ơi, rồi sau này gian sách nhỏ sẽ chống chọi thế nào trong những ngày giông tố?
Nguồn thanhnien.vn